Vn-Index tăng liên tiếp 2 phiên ngay sau khi kết thúc tháng 7 âm lịch kết hợp với việc khối ngoại mua ròng trở lại sau một tháng miệt mài xả hàng, được xem là tín hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán.
Đóng cửa phiên giao dịch tuần đầu tiên của tháng 9, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 2 triệu cổ phiếu nhưng áp lực bán dần hạ nhiệt khi trị giá mua ròng đạt gần 150 tỷ đồng trên cả hai sàn giao dịch. Tính riêng sàn TP HCM, VNM được mua ròng trở lại với gần 100 tỷ đồng trong khi mã này từng bị các nhà đầu tư nước ngoài “tháo chạy” mạnh nhất hồi tháng 8.
Theo nhận định từ chuyên gia, về dài hạn, chứng khoán Việt Nam vẫn trong xu thế tăng. Ảnh: Hoàng Hà |
Ở chiều ngược lại, TDW bị bán ròng nhiều nhất với trị giá hơn 22,5 tỷ đồng, tương ứng trên 1,2 triệu cổ phiếu. Cũng trong tuần qua, sàn giao dịch thỏa thuận trở nên sôi động khi gần 30 triệu cổ phiếu FPT chuyển nhượng, trị giá hơn 1.300 tỷ đồng do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
Trước đó, trong tháng 8, khối ngoại rút ròng tổng hơn 800 tỷ đồng trên hai sàn, tương đương 40 triệu cổ phiếu trên sàn TP HCM. VNM dẫn đầu danh sách với trị giá hơn 160 tỷ đồng, ứng khoảng 1,1 triệu cổ phiếu. Ngoài VNM, một số mã khác thuộc khối tài chính – ngân hàng cũng là tâm điểm của khối ngoại như BVH, VCB, CTG. Trong đó, trị giá bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với những mã này lên tới trên dưới 100 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng qua, khối ngoại đã bán gần 11.000 tỷ đồng chỉ riêng tại sàn TP HCM, trị giá rút ròng tổng cộng gần 2.600 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu là do lo ngại dấu hiệu nền kinh tế khu vực tăng trưởng chậm và hoài nghi về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sớm cắt gói nới lỏng định lượng. Thêm vào đó, mối lo ngại ở Sirya thời gian qua cũng là yếu tố tác động mạnh lên thị trường các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia.
Dữ liệu từ Bloomberg thống kê cho thấy, chứng khoán các nước khu vực Đông Nam Á đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 12 năm qua. Tại các sàn chứng khoán Thái Lan, Indonesia và Philippines, những nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bán ra tới 2,2 tỷ USD. Lần lượt các sàn này bị rút 1,3 tỷ USD, 570 triệu USD và 347 triệu USD.
Còn tại Việt Nam, các chỉ số chứng khoán chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại trong 2 phiên gần đây nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, xu hướng đi lên vẫn chưa thực sự rõ ràng và vững chắc khi tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng trong giao dịch.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng xu thế bán ròng của khối ngoại có thể sẽ chậm lại và chuyển sang mua ròng tích cực hơn. Theo ông Khánh, việc khối ngoại rút vốn chỉ là xu thế trong ngắn hạn, đa phần là những quỹ mở và ETF trong khi cácquỹ đóng hoặc đầu tư dài hạn hầu như không có biến động.
Ông Khánh cho rằng, chứng khoán Việt Nam về dài hạn vẫn tiếp tục xu thế tăng. Trong 3 tháng qua, có những lúc thị trường giảm và phủ sắc đỏ, nhưng giao dịch vẫn trên 1.000 tỷ đồng cho thấy nhu cầu đối với cổ phiếu vẫn cao do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng mua cổ phiếu với giá thấp hoặc giá sàn.
Nhìn chung, các động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua chủ yếu gây ảnh hưởng đến những nhà đầu tư nhỏ lẻ, vay ký quỹ tỷ lệ cao. Còn những người vốn đầu tư “khủng” thì lại rất bình tĩnh để tìm kiếm cơ hội mua cổ phiếu giá bèo qua những phiên thị trường giảm điểm, ông Khánh chia sẻ.
Sang tuần tới, ông Khánh cho rằng xu hướng tích cực sẽ nhiều hơn, còn nếu thị trường có giảm thì mức giảm cũng chậm lại, thanh khoản tốt hơn. Một phần lý do, theo ông Khánh, là thị trường đã bước qua tháng 7 âm lịch, được xem là “tháng cô hồn”, ngay sau đó cả hai sàn đồng loạt nhận được tín hiệu tốt. Áp lực tâm lý không còn đè nặng quá nhiều lên nhà đầu tư.
Còn nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán MB cho rằng, dù Vn-Index có phiên xanh điểm thứ 2 liên tiếp, khả năng hình thành xu hướng tăng mạnh vẫn không cao do khối lượng giao dịch yếu và không có sự xác nhận của chỉ số HNX-Index. Trong bối cảnh thị trường vẫn chưa chắc chắn, các nhà đầu tư được khuyến nghị nên thận trọng trước khi đặt lệnh mua.
Đồng tình với quan điểm trên, nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng khối lượng giao dịch vẫn chưa thực sự ủng hộ quá trình tăng điểm của thị trường. Với diễn biến như hiện tại, các chuyên gia phân tích tại BSC cho rằng nhà đầu tư không nên gia tăng tỷ trọng trong danh mục nếu Vn-Index chưa vượt qua mốc 485 điểm.
Chốt phiên giao dịch của tuần đầu tiên tháng 9, Vn-Index tăng 2,46 điểm, lên 480,03 điểm. Trong khi đó, HNX-Index lại có xu thế trái chiều, giảm 0,17 điểm, xuống 60,45 điểm. Tổng trị giá giao dịch trên hai sàn vượt 1.400 tỷ đồng.
Tường Vi
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi diễn đàn seo