Với tốc độ như hiện nay, Việt Nam cần hàng chục năm để xử lý 141.000 doanh nghiệp cần giải thể, phá sản.
Đến hết tháng 8/2013, cả nước có hơn 163.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, trong đó 14% có khả năng khôi phục lại hoạt động, còn tới 86% (tương ứng 141.000 doanh nghiệp) dừng hoạt động mà không đăng ký. Cũng trong số này, có 518 đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vắng chủ, tổng vốn đăng ký kinh doanh lên tới một tỷ USD.
Tuy nhiên, tại Hội thảo về sửa đổi Luật Doanh nghiệp được tổ chức chiều 10/9, ông Đỗ Tiến Thịnh – Trưởng phòng nghiệp vụ Đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng hiện nay tốc độ giải thể, phá sản doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu. Trong 2 năm qua, khoảng 18.000 – 19.000 doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể. Với tốc độ như vậy, ông tính toán sẽ phải mất tới 14 năm để giải thể toàn bộ số đơn vị đã dừng hoạt động.
Còn nếu làm thủ tục phá sản, ông nhận định “không biết bao giờ mới xong” bởi hiện nay cả nước mới hoàn thành phá sản hơn 500 doanh nghiệp, tốc độ chưa đến 100 đơn vị mỗi năm.
“Tại Việt Nam, trung bình phải mất từ 3 đến 5 năm mới làm xong thủ tục phá sản cho một doanh nghiệp, trong khi ở Mỹ bình quân doanh nghiệp chỉ phải giải quyết thủ tục trong vài tháng, thậm chí vài tuần “, ông cho hay. Tốc độ phá sản thấp so với nhu cầu ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của chủ nợ, nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005. Ảnh: Huyền Thư |
Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa có chế tài đủ sức răn đe với các giới chủ, người đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản. Hiện chỉ có quy định xử phạt “không thấm vào đâu” từ 1 đến 3 triệu với hành vi không đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp quy định điều kiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là cần xác định doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở 6 tháng liên tục. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, công ty đó chỉ cần chứng minh trong 6 tháng có một ngày “đến trực điện thoại” thì cũng đủ lý do để chưa bị xử lý. “Cơ quan đăng ký kinh doanh không đủ khả năng xác định tính liên tục trong hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mất rất nhiều thời gian”, ông nhìn nhận.
Ông Thịnh kiến nghị cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 theo hướng tăng chế tài xử phạt. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp “treo” không thực hiện đăng ký ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, có mức nợ thuế Nhà nước lớn sẽ không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp cho đến khi tuân thủ quy định.
Đồng thời, giãn thời hạn thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp từ 6 tháng lên 9 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể. Trường hợp đặc biệt có thể gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh xin gia hạn nhưng không quá 12 tháng.
Tán thành với đề xuất tăng thời hạn làm thủ tục giải thể cho doanh nghiệp, song đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho rằng chỉ nên áp dụng với giải thể tự nguyện, còn trường hợp giải thể cưỡng chế thì lại “dài qua”. “Giải thể cưỡng chế tức là doanh nghiệp đã chết hẳn, nếu sau khi thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải chờ đến 6 tháng mới xóa tên doanh nghiệp thì dài quá và sẽ gây nhiều bất cập”, vị này nói.
Không chỉ vậy, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cũng chỉ ra những bất cập trong việc cấp lại mã số thuế cho doanh nghiệp. Theo quy định hiện tại, doanh nghiệp chỉ được cấp mã số mới khi tiến hành giải thể, thành lập đơn vị mới, song một loạt doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại đang bị vướng ở khâu này.
Ngay tại tỉnh Nghệ An, Thủy điện Bản Vẽ trước đây thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam mang mã số 01, nhưng sau khi thực hiện đề án sắp xếp thì chuyển sang trực thuộc Cienco 1, sang mã số 56.
“Luật hiện không quy định cấp lại mã số thuế cho doanh nghiệp chuyển từ con của đơn vị này sang đơn vị kia nên bắt buộc phải làm thủ tục giải thể, sau đó đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng nếu bắt giải thể sẽ làm ảnh hưởng đến các hợp đồng đang thực hiện, do vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An không còn cách nào khác phải cho đơn vị này thành lập mới, dẫn đến tình trạng tồn tại một lúc hai công ty trên hệ thống”, vị này.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vốn trước đây mang mã số thuế do địa phương cấp là 29, ngân hàng mẹ lại muốn chuyển về mã số chung là 01 nhưng đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được do Luật không cho phép.
Trước những ý kiến trên, ông Lê Quang Mạnh – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định đúng là các bộ thủ tục giải thể doanh nghiệp hiện nay đang phức tạp nên sẽ phải sửa đổi Luật để đơn giản hóa quá trình này.
Với trường hợp giải thể tự nguyện, ông tán thành ý kiến tăng thời gian hoàn thành thủ tục để tạo điều kiện cho xã hội giám sát doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của những đối tượng liên quan. Tuy nhiên, với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật thì cần giải thể cưỡng chế.
“Quy định hiện nay còn mang tính chất định tính, chưa có căn cứ định lượng để cơ quan đăng ký kinh doanh có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu như có căn cứ cụ thể, tôi tin rằng việc giải quyết thủ tục giải thể với 141.000 doanh nghiệp không phải vấn đề lớn”, ông nói.
Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, 8 tháng đầu năm cả nước có khoảng 39.420 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động lên tới gần 33.400 đơn vị, gấp 5,5 lần số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể.
Huyền Thư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi diễn đàn seo