Theo các luật sư, bán hàng đa cấp chỉ là một hình thức kinh doanh chứ không phải ngành nghề nên không cần có vốn pháp định. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng lo ngại việc ký quỹ hàng tỷ đồng sẽ khiến họ khó khăn về vốn.
Sở Công Thương TP HCM vừa tổ chức lấy ý kiến về dự thảo lần hai Nghị định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Trong đó, một số điểm mới trong dự thảo lần này là điều kiện thủ tục đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng, ký quỹ tại ngân hàng 5 tỷ đồng (trước đó 1 tỷ đồng). Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp sẽ là Bộ Công thương, thay vì Sở Công thương.
Tuy nhiên, qua trao đổi, hầu hết các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đều đề nghị Bộ nên cho phép, thay vì ký quỹ bằng tiền mặt tại ngân hàng, doanh nghiệp có thể dùng tài sản đảm bảo để thế chấp hoặc dùng chứng thư bảo lãnh để không bị “chôn vốn”.
Đồng tình với quan điểm của doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng việc đưa ra vốn pháp định 10 tỷ và ký quỹ 5 tỷ đồng cũng không giải quyết được bài toán thị trường. Bởi, việc ký quỹ này với doanh nghiệp nước ngoài là chuyện nhỏ nhưng lại gây khó đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, vốn đang trong tình trạng kinh tế khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng bán hàng đa cấp không nên quy định vốn pháp định. Ảnh: CAND |
“Nên chăng việc ký quỹ này áp dụng theo mức độ quy mô của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động quy mô càng lớn ký quỹ càng nhiều và ký theo % doanh thu, còn bao nhiêu % thì phải nghiêm cứu thêm”, lãnh đạo Sở đề xuất.
Ông đưa ra ví dụ, chẳng hạn ký quỹ trên 5% doanh thu, doanh nghiệp có doanh số 100 tỷ sẽ ký 5 tỷ, doanh thu 10 tỷ ký quỹ ở mức tối thiểu là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định cũng nên có trần tối đa là 20 tỷ vì nếu ký quỹ quá nhiều doanh nghiệp sẽ bị chôn vốn, khó làm ăn.
Mặt khác, nếu áp dụng vốn pháp định 10 tỷ đồng thì toàn bộ doanh nghiệp đang có giấy phép phải sang Sở Kế hoạch và Đầu tư thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, bổ sung vốn pháp định.
Ở một khía cạnh khác, Luật sư Võ Đan Mạch, đại diện của Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho hay, bán hàng đa cấp không phải là ngành nghề kinh doanh có mã ngành, không phải có vốn pháp định. Luật Doanh nghiệp quy định chỉ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Trong khi đó, bán hàng đa cấp không phải là ngành nghề, chỉ là phương thức kinh doanh, không có mã ngành. Vì vậy, nếu doanh nghiệp mang hồ sơ đăng ký kinh doanh sang Sở Kế hoạch và Đầu tư xin được bổ sung mục này vào thì chắc chắn không được chấp nhận. Ông Mạch đề xuất, nên chăng cơ quan quản lý nên quy định thành vốn điều lệ.
Ngoài việc góp ý sửa đổi các quy định trên, bà Hạ Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân còn cho biết tại Điều 15 quy định, trước khi giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp hết hiệu lực hai tháng, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục gia hạn. Như vậy nếu hai tháng sau doanh nghiệp hết hiệu lực chứng nhận, trong thời gian đó đã nộp hồ sơ lên để cấp giấy phép mới nhưng Bộ chưa phản hồi thì doanh nghiệp có được hoạt động hay không vẫn là điều chưa được làm rõ.
Một bất cập nữa trong Nghi định mới này là trong thời hạn sáu tháng, các doanh nghiệp đã có giấy phép bán hàng đa cấp bắt buộc phải đăng ký và xin cấp giấy mới trở lại. Doanh nghiệp đưa ra ví dụ, cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014, đơn vị này mới có giấy phép từ các Sở Công Thương, vừa làm thủ tục cấp phép xong lại phải xin cấp mới. Do vậy họ đề nghị Bộ nên có quy trình chuyển đổi tự động sang giấy phép mới có thời hạn 5 năm để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại.
Ngoài ra, tại buổi họp này doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn đề nghị Bộ Công Thương sửa đổi tên gọi bán hàng đa cấp thành bán hàng trực tiếp hoặc một tên gọi khác gẫn gũi hơn với hình thức kinh doanh này. Sau buổi lấy ý kiến này, Sở sẽ tổng hợp các đề nghị vướng mắc của doanh nghiệp trình lên Bộ trước ngày 15/9.
Hồng Châu
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình web