Các chuyên gia cho rằng nới trần bội chi chỉ là liều thuốc kích thích tạm thời cho nền kinh tế và nếu lệ thuộc vào nó có thể tạo sự bất nhất giữa chủ trương và thực thi chính sách, làm giảm niềm tin của thị trường.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đề xuất nới trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP năm nay lên 5,3% GDP cho năm sau xuất phát từ nhu cầu đầu tư đang rất lớn mà lại thiếu vốn. Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1% GDP, sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách để chi cho các mục tiêu, và Chính phủ cam kết dùng hết số tăng bội chi cho đầu tư phát triển.
“Trước đây cứ 100 đồng GDP chúng ta có trên 30 đồng để đầu tư, nay chỉ còn 19 đồng”, ông bày tỏ.
Bên cạnh đó, nới trần bội chi, tức cho phép tăng chi tiêu công cũng là biện pháp để đảm bảo kinh tế 2014 tăng trưởng hợp lý khoảng 5,5-5,8%, người phát ngôn của Chính phủ cho hay.
Nên hay không nới trần bội chi để tăng đầu tư công? |
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cũng cho rằng trong 2 năm 2013 và 2014 cần mạnh dạn tăng chi tiêu công dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu.
“Cần tăng trần bội chi ngân sách thay vì mức 4,8% GDP hiện nay, phát hành trái phiếu Chính phủ ngoài định mức 45.000 tỷ đồng mỗi năm như Quốc hội đã cho phép nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở”, ông Lịch nói.
Ý thức được phát hành trái phiếu, tăng chi tiêu công sẽ ảnh hưởng tới an toàn nợ công quốc gia, nhưng vị chuyên gia kinh tế cho rằng đây là liều thuốc hữu hiệu nhất. “Chúng ta ý thức việc phải bảo đảm an toàn của nợ công, nhưng trong tình thế hiện nay, chính đầu tư công là giải pháp tác động nhanh nhất để kích thích tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Một khi nền kinh tế hấp thụ được vốn tốt hơn, có điều kiện để tăng tín dụng thì sẽ giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, cân bằng mức nợ công như Quốc hội đã cho phép”, ông cho biết.
Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%, tổng vốn đầu tư phải cao hơn mức 30-31% hiện nay. “Trước mắt chứ không phải lâu dài, buộc lòng chấp nhận việc tăng phát hành trái phiếu, thậm chí có thể chấp nhận bội chi ngân sách cao lên một chút nhưng chỉ trong ngắn hạn”, ông Ngoạn phát biểu.
Vị chuyên gia này cũng nhận định có cách để tăng chi đầu tư phát triển mà không cần phải tăng bội chi ngân sách, đó là giảm chi thường xuyên thông qua giảm bộ máy hành chính. “Song việc này không thể làm ngay được”, ông cho biết.
Tuy nhiên, tăng bội chi không phải là phép thần để cứu nền kinh tế, thậm chí có nhiều tác dụng phụ. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, mức bội chi trên 5% sẽ là đáng báo động. “5% được xem là điểm cảnh báo, qua mức này thì coi như bị lũ lụt, không giải quyết được tình hình kinh tế”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, ông khẳng định không thể viện cớ kinh tế đang yếu để tăng đầu tư công. “Lý luận cho rằng tăng đầu tư công để kích thích kinh tế là không phù hợp. Khi đầu tư tư nhân, đầu tư nhân dân chưa thể phát triển thì có thể dùng một chút đầu tư công để đẩy lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xi măng, sắt thép có thị trường đầu ra. Song, đây không phải phương pháp cốt lõi. Tránh lạm dụng mỗi lần thấy kinh tế khó khăn thì lại nới chi tiêu công, lấy chỗ nọ lấp chỗ kia”, chuyên gia Bùi Kiến Thành phát biểu.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Phạm Thế Anh – quyền Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng nhận định chỉ riêng nới trần bội chi không thể cứu vãn nền kinh tế. “Nới trần bội chi ngân sách lúc này chỉ là giải pháp tạm thời giúp nền kinh tế bớt khó khăn hơn, về lâu dài khi không còn thuốc kích thích kinh tế sẽ yếu trở lại ngay”.
Ông cũng khuyến nghị nếu cho phép điều chỉnh chỉ tiêu bội chi lúc này có thể sẽ gửi đi thông điệp về sự tiền hậu bất nhất trong thực thi chính sách của Việt Nam. “Việt Nam đã phải trả giá đắt để ổn định kinh tế vĩ mô, nay khi chưa hạ thấp được bội chi ngân sách để dần đạt được sự bền vững về tài khoá, các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện chưa đáng kể, thì lại đề xuất nới trần bội chi. Điều này có khiến cho thị trường hiểu rằng đang có sự bất nhất giữa chủ trương và thực thi chính sách của Chính phủ, làm giảm niềm tin của thị trường”, vị chuyên gia bày tỏ.
Tiến sĩ Thế Anh cảnh báo ngân sách Việt Nam sẽ gặp áp lực lớn nếu tiếp tục cho phát hành trái phiếu ngoài định mức. Theo ông, thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây dẫn tới nghĩa vụ trả nợ lãi ngày càng nặng hơn. Ước tính, với 320.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (chưa kể trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) đang lưu hành nội địa hiện (lãi suất trung bình khoảng 10%/năm) và khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng trả lãi nợ nước ngoài thì mỗi năm Việt Nam đang phải trả khoảng 40.000 tỷ đồng nợ lãi, bằng khoảng hơn 20% chi đầu tư phát triển.
Nguồn: MOF. (*): số thực hiện năm 2013 là ước 9 tháng đầu năm |
Quan sát diễn biến bội chi ngân sách có thể thấy, khi Chính phủ tung ra gói kích cầu 1 tỷ USD nhằm chống suy giảm kinh tế vào năm 2009, ngay lập tức bội chi tăng vọt lên 6,9% GDP, vượt xa dự toán. Hệ lụy của việc này là lạm phát cao, căng thẳng tỷ giá và lòng tin của thị trường giảm sút, khiến Chính phủ phải đưa ra thông điệp thắt chặt chính sách tiền tệ, cắt giảm đầu tư công để kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, so với các quốc gia trong khu vực, thâm hụt ngân sách Việt Nam ở mức cao. Số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, bội chi ngân sách Việt Nam năm 2012 đang gấp 4 lần Trung Quốc (1,3% GDP); 3,2 lần Indonesia (1,6% GDP); 2,7 lần Philippines (1,9% GDP); 1,7 lần Thái Lan (3% GDP); 1,4 lần Malaysia (3,8% GDP). Nếu điều chỉnh trần bội chi lên 5,3% GDP, không chỉ mục tiêu đưa bội chi ngân sách về 4,5% giai đoạn 2011 – 2015 không đạt được mà khoảng cách giữa Việt Nam với các nước sẽ ngày càng gia tăng
Do đó, thay cho việc nới bội chi ngân sách, tiến sĩ Phạm Thế Anh đề xuất nên giảm hơn nữa các khoản chi thường xuyên, hiện đang chiếm gần 80% tổng chi và có tốc độ tăng khoảng từ 23-31% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2012. “Thời gian qua dù kêu gọi cắt giảm chi tiêu công nhưng chủ yếu nhằm vào giảm chi cho đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên – nhân tố được coi là có ít đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn lại chưa được xem xét. Điều này khiến cho tổng chi (chưa bao gồm chi trả nợ gốc) của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 35% GDP trong giai đoạn 2010-2012”, ông cho biết.
Ngoài ra, ông đề xuất Nhà nước nên tiếp tục có lộ trình giảm thuế cho doanh nghiệp. “Thông thường ở các nước trên thế giới, trong giai đoạn cần vốn đầu tư phát triển thì Chính phủ nên cắt giảm thuế để khu vực tư nhân có động lực sản xuất và đầu tư”, vị này nói.
Hay theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, trong bối cảnh nguồn thu hạn hẹp, Chính phủ phải quản lý đầu tư công hợp lý bằng cách tiết kiệm chi. “Phải xét xét giảm các khoản chi không hợp lý, nhất là chi trong bộ máy hành chính. Đồng thời, xem xét danh mục đầu tư công, khoản nào giảm được, khoản nào có thể dời sang năm sau. Không thể lúc nào cũng trông chờ tăng chi tiêu công”, ông nhấn mạnh
Phương Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi webmaster viet nam