Các doanh nghiệp giải thích việc điều chỉnh cùng thời điểm là do chu kỳ tính giá giống nhau.
Cùng những nghịch lý giữa giá và chất lượng dịch vụ, nghi vấn các nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone, Vinaphone “bắt tay” được dư luận đặt ra khi kể từ ngày 16/10, cước 3G của 3 hãng viễn thông đồng loạt tăng với mức khá tương đồng.
Trong khi người tiêu dùng còn chưa hài lòng với dịch vụ Mobile Internet thì các nhà mạng đã cùng nhau đưa giá cước lên. Ảnh: Anh Quân |
Những thắc mắc này phần nào được hồi đáp tại buổi tọa đàm trực tuyến “Vì sao tăng cước 3G” được tổ chức sáng 17/10, khi đại diện cả 3 nhà mạng đều khẳng định không có chuyện “bắt tay”. Theo đó, các bên cho biết đã đề xuất điều chỉnh lên cơ quan chủ quản từ sớm nhưng quá trình thẩm định kéo dài nên không theo kế hoạch ban đầu.
“Đến ngày 4/10 chúng tôi mới nhận được văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông, rồi còn mất thêm thời gian để chuẩn bị nhiều việc cũng như thông báo đến thuê bao nên cuối cùng đã chọn ngày 16/10”, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Mobifone cho biết.
Không chỉ riêng nhà mạng này, cả Viettel và Vinaphone cũng chọn ngày 16/10 để thay đổi gói cước và giá. Theo giải thích của một đơn vị, chu kỳ tính cước thường rơi vào ngày 1 và 16 hàng tháng, do văn bản chỉ đạo đã qua đầu tháng nên các mạng chọn mốc tiếp theo để điều chỉnh, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. “Do đó mới có sự trùng hợp về thời điểm chứ không có chuyện bắt tay nhau”, đại diện này nhấn mạnh.
Trong số các đơn vị, Viettel cho phép gia hạn gói cước vào đúng ngày 1 hàng tháng nên trên thực tế, các thuê bao đang dùng 3G của mạng này chỉ bị tính giá mới khi bắt đầu tháng 11. Trong khi đó, Vinaphone và Mobifone thu cước theo thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký dịch vụ (đúng một tháng gia hạn một lần) nên các thuê bao gia hạn trước thời điểm 16/10 vẫn áp dụng giá cũ cho đến ngày này tháng 11. Những người đăng ký dùng 3G từ sau ngày điều chỉnh sẽ chịu mức giá mới.
Sau khi thay đổi, giá một số gói cước vẫn được các doanh nghiệp giữ nguyên hoặc giảm, nhưng đáng chú ý nhất là gói không giới hạn giá 50.000 đồng mỗi tháng trước đây giờ tăng thêm 20.000 đồng, và gói tương tự cho sinh viên, học sinh tăng 30.000 – 35.000 đồng lên 50.000 đồng. Trong khi các nhà mạng khẳng định gói thuê bao 10.000 đồng mỗi tháng (thường là miễn phí 10MB, nếu vượt quá sẽ tính thêm tiền dựa trên mức dữ liệu tiêu thụ, không có giới hạn tốc độ truy cập) mới là lựa chọn của đại đa số người tiêu dùng, thì các chuyên gia cho rằng thuê bao đa phần dùng gói không giới hạn để quản lý được chi tiêu mà nhu cầu vẫn được đáp ứng.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, không liên kết với nhau trong việc đưa ra mức giá chung mà dựa hoàn toàn trên số liệu của từng đơn vị và tính toán những ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Trước đó, Cục Viễn thông đã quy định việc tăng giá không được đột biến mà phải theo lộ trình, trên cơ sở tránh gây xáo trộn cho thuê bao.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, đúng là văn bản phê duyệt điều chỉnh được ký cùng ngày và gửi đến các doanh nghiệp từ 4/10. “Tuy nhiên, chúng tôi không quy định ngày cụ thể mà để doanh nghiệp tự cân đối theo điều kiện, khả năng của mình”, ông Trung lý giải. Theo ông, việc tăng giá lần này được xem xét dựa trên các luật, quy định cụ thể, trong đó giá cước viễn thông phụ thuộc vào các yếu tố như giá thành, cung cầu thị trường, giá cước khu vực quốc tế.
“Các doanh nghiệp thuộc thị phần khống chế thì không được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Về cung cầu, trước đây khác bây giờ bởi người dùng đông hơn, lượng dữ liệu tiêu thụ cũng lớn hơn rất nhiều. Giá cước thì các nước trong khu vực và quốc tế đều cao hơn Việt Nam”, ông Trung nói.
Hiện trên thị trường có 3 doanh nghiệp có thị phần khống chế là Viettel, Mobifone, Vinaphone, trong đó có 2 đơn vị có vị trí thống lĩnh thị trường (Viettel và Mobifone, nắm trên 30% thị phần mỗi doanh nghiệp). Cả 3 nhà mạng gộp lại nắm giữ trên 95% thị phần viễn thông và khoảng 97% thị phần dịch vụ 3G, tạo thành nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (dữ liệu từ Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2013)
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Trưởng phòng Giá cước và Khuyến mại, Cục Viễn thông cho biết, dù các doanh nghiệp nói rất nhiều đến khái niệm “giá thành” nhưng đây là bí mật kinh doanh của nhà mạng, được tính toán theo quy định Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành nên không thể công khai. Như vậy, “giá thành” vẫn là một bí ẩn đối với khách hàng của doanh nghiệp và họ không thể biết thực sự nhà mạng đang bán dịch vụ cho họ dưới giá thành bao nhiêu.
Anh Quân
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi cộng đồng seo