Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đang có rất nhiều dấu hiệu của Nhật Bản thời kỳ “mất mát” những năm 90, khi cùng lúc đứng trước 3 nguy cơ: tăng trưởng chậm, giảm phát và nợ xấu.
Có rất ít cụm từ có khả năng khiến các nhà kinh tế và chính trị gia hốt hoảng như “Japanization” – ám chỉ một nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái tồi tệ, tương tự Nhật Bản những năm 1990. Đó là sự tổng hợp của tình trạng tăng trưởng chậm, giảm phát và nợ xấu. Chính viễn cảnh đó đã khiến các thống đốc ngân hàng trên khắp thế giới, từ Ben Bernanke (Mỹ) đến Mario Draghi (châu Âu), ào ạt bơm tiền để tránh xa.
Những năm 1990 được coi thập kỷ mất mát của nước Nhật khi phải triền miên đối phó với cảnh giá giảm liên tiếp. Nguyên nhân là cú ngã nhào của thị trường bất động sản và chứng khoán tại đây hồi thập niên 80.
Kịch bản đáng sợ này đang được các chuyên gia chuyển hướng sang Bắc Kinh. Hai nhà phân tích Brian Reading và Diana Choyleva tại Lombard Street Research gần đây đã xuất bản cuốn sách: “Cơ hội để Trung Quốc tránh khỏi vết xe đổ của Nhật Bản”. Còn Grace Ng tại JPMorgan Hong Kong (Trung Quốc) cũng cảnh báo Trung Quốc ngày nay và Nhật Bản thập niên 80 có những điểm tương đồng kỳ lạ về các số liệu tín dụng.
Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ trở thành Nhật Bản thứ hai. Ảnh: China Daily |
Theo William Pesek – chuyên gia phân tích tại Bloomberg, vấn đề hiện nay chỉ là Trung Quốc dễ rơi vào “Japanization” đến mức nào. Và rõ ràng là, chỉ những động thái đột phá và mạnh mẽ của giới lãnh đạo mới có thể giúp Trung Quốc tránh được tai họa này.
Theo nghiên cứu mới nhất của nhà phân tích Albert Edwards tại Societe Generale, chênh lệch giữa GDP thực và GDP danh nghĩa của Trung Quốc chỉ còn 0,5% trong quý II. Đây là tín hiệu cho thấy họ đang có nguy cơ giảm phát.
Trung Quốc cũng rất có khả năng ngập trong nợ nần, nếu xét đến 3.500 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. JPMorgan cho rằng tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã tăng lên 187% năm ngoái, so với 105% năm 2000. Trong khi đó, từ năm 1980 đến 1990, tỷ lệ này tại Nhật Bản chỉ tăng từ 127% lên 176%. Nợ Nhật Bản đã bùng nổ kể từ đó là và có thể chạm tới 250% GDP năm sau.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã có hàng thập kỷ xây dựng mối quan hệ giữa khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, tạo ra các công ty mang tính đột phát và mở cửa hệ thống tài chính. Quá trình này đã giúp họ đi qua hai thế kỷ mà không phải hứng chịu sụp đổ tài chính hay bất ổn xã hội.
Dù vậy, nước này cũng từng bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Thay vì nhanh chóng đập bỏ mô hình kinh tế dựa vào đầu tư quá mức, xuất khẩu và nợ chồng chất, Tokyo lại trì hoãn bằng mọi cách, như dựa vào thặng dư tài khoản vãng lai, thâm hụt ngân sách lớn và bong bóng tài sản.
Tình trạng này rất giống với Trung Quốc. Reading và Choyleva cho biết: “Trung Quốc đang dẫm lên vết xe đổ của Nhật Bản. Tuy nhiên, nền kinh tế của họ vẫn chưa nợ nần quá mức. Giờ là lúc họ tránh mắc phải sai lầm của Nhật Bản nếu chịu thay đổi. Bài học từ kinh nghiệm của Nhật Bản thập niên 70 – 80 là thay đổi sẽ sinh ra thay đổi và tự do hóa là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trừ phi các chính sách hướng đến cải tổ căn bản, các biện pháp tạm thời như dựa vào thặng dư tài khoản vãng lai, thâm hụt ngân sách hay thổi phồng bong bóng sẽ dần mất tác dụng và khiến tăng trưởng trì trệ”.
Có rất nhiều dấu hiệu rắc rối mà Bắc Kinh cho rằng họ vẫn còn thời gian giải quyết. Dù cam kết cắt giảm công suất sản xuất dư thừa, kiểm toán nợ công và chấp nhận tăng GDP dưới 8% mỗi năm, họ vẫn trấn an thị trường rằng tăng trưởng sẽ không được phép xuống quá thấp.
Kiểu nói mập mờ như vậy vô cùng quen thuộc với người đã theo dõi Nhật Bản lâu năm như Marshall Mays – giám đốc Emerging Alpha Advisors (Hong Kong, Trung Quốc). “Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nổi tiếng với việc củng cố quyền lực nhanh chóng, ông ấy vẫn còn rất nhiều điều phải giải quyết trong năm đầu tiên nhậm chức. Còn Thủ tướng Lý Khắc Cường dường như vẫn chưa lập ra được một kế hoạch ổn định“.
Nợ công tại Trung Quốc là vấn đề chính trị hơn là kinh tế. Tại Trung Quốc, các lãnh đạo địa phương đua nhau ra các chính sách đưa thành phố của mình nổi lên trên bản đồ thế giới. Vì thế, họ ào ạt xây nhà cao tầng, sân bay quốc tế, đường cao tốc 6 làn hay khách sạn 5 sao bằng tiền đi vay. Nếu một trong số các thành phố đó vỡ nợ, quy mô có lẽ còn lớn hơn 18 tỷ USD của Detroit (Mỹ).
Theo Pesek, có rất nhiều cách để Trung Quốc ngăn quả bom nợ phát nổ, như kiểm soát chặt hơn, mở rộng thị trường trái phiếu địa phương, để các chính quyền tự tái huy động vốn bằng các bán trái phiếu trực tiếp, hay tăng cường minh bạch. Trung Quốc cũng có thể học tập Mỹ trong cuộc khủng hoảng cho vay 1980 bằng cách thành lập một công ty để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, để làm được những việc này, các lãnh đạo Trung Quốc phải có sự can đảm rất lớn. Nếu không, họ sẽ biến thành một Nhật Bản thứ hai.
Thùy Linh (theo Bloomberg)
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng seo