Comments Off on Thu nhập bạc tỷ của lãnh đạo doanh nghiệp

Thu nhập bạc tỷ của lãnh đạo doanh nghiệp

Không hiếm lãnh đạo của các công ty niêm yết nhận lương thưởng tiền tỷ trong những năm qua. Tuy nhiên, so với nhưng khoản thù lao tương tự tại doanh nghiệp Nhà nước, mức bổng lộc nêu trên thường được đánh giá là xứng đáng hơn.

Vụ ồn ào về thu nhập bạc tỷ của các “sếp” tại 4 doanh nghiệp công ích TP HCM những ngày qua một lần nữa khiến dư luận quan tâm đến vấn đề lương thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp. Chuyện so sánh bổng lộc của những người đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước và khối ngoài quốc doanh lại được đặt ra, đi kèm với đó là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

So với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, mức thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng của lãnh đạo các công ty Cấp thoát nước, Chiếu sáng đô thị hay Công viên cây xanh tại TP HCM không phải là những con số quá cá biệt.

Năm 2012, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã CK: HAG) Đoàn Nguyên Đức nhận thù lao gần 3,5 tỷ đồng, tăng 16% so với 2011 và chiếm khoảng 17% tổng quỹ lương của hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc doanh nghiệp. Lương của lãnh đạo tăng nhưng trong vòng khoảng 3 năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai có phần sa sút, giảm từ 2.222 tỷ đồng năm 2010 xuống 365 tỷ đồng vào năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này có một phần lớn nguyên nhân đến từ sự đi xuống của thị trường bất động sản, việc doanh nghiệp mở rộng đầu tư cũng như quá trình tái cơ cấu ngành nghề trong nội bộ Hoàng Anh Gia Lai.

tien-4-1377679284.jpg
Lương bổng lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân có thể lên tới vài tỷ đồng một năm. Ảnh: Hoàng Hà

Một lãnh đạo khác cũng hưởng lương bạc tỷ là bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Mã CK: PNJ). Năm nay, dù việc kinh doanh còn nhiều khó khăn, mức lương 121 triệu đồng một tháng (tương đương gần 1,5 tỷ đồng một năm) của bà Dung vẫn được cổ đông PNJ thông qua. Nửa đầu năm nay, PNJ giảm hơn 30% lãi sau thuế so với cùng kỳ.

Năm 2011, nữ CEO cũng đã được hưởng mức thu nhập 111 triệu mỗi tháng. Ngoài khoản này, bà Dung còn nhận thưởng tương đương 2,5 tháng lương. Tổng thu nhập năm đó của bà Dung khi làm CEO là gần 1,6 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực kinh doanh khác nhưng vẫn thuộc mô hình cổ phần, bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Mã CK: REE) vẫn hưởng lương 100 triệu đồng một tháng từ năm 2007 đến nay. Trong khi ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) có thù lao năm 2012 lên tới trên 2 tỷ đồng. Trong đó, mức lương cho vị trí Chủ tịch của ông Vũ chỉ 20 triệu đồng một tháng nhưng được thưởng thêm 2,3 tỷ đồng do vượt chỉ tiêu kinh doanh và kiêm nhiệm chức vụ khác như Trưởng ban Quản lý dự án.

Hầu hết những vị chủ tịch trên đều có điểm chung là người sáng lập và đã cùng công ty vượt qua rất nhiều thăng trầm trong thời gian dài. Ngoài ra, đa phần họ còn là cổ đông lớn trong công ty với trị giá tài sản khổng lồ, trở thành một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán qua nhiều năm.

Theo báo cáo quản trị, đến ngày 30/6, bà Cao Ngọc Dung sở hữu 10% vốn tại  công ty (khoảng 7,3 triệu cổ phiếu PNJ). Ông Lê Phước Vũ nắm hơn 40% vốn Tập đoàn Hoa Sen. Còn bà Nguyễn Thị Mai Thanh cũng sở hữu hơn 9,9 triệu cổ phiếu REE (tỷ lệ 4%) trong khi bầu Đức có trên 311 triệu cổ phiếu HAG (tỷ lệ trên 40%). Nếu tính theo giá cổ phiếu hiện hành, tổng trị giá tài sản của những vị lãnh đạo này lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, lớn gấp nhiều lần so với khoản lương vài tỷ mỗi năm.

Do đều là cổ đông lớn, lại kiêm người sáng lập công ty, kết quả lời lãi và vận mệnh doanh nghiệp luôn là áp lực khiến những vị lãnh đạo này buộc phải nỗ lực hơn. Từng trao đổi với VnExpress.net, vị lãnh đạo cao nhất của REE cho biết: “Mức lương 100 triệu đồng là phù hợp với tôi và không cần phải điều chỉnh tăng, kể cả khi cổ đông đề xuất tăng đi nữa. Hiện tại, tôi chưa hài lòng với kết quả kinh doanh đạt được nên vẫn giữ nguyên mức lương như 5 năm qua”.

Ngược lại, ở phía doanh nghiệp nhà nước, hầu hết chủ tịch đều không nắm cổ phiếu công ty hoặc nếu có thì chỉ là số lượng rất nhỏ. Mức lương tại những đơn vị công bố cũng có phần thấp hơn các doanh nghiệp tư nhân, dao động từ vài trăm triệu đến ngót nghét một tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2013, mức lương cho vị trí chủ tịch của Tổng công ty Khí Việt Nam (Mã CK: GAS) – Đỗ Khang Ninh – được cổ đông thống nhất 70 triệu đồng một tháng. Nếu tính chung cả năm, số tiền này chỉ bằng một nửa hoặc một phần rất nhỏ so với những vị chủ tịch từ doanh nghiệp tư nhân.

Dù vậy, mức lương của ông Ninh vẫn được xem là cao nhất trong Công ty Khí Việt Nam. Hiện vốn điều lệ đơn vị này gần 19.000 tỷ đồng, trong đó sở hữu Nhà nước chiếm 96,72%. Riêng ông Ninh chỉ nắm hơn 130.000 cổ phiếu GAS, tỷ lệ sở hữu chưa đầy 0,1%. 2 năm gần đây, lợi nhuận sau thuế công ty tăng đều đặn. Kết thúc quý II vừa qua, lãi lũy kế doanh nghiệp hơn 7.300 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Hồi tháng 5, Kiểm toán Nhà nước cũng công bố lương lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước như Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Lãnh đạo 2 công ty này lần lượt nhận lương 80 triệu, 56 triệu đồng.

Ở mức thấp hơn, Chủ tịch Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) Phan Đăng Tuất tiết lộ lương hàng tháng chỉ nhận 34 triệu đồng, còn đối với các chuyên gia trong công ty, thù lao cũng chỉ dao động 15-20 triệu đồng. Theo ông Tuất, mức lương này không cao so với những doanh nghiệp tư nhân khác, do vậy rất khó giữ chân nhân tài. Hiện Tổng công ty Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng thuộc sở hữu Nhà nước với tỷ lệ trên 90%.

Theo các chuyên gia tuyển dụng, lương lãnh đạo giữa công ty nhà nước và tư nhân thông thường có sự phân hóa. Trong đó người đứng đầu phía doanh tư nhân thường có mức lương cao hơn.

Do đó, việc Chủ tịch Công ty Thoát nước TP HCM hưởng lương 2,6 tỷ đồng không chỉ khiến dư luận phản ứng mà ngay cả giới “săn đầu người” cũng phải bất ngờ. Trao đổi với VnExpress.net, phó tổng giám đốc một công ty tuyển dụng chiếm thị phần lớn ở Việt Nam chia sẻ: “Trường hợp lương lãnh đạo nhà nước cao hơn tư nhân có thể xem là bất hợp lý. Thông thường, những đối tượng này phải hưởng lương theo bậc, ngạch và cần xem xét kỹ hiệu quả kinh doanh họ tạo ra thế nào”.

Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân thì nhìn nhận, điểm khác nhau lớn nhất về thu nhập giữa hai thành phần kinh tế này là có thể xảy ra chuyện doanh nghiệp làm không hiệu quả, sếp doanh nghiệp Nhà nước vẫn lĩnh lương đều và thậm chí rất cao. “Còn với doanh nghiệp tư nhân, đó là vận mệnh của chính chúng tôi nên nếu để xảy ra thua lỗ thì đương nhiên không có nguồn thu nào bù đắp để trả lương cho nhân viên, chứ chưa nói đến chủ doanh nghiệp”, vị này nói.

Chia sẻ quan điểm này, giám đốc một công ty chuyên tuyển dụng lãnh đạo cấp cao cho các doanh nghiệp Việt Nam phân tích: “Để biết lương lãnh đạo cao hay thấp, tốt nhất phải tìm hiểu nguồn trích lương cho họ lấy từ đâu, hiệu quả sản xuất kinh doanh thực sự là bao nhiêu”. Vị này cũng cho biết thêm rất khó nắm bắt mức lương thực sự trong các doanh nghiệp nhà nước do thiếu tính minh bạch như các công ty  tư nhân.

Tường Vi – Thanh Lan

Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net

Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình web

Filed in: Tin Tức Tags: , , , , ,

Get Updates

Share This Post

Recent Posts

Khởi nghiệp | Dạy học chơi đánh đàn guitar ở sài gòn | Trắng răng an toàn | Dạy học biểu diễn múa bụng bellydance sài gòn | Bảo hiểm sức khỏe | Chụp hình ảnh 360 độ | Ship hàng taobao hcm | Công ty dịch thuật | Máy tính tiền | Nấm linh chi | Bao da ốp lưng điện thoại | Shop mua bán bài tarot