UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xử lý dứt điểm dự án nhiệt điện Kiên Lương vốn đầu tư 6,7 tỷ USD do công trình đã tạm dừng thi công, ảnh hưởng tới Tổng sơ đồ điện VI.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – Phạm Vũ Hồng vừa ký công văn gửi Bộ Công thương đề nghị xem xét xử lý dứt điểm đối với dự án nhiệt điện Kiên Lương do Công ty Cổ phần năng lượng Tân Tạo (ITACO) thuộc Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư.
Theo lãnh đạo tỉnh, 3 năm qua dự án đã tạm dừng thi công khiến người dân bức xúc do thấy đất bị thu hồi mà dự án không được triển khai, một số hộ còn tự ý lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp khiến chính quyền địa phương gặp khó khăn trong quản lý. Sự chậm trễ này cũng gây thiệt hại về kinh tế – xã hội cho tỉnh, ảnh hưởng đến Tổng sơ đồ điện VI và khả năng đảm bảo nhu cầu sử dụng điện của toàn miền Nam.
UBND tỉnh Kiên Giang xin ý kiến Bộ Công Thương về dự án nhiệt điện Kiên Lương. Ảnh: VIR |
Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng quyết định một trong hai giải pháp. Thứ nhất, nếu ITACO có đủ điều kiện thì phải tập trung vốn triển khai dự án ngay đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Thứ hai, nếu xét thấy ITACO không có khả năng thực hiện dự án, đề xuất Bộ Công Thương thu hồi dự án để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư khác.
Dự án nhiệt điện Kiên Lương được đưa vào Tổng sơ đồ điện VI năm 2007, đến năm sau được giao cho Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư, tổng giá trị 6,7 tỷ USD. Theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2013, với hai tổ máy phát điện tổng công suất 1.200 MW.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, dự án bị đình trệ. UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều buổi làm việc với ITACO để tìm giải pháp triển khai tiếp hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư, nhưng đến nay ITACO vẫn chưa thực hiện.
Trao đổi với VnExpress.net mới đây, đại diện Tập đoàn Tân Tạo cho rằng việc xem xét thu hồi chủ trương đầu tư dự án phải do Chính phủ quyết định. Vị này khẳng định, về cơ bản mặt bằng nhà máy nhiệt điện Kiên Lương giai đoạn I đã hoàn thành từ năm 2011, tập đoàn cũng đã đầu tư trên 240 triệu USD vào dự án.
Song, việc triển khai tiếp dự án sẽ phụ thuộc vào việc Bộ Công thương đàm phán hợp đồng bảo lãnh quốc tế – GGU (hợp đồng bảo lãnh toàn bộ của Chính Phủ về phần ngoại tệ để công ty có thể nhập khẩu máy móc thiết bị và than) và hợp đồng mua bán điện – PPA. Nhưng vì thực hiện theo hình thức BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh) nên việc xin hợp đồng bảo lãnh quốc tế gặp khó khăn.
Phía UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho hay, hiện có ít nhất bốn nhà đầu tư đến từ Singapore, Hồng Kông, Anh, Pháp đã có văn bản thể hiện mong muốn được đầu tư vào dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương.
Huyền Thư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng seo