Chưa cần sang quý IV, nhiều công ty niêm yết đã nhận thấy không thể đạt các chỉ tiêu cho cả năm nay và xin ý kiến cổ đông chỉ hoàn thành một nửa, thậm chí một phần tư so với kế hoạch trước đó.
Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (mã CK: PSL) là một trong những đơn vị mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2013. Doanh nghiệp vừa xin ý kiến cổ đông bằng văn bản điều chỉnh lợi nhuận từ 17,5 tỷ đồng xuống còn 4 tỷ đồng, giảm hơn 4 lần so với kế hoạch ban đầu. Ngược lại, doanh thu thay đổi từ 181 tỷ đồng lên 185 tỷ đồng. Công ty hạ kế hoạch sản lượng heo giống từ 1.140 tấn xuống 830 tấn.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã CK: PGI) cũng thống nhất điều chỉnh lợi nhuận trước thuế năm 2013 từ 135 tỷ đồng còn 105 tỷ đồng, tức giảm 30 tỷ với lý do “kinh doanh bảo hiểm trong năm 2013 là năm khó khăn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây”. Nửa đầu năm, đơn vị này mới đạt 3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh thu bảo hiểm gốc 983 tỷ đồng, tái bảo hiểm 220 tỷ đồng, doanh thu đầu tư 71 tỷ đồng. Công ty vẫn cam kết trả cổ tức 2013 cho cổ đông ở mức thấp nhất là 9%, coi đây là mục tiêu tối thiểu để phấn đấu.
Theo Nghị quyết mới nhất của Công ty cổ phần đầu tư Tài chính giáo dục (mã CK: EFI), Hội đồng quản trị nhất trí giảm lợi nhuận trước thuế năm 2013 từ 15,4 tỷ đồng xuống 8,3 tỷ, doanh thu hạ từ 25 tỷ đồng còn 18,4 tỷ đồng. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm đã soát xét, công ty chỉ đạt doanh thu 9 tỷ, lợi nhuận sau thuế 3,4 tỷ đồng.
Nhiều công ty niêm yết đua nhau điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Ảnh minh họa |
Công ty cổ phần cao su Thống nhất (mã CK: TNC) cũng giảm lợi nhuận từ 40 tỷ đồng về 33,5 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, nợ phải trả của đơn vị này 43,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng, hạ 53,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đã có dự định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từ sớm nên cuối tháng 6, trong buổi họp với lãnh đạo Tổng công ty mẹ, ông Phan Trường Sơn, đại diện Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD3 (mã CK: HU3) đã trình bày các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai dự án, các công trình xây lắp.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, trong lĩnh vực xây lắp, HUD3 hoàn thành 50% kế hoạch năm. Tuy nhiên, ở lĩnh vực đầu tư và kinh doanh nhà ở, HUD3 chỉ đạt khoảng 24% kế hoạch vốn đầu tư, 34% kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận trước thuế chỉ mới đạt 16% kế hoạch năm do thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ở trong giai đoạn khó khăn. Công ty HUD3 cũng báo cáo Lãnh đạo Tổng công ty về kế hoạch xin đại hội cổ đông điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 theo hướng giảm một số chỉ tiêu về vốn đầu tư, doanh thu, lợi nhuận phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề điều chỉnh này vẫn chưa được thông qua. Lãnh đạo Tổng công ty mong muốn ban điều hành HUD3 nỗ lực, quyết tâm hơn để thực hiện đạt các chỉ tiêu mà đại hội cổ đông đã phê duyệt trước đó. Theo báo cáo soát xét 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 3 tỷ, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về tình hình điều chỉnh của các doanh nghiệp trên, ông Cao Minh Hoàng, Phó phòng phân tích, Công ty Quản lý quỹ IPA nhận định doanh nghiệp đua nhau giảm chỉ tiêu kinh doanh có thể bắt nguồn từ việc các công ty muốn bảo toàn uy tín của chính mình. “Lúc đầu, có thể các đơn vị này đặt nhiều kỳ vọng, lại thêm sức ép từ cổ đông nên ban lãnh đạo mới đặt chỉ tiêu lợi nhuận vượt quá sức. Sau khi đi qua ba phần tư chặng đường hoặc nửa năm, những đơn vị này mới thấy ngoài tầm khả năng nên phải đánh giá lại, xin giảm chỉ tiêu lợi nhuận”, ông Hoàng nói.
Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng, nhiều doanh nghiệp không với tới chỉ tiêu, nhưng lại muốn giữ uy tín cho ban lãnh đạo nên cũng xin giảm lợi nhuận để cuối năm báo cáo với cổ đông vẫn hoàn thành kế hoạch, dù tăng trưởng bị âm.
Theo nhận định của ông Hoàng, đà tăng trưởng chung của các doanh nghiệp trong nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu thực sự khởi sắc. “Hiện giờ tôi vẫn chưa thấy lĩnh vực nào có tăng trưởng ngoại trừ một số ngành mang tính phòng thủ như tiêu dùng, sản xuất bánh kẹo, thực phẩm còn duy trì mức tối thiểu. Hầu lĩnh vực công nghiệp nặng như thép, cao su vẫn chưa có tín hiệu tích cực”, ông nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc môi giới Công ty chứng khoán FPT, những doanh nghiệp xin giảm chỉ tiêu lợi nhuận có thể đang vướng mắc vào hai vấn đề. Thứ nhất là khả năng đánh giá thị trường và lên kế hoạch sản xuất kinh doanh chưa tốt. Thứ hai là cố tình đưa ra chỉ tiêu “khủng” từ đầu năm vì một mục tiêu nào đó. Trong dài hạn, cả hai vấn đề này đều ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin nhà đầu tư.
“Tôi nghĩ, doanh nghiệp đã hoạt động rất nhiều năm, kinh nghiệm ước lượng lợi nhuận dựa trên bối cảnh thị trường cũng phải tương đối dày. Nếu phải giảm lợi nhuận, mức dao động cũng chỉ khoảng 10-15%, rất khó có thể xảy ra tình trạng giảm mạnh”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, điều quan trọng nhất của vấn đề là doanh nghiệp có thể hoàn thành được bao nhiêu phần trăm kế hoạch. Vì chuyện xin giảm chỉ tiêu nhiều khi chỉ liên quan đến lương thưởng cho ban điều hành và làm đẹp sổ sách doanh nghiệp.
Hồng Châu – Tường Vi
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi webmaster viet nam