Vẫn kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Chính phủ đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt cao nhất chỉ tiêu đề ra cho cả năm, trong đó tăng trưởng tín dụng phải đạt 12%.
Thông tin phát đi từ cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 29/9 cho thấy tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, nền kinh tế phục hồi dần với tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, bước đầu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,06% so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm giáo dục (9,38%), tiếp đến là nhà ở và vật liệu xây dựng (0,91%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,65%, riêng thực phẩm tang 0,87%). So với cuối năm ngoái, CPI tang 4,65%, là mức tăng thấp nhất 4 năm qua. So với cùng kỳ năm trước CPI tăng 6,3%.
Tình hình xuất nhập khẩu cũng khởi sắc. 9 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 96,6 tỷ USD, tăng 15,5%. Nhập siêu chỉ tương đương 0,1% kim ngạch nhập khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân ODA đạt khá. 9 tháng đầu năm vốn FDI đăng ký ước đạt 15 tỷ USD, tăng 36%, vốn thực hiện đạt 8,62%, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Giải ngân ODA ước đạt 3,13 tỷ USD, bang 69,5% kế hoạch năm.
Lũy kế đến 15/9 tổng thu ngân sách ước đạt ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, đạt 62,5%; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 640,37 nghìn tỷ đồng, đạt 65,5% dự toán năm.
Tính chung 9 tháng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,14%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái (5,1%). Tốc độ tăng trưởng tăng dần từ 4,76% của Quý I lên 5% của Quý II và 5,54% của Quý III.
Theo nhận định của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng không cao như mong đợi nhưng là mức tăng hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, lạm phát được kiềm chế nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại, tiến độ thu ngân sách nhà nước thấp so với kế hoạch. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm và thấp hơn cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn cao.
Những tháng còn lại của năm, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu cũng là những giải pháp Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo, xử lý, để phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013.
Riêng nhiệm vụ đặt ra với lĩnh vực ngân hàng khá rõ. Chính phủ yêu cầu điều hành chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, kiểm soát giá cả thị trường; đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đảm bảo đạt mục tiêu cả năm là 12%.
Tính đến 20/9, tốc độ tăng dư nợ tín dụng đạt khoảng 6,05% so với cuối năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ (2,35%). Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng tin tưởng cả năm nay có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 12% Quốc hội đã đề ra.
Mặt bằng lãi suất huy động hiện giảm 2-3% và lãi suất cho vay giảm 3-5% so với đầu năm. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 9-11,5%, trung và dài hạn là 11,5-13%. Đến cuối tháng 8, lãi suất của gần 75% các khoản vay cũ về mức 13% (tỷ lệ của cuối 2012 là 33,4%); các khoản vay có lãi suất 13-15% còn khoảng 16,8% (cuối năm 2012 là 46,1%).
Song Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi cộng đồng seo