Không nằm trong kế hoạch ban đầu của Kiểm toán Nhà nước nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách vẫn đề nghị đưa việc quản lý, sử dụng lãi dầu, khí nước chủ nhà tại PetroVietnam vào đối tượng kiểm toán năm tới.
Nhiều ngân hàng từng được kiểm toán năm 2013 cũng vẫn tiếp tục vào “tầm ngắm” 2014. Ảnh minh họa: Thanh Lan. |
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đưa ra kiến nghị này tại buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/9. Theo kế hoạch Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình, năm 2014 đơn vị này sẽ kiểm toán 43 đầu mối doanh nghiệp và tổ chức tài chính ngân hàng, tăng 14 đầu mối so với kế hoạch năm 2013.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị, về lĩnh vực doanh nghiệp, nên kiểm toán toàn bộ việc quản lý, sử dụng tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà và tiền đọc tài liệu để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam). Giai đoạn kiểm toán theo đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách là từ năm 2003 đến nay.
Trước kiến nghị này, Kiểm toán Nhà nước cũng đã nhất trí bổ sung thêm đầu mối PetroVietnam vào diện làm việc trong năm 2014.
Ngoài ra, năm 2014, 2 chuyên đề kiểm toán trọng tâm là việc quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 và việc sử dụng tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công.
Theo kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước, năm 2014, trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào 35 tỉnh, thành và 15 bộ ngành. Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng diện kiểm toán này khá phù hợp nhưng cần cân nhắc kiểm toán các doanh nghiệp hoạt động công ích tại các thành phố lớn. Ngoài ra, chính sách thực hiện tiền lương, biên chế với cơ quan nhà nước cũng cần được kiểm toán để đảm bảo kinh phí Nhà nước sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Tại phiên thảo luận, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng yêu cầu quan tâm hơn đến hoạt động của các doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế, thông qua việc tăng dần số lượng doanh nghiệp được kiểm toán hàng năm.
Về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2013 (kiểm toán niên độ ngân sách 2012), báo cáo của đại diện ngành cho biết các tổng công ty thuộc diện kiểm toán vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong kinh doanh, hàng tồn kho cao, thị trường tiêu thụ thấp. Nhiều đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Riêng các tổng công ty lĩnh vực giao thông, kinh doanh bất động sản không giải trình được việc quản lý chi phí kinh doanh dở dang.
Riêng lĩnh vực ngân hàng trong năm 2012, báo cáo tình hình nợ xấu của 120 tổ chức tín dụng cho thấy tỷ lệ chỉ chiếm 4,08% dư nợ. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu theo kết quả thanh tra, giám sát 59 tổ chức tín dụng đến hết năm 2012 là 8,85% và cao nhất kể từ năm 2008. Riêng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), công tác huy động vốn còn chưa cân đối, phù hợp giữa huy động và sử dụng gây tồn đọng lớn.
Thanh Thanh Lan
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi webmaster viet nam