Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, còn tiếp diễn tình trạng đơn từ bị chuyển lòng vòng thì các vụ khiếu kiện tồn đọng, vượt cấp sẽ không chuyển biến, và người dân dễ chán nản thậm chí không tìm đến các cơ quan tiếp dân nữa.
Sáng 19/8, Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật tiếp công dân. Tuy nhiều lần được cơ quan soạn thảo khẳng định luật sẽ là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất và đáp ứng yêu cầu hiện nay về hoạt động tiếp công dân song nhiều ý kiến thảo luận vẫn chưa thỏa mãn với các giải trình.
Bày tỏ lo lắng về câu chuyện tiếp dân rồi giải quyết, xử lý như thế nào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu thực tế hiện nay vẫn là “đơn bay như chim, vòng vèo, trục trặc”, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện tồn đọng, vượt cấp. Nếu dự luật không quy định việc giải quyết thì tình trạng đông người, vượt cấp không có chuyển biến. Còn người dân sẽ chán nản, thậm chí không tìm đến với các cơ quan tiếp dân nữa.
“Luật này phải làm rõ trách nhiệm giải quyết bởi tính khả thi của luật nằm ở việc giải quyết xong dân tâm phục, khẩu phục. Nếu người ta đến mà không giải quyết thì ai tỏ thái độ với ông này?”, Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu.
Đối với quy định phòng tiếp dân của Quốc hội hay không, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Quốc hội xuân thu nhị kỳ họp, người dân đến là kiến nghị Quốc hội, chứ không phải kiến nghị cá nhân cụ thể. Vì thế, nếu người dân đến mà không giải quyết được thì thà thì đừng mở ra.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương. Ảnh: N.H. |
Giải đáp câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho hay, trách nhiệm giải quyết thế nào hiện đã quy định rõ trong Luật khiếu nại, tố cáo. Theo đó, trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan chuyên môn (lãnh đạo sở, phòng) phải dành riêng mỗi tháng một ngày để tiếp công dân. Hiện, cấp xã, huyện, tỉnh được phân cấp rất lớn.
Còn quy định trụ sở tiếp công dân của Đảng, Nhà nước với mục đích là để người dân đến nêu ý kiến, kiến nghị, hiến kế xây dựng Đảng, đất nước. Song, trong thực tế chức năng này rất mờ nhạt, người dân đến chủ yếu là khiếu kiện. “Vì vậy trong luật này chúng tôi nhấn mạnh đến việc tiếp dân của các cơ quan nhà nước và sẽ tiếp thu để quy định rõ hơn nữa trách nhiệm, thời hạn phải trả lời đơn thư”, đại diện cơ quan soạn thảo nói.
Chưa hài lòng với giải đáp của Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa tiếp tục nêu câu hỏi liệu luật ra đời có giải quyết được tình trạng đơn thư lòng vòng, vượt cấp. Ông cho rằng, với nội dung hiện tại, dự luật chỉ quy định trình tự, thủ tục ở các văn phòng tiếp công dân. Cơ quan này cũng chỉ làm phiếu trả đơn, chuyển đơn thôi.
“Để giải quyết tình trạng vòng vo này thì trụ sở tiếp công dân phải là nơi trả lời công dân. Chứ coi đây chỉ là quy trình của khiếu nại tố cáo thì chỉ cần một văn bản để hướng dẫn. Phải quy định trụ sở này có trách nhiệm trả lời kết quả, tức là trụ sở này phải là nơi đi và nơi đến cho công dân, phải trả lời khiếu nại, tố cáo của công dân”, ông Khoa nêu quan điểm. Vị Chủ nhiệm này cũng yêu cầu, đã là cán bộ thì trong tình huống cụ thể cần thiết phải xuống tận nơi gặp dân để giải quyết.
Nêu dẫn chứng sinh động về việc Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã cùng với nhiều cơ quan chức năng đi tiếp công dân ở Đường Lâm và giải tỏa được những bức xúc cơ bản của khu di tích, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu yêu cầu làm rõ thêm “chỉ tiếp công dân ở trụ sở hành chính hay tiếp ngoài trụ sở, bởi mục đích của luật là tiếp để giải quyết”.
Góp ý thêm cho cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc yêu cầu, dự luật cần ghi rõ trách nhiệm người đứng đầu phải tiếp chứ không được bố trí cấp phó tiếp thay. Nói thêm về quy trình, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai yêu cầu, nêu quan điểm quy trình chặt chẽ quá chưa chắc đã có lợi cho dân. Việc tiếp dân vì thế cần uyển chuyển, mềm mại, gần gũi với dân để giải quyết ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân.
Chia sẻ với bà Mai, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng, không thể quy định cứng về thời gian, địa điểm tiếp dân. Đã là lãnh đạo thì phải tiếp dân không kể ngày đêm. Theo bà, với người lãnh đạo, cơ quan nhà nước thì dân còn tìm đến với mình là còn hạnh phúc. “Ví dụ ngày nghỉ, ngày lễ, tôi tiếp các bác, các đồng chí lão thành đến để nêu lên tâm tư tình cảm, ý kiến tại nhà riêng của mình”, bà Nương cho hay.
Nguyễn Hưng
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi webmaster viet nam