Trong 9 tháng đầu năm, thu hút vốn ODA và FDI của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định môi trường kinh doanh đã cải thiện, tạo được niềm tin với nhà đầu tư.
Báo cáo tình hình thực hiện lời hứa qua hoạt động chất vấn tại Quốc hội vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh gửi tới các đại biểu trước thềm kỳ họp thứ 6. Với trọng tâm là tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu kinh tế… Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhân định dòng vốn viện trợ phát triển (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều gặp nhiều thách thức trong thời gian qua.
Riêng với ODA, do tập quán viện trợ ưu tiên cung cấp cho các nước kém phát triển nên lượng vốn dành cho các nước có thu nhập trung bình như Việt Nam giảm đáng kể. Trong khi đó, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng bộc lộ một số yếu kém như thiếu cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực thấp, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, hệ thống luật pháp nhiều bất cập…, gây khó cho thu hút FDI.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hơn. |
Tuy vậy, người đứng đầu ngành kế hoạch – đầu tư cho rằng Chính phủ đã nỗ lực trong việc vận động tài trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án, cải thiện môi trường đầu tư, dẫn tới lượng vốn ODA và FDI vào Việt Nam vẫn tăng trong 9 tháng đầu năm, bất chấp tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn.
Tổng mức thu hút ODA và vốn vay ưu đãi đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng giải ngân đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Ước cả năm 2013, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 7 tỷ USD, tăng 19% so với năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân dự kiến đạt khoảng 4,5 tỷ USD.
Vốn FDI đăng ký từ đầu năm cũng đạt trên 15 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012. Giải ngân vốn FDI ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, từ đầu năm cả nước đã thu hút được 5 dự án có vốn đầu tư trên một tỷ USD. “Điều này cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định hơn, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của nhà đầu tư tăng trở lại”, Bộ trưởng nhận định.
Thời gian tới, ông cho biết Bộ sẽ trình Chính phủ nhiều giải pháp để tăng cường thu hút vốn nước ngoài như bổ sung ưu đãi đặc thù cho ngành công nghiệp hỗ trợ, xem xét điều chỉnh giãn lộ trình tăng giá đất, hệ số bồi thường, đổi mới công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý sau cấp phép, cải cách hệ thống pháp luật… “Bộ sẽ xây dựng những quy định vụ thể về danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư để thu hút các dự án, dự kiến trình Chính phủ trong quý I/2014”, vị này cho hay.
Về tái cơ cấu nền kinh tế, lãnh đạo ngành Kế hoạch & Đầu tư thông tin đến nay các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu do Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban. Phần lớn các tình thành phố cũng đã xây dựng và thông qua đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên phạm vi địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tập trung khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, xây dựng Luật Đầu tư công để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Về cải cách doanh nghiệp Nhà nước, hiện đa số các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã được phê duyệt.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đang phối hợp với các địa phương xây dựng các đề án đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Hiện nay, đề án đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn đã hoàn thành, đang trình Thủ tướng xem xét.
Phương Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi diễn đàn seo