Theo TS Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, các rủi ro đối với hệ thống tài chính có thể đến từ rất nhiều hướng, trong đó có những vấn đề đến từ chính sách mà các định chế phải tuân thủ.
– Vì sao cần coi trọng việc giám sát an toàn vĩ mô, trong khi chúng ta vẫn đang tích cực thực hiện việc giám sát tài chính?
TS Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh: PV |
– Từ những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khu vực, thế giới đã nhận ra sự thiếu vắng của giám sát an toàn vĩ mô vì nhiều mất cân xứng vĩ mô không được giám sát chặt chẽ, chính sách đầu tư xã hội không được hoạch định hợp lý, quản lý tín dụng không được kiểm soát chặt…
Nhiều nước đã thành lập các cơ quan giám sát an toàn vĩ mô với tên gọi Ủy ban hay Hội đồng Ổn định tài chính. Ở nước ta, hệ thống giám sát tài chính chủ yếu tập trung vào giám sát an toàn vi mô.
Chúng ta mới giám sát an toàn vi mô nhằm ngăn chặn sự bất ổn của từng định chế tài chính, trên cơ sở thiên về giám sát tuân thủ, chứ không phải là giám sát dựa trên rủi ro. Trong quá trình thanh tra, giám sát, kiểm tra, mới chỉ yêu cầu các định chế tài chính thực hiện theo đúng yêu cầu.
Trong khi đó, các rủi ro có thể đến từ rất nhiều hướng mà chúng ta chưa xem xét đến, trong đó có rủi ro đến từ ngay các chính sách mà các định chế tài chính phải tuân thủ.
– Giám sát an toàn vĩ mô sẽ hỗ trợ ra sao cho nền kinh tế?
– Việc giám sát an toàn vĩ mô là sự bổ sung cần thiết cho cơ chế giám sát tài chính hiện nay. Nó sẽ đưa đến cho các cơ quan giám sát tài chính một cách giải quyết mới để tiếp cận vấn đề ổn định tài chính, với 3 bước: nhận diện khủng hoảng tài chính, ngăn ngừa rủi ro hệ thống và ứng phó kịp thời với khủng hoảng.
Việc giám sát an toàn vĩ mô sẽ theo dõi được khủng hoảng tài chính phát sinh như thế nào từ các rủi ro khu vực tài chính, các rủi ro kinh tế vĩ mô cùng các tác động lẫn nhau giữa khu vực tài chính và khu vực kinh tế thực.
– Vậy sự phân định nhiệm vụ giữa giám sát an toàn vĩ mô và an toàn vi mô được thực hiện thế nào, thưa ông?
– Bên cạnh việc phân chia trách nhiệm giữa chính sách tiền tệ (ổn định giá cả) và chính sách an toàn vi mô (các chế định tài chính phải được lành mạnh), cần phải có cái nhìn toàn diện về hệ thống tài chính, với mục tiêu và nhiệm vụ là đảm bảo sự ổn định và phân bổ nguồn vốn hợp lý của hệ thống tài chính.
Các vấn đề cần quan tâm trong giám sát an toàn vĩ mô là ngăn ngừa sự hình thành rủi ro hệ thống bằng việc quản lý tín dụng và các chu kỳ giá cả tài sản, đồng thời tăng cường sức chịu đựng của hệ thống tài chính trước các cú sốc mang tính hệ thống.
– Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đang thực hiện việc giám sát an toàn vĩ mô như thế nào và ông có khuyến nghị gì với công tác này?
– Từ năm 2009, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã tiến hành giám sát an toàn vĩ mô trên thị trường tài chính quốc gia thông qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và an toàn vi mô gộp, từng bước định hình khuôn khổ, công cụ giám sát an toàn vĩ mô theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Các giải pháp trước mắt là tôn trọng kỷ luật thị trường; chuẩn bị tốt kiến thức và hiểu biết sâu sắc về các điều kiện kinh tế và thị trường tài chính cho những người thực hiện giám sát an toàn vĩ mô; tăng cường phối hợp trong điều hành chính sách và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát tài chính trong nước; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan giám sát nước ngoài…
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp dài hạn, như đánh giá toàn diện thực trạng, khả năng triển khai hoạt động giám sát an toàn vĩ mô tại Việt Nam; xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động này; thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo bài bản về kỹ năng kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo Đầu tư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình php