Dù không đồng ý nhưng du khách vẫn bị tháo giầy dép ra để đánh. Nếu không được thì những người đánh giầy sẽ ngồi luôn ở ngay dưới chân họ. Ngược lại nếu du khách đồng ý đánh giày khi trả tiền sẽ bị chèn ép, chửi bới, dọa nạt.
Công viên 23 tháng 9 tọa lạc ngay trung tâm quận 1, Tp HCM, nên có rất nhiều du khách nước ngoài ghé qua nghỉ ngơi, hóng mát sau chuyến đi bộ tham quan thành phố. Tuy nhiên khách chưa hết mệt đã có rất nhiều hàng rong tới mời mua đủ thứ như sách, tạp chí du lịch, bưu thiếp, thuốc lá, kẹo cao su, trái cầu, đồ chơi…Đặc biệt tại đây lúc nào cũng có đội quân đánh giày từ 3 tới 5 người, cao điểm lên tới 8 người, có khi nhiều hơn.
Việc đáng nói ở đây là đội quân đánh giày không ngồi một nơi khi nào khách có nhu cầu thì tới phục vụ mà họ chạy lại lôi kéo, nài nỉ du khách mặc dù họ đã từ chối và nói: “No, Thank you” (Không, cảm ơn!).
Đội quân đánh giầy nói tiếng Anh bồi, mời chào rồi tự cúi tháo giầy dép của khách ra và ngồi chết dí luôn ngay ở dưới chân họ để làm việc. Đến khi thanh toán thường dở trò dọa nạt, cãi cọ, chèn ép du khách với giá cắt cổ.
Không chỉ lau chùi, đánh bóng mà đội quân đánh giày này còn giở thêm nhiều mánh khóe khác để ép khách phải móc tiền ra trả như: Tìm kẽ hở xung quanh đôi giày để dính keo, tự ý thay lót giày dù khách không có nhu cầu… Cuối cùng là thanh toán trọn gói từ 50 – 100 nghìn đồng.
Trước sự làm việc nhiệt tình đó đã khiến rất nhiều du khách bực tức bỏ đi, có người chưa từng được thưởng thức dịch vụ này thì cố gắng miễn cưỡng ngồi im để được phục vụ.
Đội quân đánh giầy này thường “nhìn mặt chặt chém”. Tôi đã từng thấy cảnh một chú đánh giày đòi tiền một đôi sandal của cặp vợ chồng du khách với giá 150.000 đồng. Điều đó khiến cặp vợ chồng này đã bực tức nói lớn điều gì đó như: sao quá đắt rồi chỉ trả 50 nghìn đồng và đứng dậy bỏ đi.
Nghành du lịch Việt Nam đã có quá nhiều khuyết điểm để mất lòng du khách như các cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch, taxi, xe ôm rồi nạn móc túi, giật đồ du khách trên đường, rác thải, nhà vệ sinh kém sạch sẽ… Vì vậy đừng để thêm những thêm tệ nạn đánh giày này làm hoen ố thêm nữa.
Họ đâu có biết rằng khi những người nước ngoài là nạn nhân này sẽ có những ác cảm cực kỳ xấu với người Việt vì phong cách làm ăn, kiếm tiền không giống ai. Những trải nghiệm không tốt này sẽ có thể được viết trên các diễn đàn mạng xã hội dẫn đến tình trạng khách du lịch sẽ không chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng nữa.
Đừng để những con sâu làm rầu nồi canh. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Tôi mong rằng mỗi người sẽ góp sức chung để bảo vệ ngành du lịch cũng như hình ảnh đất nước. Hãy hạn chế “tiếng dữ” lan truyền.
>>Xem thêm: Ký sự cơm gà ‘chặt chém’
Hưng
Chia sẻ bài viết về nạn ‘chặt chém’ khách hàng tại đây.
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng webmaster