Hãy share + like nếu bạn thấy bài viết hay nhé:
Theo số liệu thống kê của phòng tư pháp thì năm 2012 án kinh tế tăng vọt so với các năm trước. Tranh chấp về kinh doanh ngày càng phức tạp, hầu hết các vụ án đều phải trải qua nhiều cấp xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sau khi theo đuổi quá trình tố tụng thường chỉ nhận được sự thất vọng vì tính cứng nhắc và phi thực tế của bản án.
Khuyến khích chiếm dụng vốn?
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, doanh thu sụt giảm, ngân hàng siết chặt điều kiện giải ngân, tình trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau thông qua hợp đồng thương mại, đầu tư đang càng ngày gia tăng. Hệ lụy của tình trạng này là nợ xấu dây chuyền. doanh nghiệp A không có khả năng trả nợ cho doanh nghiệp B, doanh nghiệp B không thể trả nợ cho ngân hàng cấp tín dụng đúng hạn. Trong trường hợp doanh nghiệp tự nổ lực bằng mọi cách mà không đòi được nợ, chỉ còn hai lựa chọn, một là kiện tòa án, hai là … thuê dịch vụ đòi nợ.
Mức lãi suất mà doanh nghiệp có nghĩa vụ trả cho doanh nghiệp chủ nợ theo bản án của tòa chỉ được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân Hàng Nhà nước công bố theo khoản 2 điều 305 Bộ Luật dân sự. Ngay cả trong trường hợp các bên có thỏa thuận mức lãi chậm trả trong hợp đồng thì mức phạt này cũng được tuyên không quá 8% theo điều 301 trong luật thương mại. Tòa án các cấp đã thấy rõ vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật này, nhưng Tòa án Tối cao vẫn ra Văn bản 244/TANDTC-KHXX ngày 5-11-2012 yêu cầu tòa án các cấp thống nhất áp dụng mức lãi suất cơ bản 9%/ năm để xét xử, viện dẫn căn cứ quyết định số 2868/QĐ-NHNN của ngân hàng nhà nước Việt Nam ngày 29-11-2010.
Theo biểu đồ lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay khu vực sản xuất kinh doanh từ cuối tháng 10-2010 đến tháng 4-2012 đều trong khoản 18-22%
doanh nghiệp phải vay ở mức này để sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng cho khách hàng, nhưng khi khách hàng chay ì không trả nợ, toàn án chỉ tuyên mức lãi phải trả là 9%. Như vậy doanh nghiệp nào càng bán hàng trả chậm thì nguy cơ phá sản vì không đòi được nợ càng cao!
Trong khi đó doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng không trả đúng hạn, khi xét xử tòa án vẫn tuyên doanh nghiệp phải trả mức lãi theo hợp đồng tín dụng ký giũa ngân hàng với doanh nghiệp, vì xét xử trong trường hợp này căn cứ theo Luật tín dụng. Như vậy trong cùng một hệ thống pháp luật, cùng một tòa án xét xử với cùng một doanh nghiệp, ở vị thế bên bị và bên nguyên là ngân hàng thì phải trả lãi theo thực tế, nhưng với vị thế bên nguyên với bên bị là doạnh nghiệp thì lại chỉ có thể thu trả lãi chậm theo lãi suất cơ bản! Tòa án vận dụng phát luật như thế khác nào khuyến khích doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau với lãi suất rẽ hơn nhiều so với đi vay ngân hàng?
Đối với các hợp đồng góp vốn đầu tư, việc áp dụng pháp luật của tòa án cũng phi thực tế như vậy. Gần đây nhất, trong một vụ kiện xét xử đòi góp vốn đầu tư, bị đơn tại tòa sơ thẩm Tòa án kinh tế TPHCM đã chấp nhân trả lãi cho khoản đầu tư của bên nguyên là 10.5%( thấp hơn nhiều so với mức thực tế hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn với ngân hàng) nhưng tòa vẫn tuyên án theo định mức lãi chậm trả là 9%! Tòa phúc thẩm tòa án tối cao giữ nguyên nội dung sơ thẩm này!
Né xét xử bồi thường các thiệt hại khác
Điều 307 Bộ luật Dân sự cũng có quy định trách nhiệm bồi thường các thiệt hại khác. Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy khi bên nguyên chuyển yêu cầu trả lãi thanh yêu cầu bồi thường thiệt hại theo thực tế căn cứ theo điều luật này, thì các cấp tòa thường né tránh xem xét; vì nếu xem xét thiệt hại thực tế ngoài các khoãn lãi phải trả theo hợp đồng tín dụng còn có các khoãn khác mà không phải trường hợp nào bên bị vi phạm cũng có thể chứng minh được (đặc biệt là những thiệt hại liên quan đến uy tín, cơ hội kinh doanh hay lợi nhuận bị bỏ lỡ…)
Vì thế, các cấp tòa thường chỉ đơn giản việc xét xử bằng cách áp dụng điều 305 Bộ luật Dân sự để tuyên mức lãi phạt trả chậm là 9% theo hướng dẫn cuả Tòa án Tối cao. doanh nghiệp chiếm dụng vốn được tòa án “hỗ trợ” nguồn vốn giá rẻ, đẩy doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn đến nguy cơ phá sản. Chính vì lý do này mà trên thực tế, doanh nghiệp vẫn biết sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê là con dao 2 lưỡi, nhưng hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách này, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp cho 2 bên.
Teo LS. Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, ngay từ khi góp ý soạn thảo Bộ Luật Dân sự và Luật Thương mại, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với việc quy định như các khoản nêu trên, nhưng các ý kiến này đã không được tiếp thu. Rõ ràng việc gia tăng số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, giải thể có sự liên quan đến các cơ quan lập pháp, tư pháp trong việc hổ trợ doanh nghiệp thu hồi nợ xấu.
Chủ tịch hội đồng thành viên- Công ty TNHH Giải Pháp Thông Minh
2-5-2013 Kinh tế Sài Gòn