Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp tính kế chuyển nhượng tài sản hoặc bán công ty con để giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu (Mã CK: UDC), mới đây trình Ủy ban chứng khoán Nghị quyết hội đồng quản trị về việc thông qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và chuyển nhượng dự án.
Theo đó, toàn bộ dự án trọng điểm Chung cư Bàu Sen tại thành phố Vũng Tàu sẽ được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Trong trường hợp không chuyển nhượng được, công ty sẽ điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển từ nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội. Đây là quyết định sau khi kết quả kinh doanh quý II của đơn vị này kém khả quan.
Cụ thể, trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II, lợi nhuận sau thuế của công ty âm hơn 621 triệu đồng, kéo lợi nhuận hợp nhất sau thuế 6 tháng đầu năm xuống còn 660,87 triệu đồng. Nợ ngắn hạn tiếp tục tăng lên, từ mức 878 tỷ đồng cuối quý I lên 925 tỷ đồng vào cuối quý II, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 368 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản nhưng thời gian qua, kinh doanh địa ốc đi xuống trong khi đầu tư cho thủy điện cũng không mấy khả quan nên Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) cũng quyết định bán 6 dự án và thu hẹp hoạt động nhiều lĩnh vực.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định bán 6 dự án và thu hẹp hoạt động nhiều lĩnh vực. Ảnh: PV |
Cụ thể, trong nghị quyết hội đồng quản trị và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã bán xong 6 dự án tại Việt Nam, trong đó 4 dự án đã vận hành (Bá Thước 2, Đắk Srông 2A, Đắk Srông 3B) và 2 dự án đang xây dựng (Bá Thước 1, Đắk Srông 3A). Nghị quyết chỉ rõ, việc bán các dự án này nhằm làm giảm nợ vay 1.876 tỷ đồng, và mang lại khoản doanh thu 2.099 tỷ đồng.
Không những thế, ngành khai thác và chế biến quặng sắt đang thu hẹp dần quy mô hoạt động và tìm đối tác để bán lại các dự án. Ngành gỗ đá cũng dần thu hẹp và sẽ tiến hành bán cổ phần cho người lao động.
Đối với bất động sản, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con, dự án căn hộ tại Việt Nam ra khỏi tập đoàn. Công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh chỉ giữ lại dự án Myanmar, Hoàng Anh Bangkok và một số dự án tại Việt Nam thuộc sở hữu trực tiếp bởi công ty.
Theo Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức, cuộc đại phẫu năm 2013 sẽ giúp tập đoàn tiến những bước dài mạnh mẽ và có thể “hóa rồng” trong vài năm tới. Kinh tế tiếp tục khó khăn, bài toán cân đối dòng tiền và giải quyết nợ vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Do đó, đến năm 2013, HAGL mới được “lên bàn mổ” thật sự và biến tập đoàn thành công trường thanh lý tài sản kém hiệu quả. “Đây được coi là cuộc thay đổi lớn nhất trong hơn 20 năm hoạt động của doanh nghiệp”, ông Đức khẳng định.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2013, tổng nợ phải trả của HAGL đến ngày 30/6 là 19.367 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,3% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tập đoàn chỉ đạt 12.657 tỷ đồng.
Ngoài các đơn vị trên, mới đây Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG), đã hoàn tất việc chuyển vốn của 2 công ty con. Đó là Công ty TNHH Thương mại Xây dựng, Đầu tư phát triển nhà Hưng Thịnh và nhà Quốc Cường. Theo báo cáo tài chính soát xét hợp nhất 6 tháng đầu năm, nợ phải trả của công ty lên tới 4.183 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu là 2.299 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty này cũng chỉ lời 2,85 tỷ đồng.
Ngày 18/6, Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai ra thông báo giải thể Công ty cổ phần xây dựng giao thông Mười Tùng (công ty con) do công ty hoạt động không hiệu quả. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II công ty này chỉ lời 74 triệu đồng, giảm 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái (1,112 tỷ đồng).
Bên cạnh những công ty bán tài sản, thoái vốn tại các đơn vị con để có tiền trả nợ, nhiều doanh nghiệp lãi tăng vọt nhờ bán tài sản và chuyển nhượng vốn.
Điển hình là Tập Đoàn Vingroup (mã CK: VIC), một đại gia đình đám trong lĩnh vực bất động sản cũng liên tục thoái vốn khỏi công ty con để có thêm lợi nhuận. Cụ thể, Vingroup mới đây trình Ủy ban chứng khoán về việc giải thể Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Phát triển thế hệ mới (Vingroup đóng góp 99% vốn điều lệ). Trước đó, tập đoàn này cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty Đầu tư Xây dựng Đại An cho một đối tác mới.
Ngoài ra, trong tháng 6, tập đoàn này cho biết đã hoàn thành thương vụ chuyển nhượng giá trị gần 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã bán Vincom Center A cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD). Lợi nhuận sau thuế của thương vụ này, theo Tập đoàn Vingroup, khoảng 4.300 tỷ đồng.
Do đó, trong thông báo mới nhất của tập đoàn này gửi tới các đơn vị báo chí, cũng chỉ rõ, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Vingroup tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần của công ty con cho đối tác. Đến ngày 30/6, tổng trị giá tài sản Vingroup đạt 58.538 tỷ đồng, tăng hơn 2.700 tỷ đồng so với cuối năm 2012, nợ phải trả là 43.787 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, Công ty cổ phần Kinh Đô (mã CK: KDC) cũng cho biết lợi nhuận 6 tháng tăng mạnh là do thoái vốn sớm khỏi các công ty con. Cụ thể, theo báo cáo giải trình chênh lệch lợi nhuận của công ty này, lãi sau thuế hợp nhất quý II đạt 45,9 tỷ đồng, do hiệu quả hoạt động tốt và chi phí lãi vay giảm trong khi năm ngoái bị âm vì phải ghi nhận chi phí tài chính từ việc thoái vốn khỏi Nutifood và Tribeco. Biên lợi nhuận sau thuế vì thế mà tăng từ – 0,82% lên 5,1%.
Đánh giá về tình trạng trên, TS Alan Phan chia sẻ, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải bán tài sản trả nợ cũng là lẽ dễ hiểu do đã lâm vào tình trạng kẹt vốn. Hiện tượng này diễn ra từ lâu và rất phổ biến.
Dù vậy, ông Alan Phan cũng khẳng định doanh nghiệp khó khăn rồi cũng sẽ tự biết cách xoay sở và thoát khỏi tình trạng này, Chính phủ không thể giúp đỡ gì thêm. “Sự hỗ trợ lớn nhất mà Chính phủ có thể làm là hãy để các doanh nghiệp tự kinh doanh. Còn những công ty nào đang kẹt, lỗ do dùng đòn bẩy tài chính quá cao thì phải ráng chịu. Đây là hệ quả tất yếu khi khủng hoảng kinh tế xảy đến”, ông Alan Phan bày tỏ.
Theo lý giải từ TS Alan Phan, chính sách hay nhất để cứu giúp các doanh nghiệp hiện thời, ngoài việc để mặc công ty tự vật lộn với khó khăn, Chính phủ cần giảm bớt độ phức tạp của các thủ tục pháp lý. “Nếu có thể tối giản các thủ tục pháp lý, doanh nghiệp có thể cắt giảm tới 30-40% chi phí”, ông ước tính.
Xung quanh vấn đề công ty bán tài sản nhằm tăng lợi nhuận, TS Alan Phan bày tỏ niềm hoài nghi vì “đây có thể là thương vụ bán ảo để doanh nghiệp tạo lợi nhuận, nhằm làm đẹp báo cáo tài chính trước công chúng”. Theo nhận xét của ông, đa phần doanh nghiệp bán những tài sản không sinh lời và kém hiệu quả như bất động sản, nhà máy. Bản thân công ty cũng phải chịu lỗ khi bán những tài sản như vậy. Người mua phải có kế hoạch gỡ gạc rõ ràng, nếu không cũng rất nghi ngờ tính xác thực của cuộc mua bán, ông phân tích.
Hồng Châu – Tường Vi
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng webmaster