Cơ quan điều tra nhận định, hành vi của ông Nguyễn Duy Xuyên (58 tuổi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cơ khí Quang Trung) là biểu hiện rõ nét của tội phạm tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Xuyên nghe đọc lệnh bắt. |
Ngày 4/9, Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44) Công an Hà Nội bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Xuyên (58 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cơ khí Quang Trung, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ kinh doanh XNK tổng hợp) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự.
Năm 2010 và 2011, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Quang Trung ký ủy quyền cho Phó tổng giám đốc Xuyên ký hợp đồng vay vốn kinh doanh thép tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Đông Hà Nội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Nam Hà Nội. Điều kiện cho vay bằng tín chấp của Công ty Cơ khí Quang Trung và thế chấp bằng chính hàng hóa đang kinh doanh. Tổng tiền vay hai ngân hàng khoảng 50 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, sau khi được giải ngân, ông Xuyên không sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, không dùng để phục vụ việc kinh doanh của xí nghiệp mà lấy trên 28 tỷ đồng đầu tư về công ty gia đình là Nhà máy thép Đông Á ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang; đồng thời để ngoài sổ sách để chiếm đoạt trên 32 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa việc vay tiền của 2 ngân hàng nêu trên, ông Xuyên chỉ đạo người quen là Nguyễn Văn Vương lập Công ty TNHH Sản xuất – xuất nhập khẩu thép Đông Á do chính Vương làm giám đốc, lấy tư cách pháp nhân chỉ nhằm mục đích lập chứng từ mua, bán để tính doanh số cho Xí nghiệp Dịch vụ kinh doanh XNK tổng hợp. Năm 2010, ông Xuyên chỉ đạo Công ty Đông Á lập chứng từ mua, bán phôi thép với Công ty CP thép Hà Nội, bán lại cho Xí nghiệp Dịch vụ kinh doanh XNK tổng hợp.
Toàn bộ chứng từ mua bán phôi thép của Công ty thép Đông Á, biên bản giao nhận hàng hóa, phiếu nhập kho, hóa đơn GTGT đều do Vương lập và ký tên giả ông Nguyễn Văn Công (em ruột ông Vương) với chức danh Phó giám đốc. Thực tế, ông Công chỉ là thợ sơn kiêm xe ôm chứ không phải phó giám đốc Công ty thép Đông Á.
Với thủ đoạn mua bán lòng vòng trên, thực tế không có hàng hóa để kinh doanh nhưng ông Xuyên đã sử dụng các hóa đơn chứng từ khống, dùng hồ sơ của 2 công ty gia đình là Công ty CP thép Hà Nội (do vợ là giám đốc) và Công ty Đông Á để vay tiền 2 ngân hàng. Do đó, ông Xuyên đã dễ dàng chiếm đoạt khi ngân hàng giải ngân tiền cho vay về tài khoản 2 công ty, thực chất là tài khoản của vợ ông Xuyên và những tài khoản khác cũng do ông Xuyên đứng phía sau điều hành.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, điều tra viên cao cấp Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đánh giá, hành vi phạm tội của ông Xuyên là biểu hiện rõ nét của tội phạm tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế hiện nay. Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, lợi dụng lĩnh vực hoạt động kinh tế và chính sách ưu đãi trong vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước, ông Xuyên đã đưa nguồn vốn được vay về đầu tư cho doanh nghiệp “sân sau”; đồng thời để tiền ngoài sổ sách kế toán của đơn vị để sử dụng vào những thương vụ có tính chất cá nhân. Không loại trừ việc ông Xuyên đã sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng để đi cho vay lại nhằm hưởng chênh lệch lãi suất nhằm tư lợi cá nhân.
Hành vi trên gây tác hại rất lớn trong tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Bởi nguồn vốn cho vay hạn hẹp đang rất cần đầu tư cho nhiều lĩnh vực đã bị một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp nhà nước chiếm dụng và sử dụng không đúng mục đích dẫn tới thất thoát, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng nợ xấu, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về mặt xã hội, việc lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp nhà nước vay vốn ngân hàng rồi sử dụng không đúng mục đích không chỉ làm mất uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ công nhân viên, khiến họ chán nản, bỏ doanh nghiệp. Đây được cho là một trong những nguyên nhân “chảy máu” chất xám, “chảy máu” lao động tay nghề bậc cao.
Cũng theo thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, vụ việc là hồi chuông cảnh báo hoạt động cho vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp nhà nước. Tư tưởng chủ quan, cho rằng doanh nghiệp đã có Nhà nước “chống lưng” dễ dẫn đến các biểu hiện tùy tiện, lỏng lẻo trong thực hiện các quy định cho vay của các tổ chức tín dụng, không thẩm định kỹ các phương án kinh doanh của doanh nghiệp, không sát sao theo dõi việc sử dụng nguồn vốn…
Với những nguồn tiền cho vay lớn thì không loại trừ yếu tố tiêu cực giữa cán bộ tín dụng với cá nhân lợi dụng tư cách pháp nhân của doanh nghiệp nhà nước để trục lợi, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, gia tăng hiện tượng “nợ xấu” trong các ngân hàng.
Theo An ninh thế giới
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình web