Đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu, nhưng việc giá giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm đã khiến không ít doanh nghiệp cao su tự nhiên điêu đứng. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất săm lốp lại được lợi.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm, cao su là mặt hàng có giá xuất khẩu giảm mạnh nhất (giảm 17%) dẫn tới kim ngạch xuất khẩu cũng giảm theo. Nguyên nhân là nhu cầu yếu đi của thị trường thế giới khi kinh tế Mỹ và châu Âu chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, tồn kho tại Trung Quốc – nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới lên cao.
Tình hình này đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su tự nhiên. Báo cáo ước tính cho thấy, lợi nhuận trước thuế của cả 4 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều giảm so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt mức thấp so với kế hoạch đề ra.
Doanh nghiệp cao su tự nhiên điêu đứng vì giá giảm mạnh. |
Lọt Top 50 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes Việt Nam bình chọn, song Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (Mã CK: DPR) cũng phải chịu chung số phận như các doanh nghiệp khác trong ngành. 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty ước đạt 750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 260 tỷ đồng, lần lượt giảm 21% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù đã tích cực giảm chi phí nhân công nhưng chính việc giá bán cao su giảm mạnh đã khiến kết quả kinh doanh của DPR xấu đi. Giá bán bình quân của công ty trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 55 triệu đồng một tấn, giảm 8 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 85% kế hoạch đề ra.
Chung cảnh ngộ như Đồng Phú còn có Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Hòa Bình (HRC) và Cao su Tây Ninh (TRC), đều có lợi nhuận trước thuế giảm từ 20-40% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán bình quân của các công ty này cũng chỉ dao động khoảng 50 – 55 triệu đồng một tấn.
Chuyên viên phân tích Ngô Kinh Luân của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cũng nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên đang gặp nhiều khó khăn về giá bán. Khả năng không đạt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2013 là rất cao. Kết thúc 9 tháng, cả 4 doanh nghiệp nêu trên chỉ đạt 50-85% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh ước 9 tháng đầu năm của DN cao su tự nhiên
Đơn vị: tỷ đồng
Nguồn: HSX/FPTS |
Đồng tình với quan điểm này, chuyên viên Tôn Minh Phương của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, giá cao su tự nhiên chạm đáy khiến triển vọng phục hồi của của thị trường chưa rõ ràng. Điều này đã làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất cao su.
Ngược lại, người hưởng lợi từ giá cao su thiên nhiên đi xuống lại là các doanh nghiệp sản xuất săm lốp. Giá vốn hàng bán của các công ty như Cao su Miền Nam (Casumina – CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC) hay Cao su Sao Vàng (SRC) hầu như không biến động lớn, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính quý III/2013 mới công bố, 9 tháng đầu năm, Casumina đạt 2.356,3 tỷ đồng doanh thu và 341,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 2% và 38% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của công ty đã vượt mức đạt được cả năm trước và hoàn thành 125% kế hoạch cả năm. Lý giải cho việc tốc độ tăng của lợi nhuận gấp nhiều lần doanh thu, ông Phạm Hồng Phú – Tổng Giám đốc Casumina cho biết là do sản lượng tiêu thụ tăng và giá vật tư ổn định.
Tình hình tài chính khả quan cũng khiến tổng thu nhập của HĐQT và Ban Tổng giám đốc Casumina tăng lên so với năm 2012. Theo đó, 9 tháng đầu năm, bình quân mỗi người trong ban lãnh đạo được lĩnh 445 triệu đồng, trong khi cả năm 2012 mới chỉ được gần 400 triệu đồng.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III nhưng 6 tháng đầu năm, DRC cũng cho biết lợi nhuận trước thuế đạt 251,8 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm dù mới chỉ đi được nửa chặng đường.
Sang quý IV, dự báo tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cao su cũng chưa khả quan hơn, dù đây là quý quyết định thành bại của các doanh nghiệp. Công ty Cao su Phước Hòa dự kiến giá bán trong quý IV chỉ khoảng 47 triệu đồng một tấn, thấp hơn cả quý III, dẫn tới HĐQT đang lên kế hoạch xin ý kiến cổ đông điều chỉnh giảm kế hoạch giá bán từ 51 triệu đồng về 41 triệu đồng một tấn và lợi nhuận trước thuế khoảng 350 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch ban đầu.
Trong khi đó, Cao su Hòa Bình ước doanh thu quý IV chỉ khoảng 74 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 11 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với thực hiện quý III.
Phương Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi lập trình web