Comments Off on 6 chiêu tội phạm công nghệ cao thường dùng

6 chiêu tội phạm công nghệ cao thường dùng

Ông Lê Minh Loan, Trưởng phòng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ Công An cho hay một số thủ đoạn mà tội phạm công nghệ cao thường dùng để lừa người tiêu dùng là tạo virus giả mạo, gửi thư trúng thưởng, đăng tin bán rẻ sản phẩm…

Các thủ đoạn này đều đánh vào lòng tham của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch qua môi trường ảo.

Phong-van-truc-tuyen-2.jpg
Ông Ông Lê Minh Loan, Trưởng phòng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao (áo trắng thứ 2 bên trái); Bà Bùi Thanh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương; cùng ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban truyền thông của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) chụp ảnh kỷ niệm tại tòa soạn VnExpress.

– Thưa bà Hằng, hiện nay rất nhiều người mua hàng trực tuyến trên mạng. Khi mua hàng nhiều nơi bắt phải thanh toán tiền trước, sau đó mới gửi hàng. Nhưng tiền đã gửi rồi mà hàng không nhận được. Vậy người tiêu dùng làm gì để đảm bảo rằng hàng đã mua thì sẽ tới tay mình? (Pham Thi Hoa, 30 tuổi, Sài Gòn)

– Bà Bùi Thanh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin: Theo tôi, trước khi click mua hàng thì bạn cần lưu ý những thông tin hiển thị trên website như sau:

Thứ nhất là thông tin về chủ sở hữu website hay người bán có đúng hay không. Thứ 2 là mọi thông tin về sản phẩm như kích cỡ, màu sắc, chất lượng, giá cả… có được công bố hay không. Thứ 3 là các quy trình mua hàng, chính sách thanh toán, giao hàng, bảo hành, đổi hàng, giải quyết khiếu nại khiếu kiện có được quy định một cách dễ hiểu, dễ thao tác, hợp lý và hợp pháp hay không. 

Cách nhanh nhất để bạn yên tâm website đáp ứng được đầy đủ thông tin như trên là tìm hiểu xem website đó có được dán nhãn SafeWeb (hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử Việt Nam) hay không. Nhãn SafeWeb chính là chủ thể thứ ba thẩm định những yếu tố trên một cách khách quan nhất căn cứ theo 5 nguyên tắc hoạt động của nhãn này (bao gồm: xây dựng niềm tin, bảo vệ thông tin cá nhân, thực hiện giao kết hợp đồng, quảng cáo trung thực, giải quyết khiếu nại).

– Thời gian gần đây, báo chí phản ánh nhiều vụ tội phạm công nghệ cao đa số là người trẻ, học sinh, sinh viên, thậm chí cả những người chẳng được học hành gì mà đã có thể hack vào hệ thống và lấy đi hàng tỷ đồng. Cho tôi hỏi phải chăng tội phạm đang có xu hướng công nghệ cao, tinh vi hơn hay là cơ quan quản lý kém và công nghệ của chúng ta đang ngày một lạc hậu. Xin cảm ơn (Hải Âu, 40 tuổi, Hà Nội)

– Ông Lê Minh Loan, Trưởng phòng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao:: Trong thời gian qua, cùng sự phát triển của công nghệ thông tin, một số đối tượng chủ yếu là thanh niên trẻ sử dụng các sản phẩm công nghệ để phạm tội. Ứng dụng thành tựu công nghệ bao giờ cũng đi trước, việc quản lý phòng ngừa mặc dù đã có nhiều biện pháp chủ động nhưng vẫn chưa theo kịp được sự phát triển của công nghệ. Các đối tượng này thường sử dụng những công nghệ mới nhất để thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm.

Đứng trước tình hình này, các cơ quan của Nhà nước trong đó Bộ Công an đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý đối tượng này. Từ năm 2010, Bộ Công an đã thành lập lực lượng chuyên trách để phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Với thời gian hoạt động chưa được lâu, trong 3 năm qua Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, điều tra, xử lý hàng trăm vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Bộ Công an cũng đã đầu tư các thiết bị chuyên dụng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối tượng tội phạm này. 

live_interview-1377243788_480x0.jpg
Ông Lê Minh Loan, Trưởng phòng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao:

– Cho cháu hỏi cách mua bán online như thế nào? Vì cháu chưa bao giờ giám thực hiện giao dịch online, vì sợ sẽ bị mất tiền, mà không nhận được hàng hóa. Vậy cho cháu hỏi, hiện nay trên thị trường có những trang web nào đảm bảo chất lượng và sẽ giao hàng tận nơi ạ. (Hoàng văn Anh, 18 tuổi, TpHCM)

– Ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban truyền thông của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM): Băn khoăn của bạn là mối lo chung của tất cả người tiêu dùng mua sắm online trên toàn thế giới. Theo thống kê của CyberSource, 90% số khách hàng mua sắm trên mạng có mối lo bị lừa đảo. Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Cimigo, chỉ 13% số người tiêu dùng cho rằng mua hàng trên mạng là an toàn.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những mặt tích cực và lợi ích của thương mại điện tử đối với cuộc sống của con người. Nó mang lại lợi ích về giá cả hàng hóa, sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, chúng ta cần học cách trở thành người tiêu dùng thông minh khi mua hàng trên mạng. Cụ thể như sau:

1. Chỉ chọn mua hàng hóa tại các website đã được các tổ chức trung gian uy tín gắn dấu hiệu “website an toàn”. Hiện nay ở Việt Nam có 2 chương trình như vậy là Safe web và Ngân lượng đảm bảo của Ví điện tử nganluong.vn.

2. Tại bước thanh toán, các bạn không nên giao dịch trực tiếp cho họ bằng cách thanh toán/chuyển tiền trước mà nên thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động vì khi có sự cố xảy ra thì các ví điện tử này sẽ bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. 

3. Bạn nên sử dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD) thông qua các cổng vận chuyển hàng hóa trung gian như Shipchung.vn để đảm bảo mình chỉ phải trả tiền cho đúng hàng hóa mà mình muốn mua.

– Xin tư vấn giúp cách: Kiểm tra đường link trang web bán hàng để tránh bị lừa khi giao dịch online. Xin cảm ơn? (Phú Khánh, 23 tuổi, Nha Trang)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, các website thương mại điện tử phải công bố rõ ràng về thông tin chủ thể website bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, email, hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác, giấy phép đăng ký kinh doanh, số ngày cấp. Đây có thể là một cách giúp người tiêu dùng xác định về “nhân thân” của website đó.

– Khi tôi vào một website bán hàng online để mua hàng, làm thế nào để tôi có thế nhận biết được website đó có lừa đảo hay không? Có những dấu hiệu nào? (Quỳnh Trang, 33 tuổi, Cần Thơ)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Thực tiễn trên thế giới cho thấy: các chứng thực uy tín của bên thứ 3 hay còn gọi là trust mark có tác động ảnh hưởng lớn đến lòng tin của một khách hàng khi mua hàng tại một website. Tại Việt Nam từng có trường hợp kẻ lừa đảo tự dựng lên website rao bán sản phẩm với giá rất hời để lừa đảo người mua một cách rất dễ dàng. Chính vì vậy nên có đến 93% người mua hàng qua mạng cho rằng trust mark có tác động rất lớn đến quyết định của mình và 75% người tiêu dùng chỉ mua hàng tại các website có trust mark. Vì vậy, tôi khuyên bạn cũng như người tiêu dùng tại Việt Nam tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của nhưng website bán hàng và kiểm tra xem liệu có tổ chức uy tín thứ 3 nào đã chứng thực sự tồn tại của website này hay không.

– Xin ông có thể cho biết quy trình liên lạc với Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao khi doanh nghiệp hoặc cá nhân gặp phải loại tội phạm này? (Thanh Thủy, 28 tuổi, Hà Nội)

– Ông Lê Minh Loan: Khi cá nhân hoặc doanh nghiệp muốn tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao, có thể gửi đơn hoặc liên hệ với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an tại số 47 Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm, Hà Nội; số 258 Nguyễn Trãi, quận 1, TP HCM; phòng Cảnh sát chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội; đội Cảnh sát chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc PC46 công an một số tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Thanh Hoá và Thừa Thiên Huế hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.

– Cho tôi hỏi, nhà nước có chính sách gì để ngăn chặn những trang web bán hàng online xấu, có biện pháp gì mạnh tay để phạt những trang web này? (Nguyễn Văn Minh, 34 tuổi, Quận 5-Tphcm)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bắt buộc phải tiến hành thủ tục hành chính thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương tại địa chỉ www.online.gov.vn. Tại đó, các bạn có thể truy cứu danh sách các website thương mại điện tử đã tiến hành thông báo và hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương. Đây là những website thương mại điện tử và cung ứng dịch vụ thương mại điện tử đáp ứng được những quy định tối thiểu về thông tin website, cách thức kinh doanh theo quy định của Nghị định 52.

Đồng thời, trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng công bố danh sách các website thương mại điện tử vi phạm pháp luật. Đây sẽ là nguồn thông tin chính thống giúp người tiêu dùng tham khảo trước khi ra quyết định mua hàng ở một website nào đó. Các hành vi vi phạm sẽ được xử phạt theo Nghị định xử phạt hành chính.

– Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến thì việc sử dụng công cụ thanh toán qua các Cổng thanh toán và ví điện tử sẽ có những ưu điểm gì? (Hương Lan, 30 tuổi, TP HCM)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Thực tế cho thấy việc thanh toán bằng công cụ ví điện tử có nhiều ưu điểm cho các doanh nghiệp hơn so với việc tích hợp thanh toán trực tuyến qua các cổng thanh toán, cụ thể là:

1. Có thể tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến vào website trong vòng 5 phút đến vài giờ làm việc mà không cần ký hợp đồng, ký quỹ, đặt cọc…

2. Hỗ trợ hầu hết hình thức thanh toán mà người tiêu dùng ưa chuộng như thẻ quốc tế, thẻ nội địa, chuyển khoản ngân hàng, chuyển khoản ATM, thậm chí là tiền mặt tại nhà.

3. Các hệ thống ví điện tử được thiết kế để bảo vệ người mua, trong đó có chức năng thanh toán tạm giữ, theo đó, người bán chỉ nhận được tiền khi người mua đã nhận được hàng. Điều này làm cho người tiêu dùng tin tưởng và dễ quyết định mua sắm hơn.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều ví điện tử, trong đó hầu hết là chưa được ngân hàng nhà nước cấp giấy phép hoạt động, sẽ rất rủi ro cho những doanh nghiệp chấp nhận thanh toán qua những ví điện tử lậu như vậy. Theo đó, tôi khuyến cáo các doanh nghiệp và người tiêu dùng chỉ sử dụng những ví điện tử đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, trong đó có những thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử như nganluong.vn, payoo…

– Xin hỏi cách giúp giao dịch online an toàn (Phạm Văn Mách, 30 tuổi, TP HCM)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Cách nhanh nhất để bạn “tự tin” click mua hàng online, theo tôi website bạn mua hàng cần đáp ứng được hai yếu tố sau:

1. Tham gia mua hàng tại những website có chứng nhận đảm bảo, uy tín của một bên thứ 3 là Tổ chức nhãn uy tín, ví dụ SafeWeb để đảm bảo sự tương thích hàng bạn nhận được và sản phẩm rao bán trên website cũng như đảm bảo các quyền lợi khác của người tiêu dùng, ví dụ như quyền được bảo vệ thông tin cá nhân mà bạn đã lưu lại trong suốt quá trình giao dịch trực tuyến hay được giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.

2. Tham gia mua hàng tại những website có cơ chế bảo hiểm khoản tiền mà bạn phải trả cho sản phẩm đó khi có rủi ro xảy ra.

– Tôi là người bán hàng trực tuyến nghiêm túc, tôi muốn tăng thêm sự tin cậy cho những khách hàng của tôi, có tổ chức nào đứng ra chứng thực hay đảm bảo uy tín cho website của tôi không? Nếu có thì hình thức như thế nào? (Thúc Anh, 32 tuổi, Bình Định)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Như một câu hỏi ở trên mà tôi đã trả lời về chứng nhận uy tín trust mark thì theo báo cáo của CyberSource và Truste thì các website tăng được doanh số 15-30% sau khi trang bị trust mark, khách hàng sẵn sàng mua đắt hơn 5% tại các website có trust mark so với những trang web không có chứng nhận này. Trust mark giúp khách hàng yên tâm và có thêm động lực mua sắm, đặc biệt có ích với các doanh nghiệp nhỏ khi cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn hơn. 

Vì vậy, nếu muốn tạo uy tín chô website của bạn, bạn nên liên hệ với những đơn vị trực thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam như Safe web, Ngân lượng đảm bảo để có chuyên gia thương mại điện tử đến tận trụ sở doanh nghiệp của bạn thẩm định website, khảo sát về hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp và gắn nhãn chứng thực uy tín nếu đủ điều kiện. Thậm chí, một số trust mark còn cam kết bồi thường cho khách hàng của bạn nếu họ bị lừa đảo khi mua hàng tại website có gắn trust mark.

– Cho hỏi vấn đề pháp lý khi xảy ra sự cố, hiện tại vài vụ gần đây mình thấy người dùng bị thiêt hại là chính? Xin cảm ơn (Khắc Cường, 30 tuổi, Sài Gòn)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Tổ chức nhãn uy tín được coi là điểm tựa của người tiêu dùng trong suốt quá trình mua hàng trực tuyến. Đây sẽ là tổ chức trung gian nhận khiếu kiện và đi cùng người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng trên những website được gắn nhãn uy tín như SafeWeb của Việt Nam, Truste của Mỹ… 

Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử hay Thông tư 12/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương ra đời là cơ sở pháp lý cho người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn về website thương mại điện tử bán hàng và website cung ứng dịch vụ thương mại điện tử hợp pháp.

– Thưa ông Loan, người dân vẫn chưa quen dùng thẻ, văn hóa dùng tiền mặt vẫn tồn tại, phải chăng lý do xuất phát từ việc có quá nhiều rủi ro khi mua bán qua mạng? Ông bình luận gì? (Hải Anh, 50 tuổi, Hà Nội)

– Ông Lê Minh Loan: Trong thời gian qua hoạt động giao dịch thương mại và thanh toán điện tử ngày càng phát triển trong đó hoạt động thanh toán thẻ đã mang lại những tiện ích rất to lớn cho người dân. Hoạt động kinh doanh thẻ đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng đã có nhiều giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách hàng, cung cấp những dịch vụ tiện ích như Internet Banking, Mobile Banking hay xây dựng lộ trình chuyển từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chíp để các giao dịch được an toàn hơn nên thẻ tín dụng được sử dụng phổ biến trong các hoạt động thanh toán mua hàng trực tuyến trên các webiste và các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ.

Mặc dù đã được các ngân hàng cảnh báo hướng dẫn nhưng rất tiếc vẫn có một số trường hợp chủ thẻ do vô tình đã để lộ số PIN, mật khẩu giao dịch hay quên thẻ nên tội phạm đã lợi dụng để thanh toán, gây thiệt hại cho chủ thẻ. Tuy nhiên số lượng các giao dịch bị lợi dụng, gian lận, giả mạo trong hoạt động thanh toán là rất ít. Các chủ thẻ nên cẩn thận trong các hoạt động giao dịch trực tuyến, lựa chọn những website có thông tin, địa chỉ rõ ràng, tin cậy để tránh gặp rủi ro trong thanh toán.

việc đảm bảo an ninh an toàn cho các hoạt động giao dịch online 

– Ngân Lượng đã từng phát hiện các trường hợp lừa đảo khách hàng khi mua hàng trực tuyến chưa? Và cách giải quyết của Ngân lượng là gì khi gặp trường hợp như vậy để đảm bảo quyền lợi cho người dùng? (Hoài Nam, 40 tuổi, Đà Lạt)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Thực tế trong suốt quá trình hoạt động từ năm 2009 đến nay, với chức năng thanh toán tạm giữ và bộ máy theo dõi và quản lý giao dịch thường xuyên để bảo vệ người mua thì rất ít có sự cố xảy ra, mặc dù mỗi năm có hàng triệu giao dịch được lưu chuyển qua hệ thống này. Tuy nhiên, cũng có một vài đối tượng lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để chuyển tiền cho chúng qua ví điện tử ngân lượng. Với những trường hợp này, nganluong.vn đã hướng dẫn cho người bị hại thực hiện các thủ tục pháp lý để ngân lượng phối hợp với các cơ quan pháp luật để đưa thủ phạm ra ánh sáng, Thực tế, ngân lượng đã nhiều lần phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao công an Hà Nội (PC50) bắt giữ và khởi tố một số đối tượng như vậy trong các năm qua. Bạn có thể tìm thấy những thông tin này trên báo chí.

live_interview-1377247806_480x0.jpg
Ông Nguyễn Hòa Bình

– Cho tôi hỏi anh Bình một chút, ở trên anh có nói đến “cổng vận chuyển hàng hoá trung gian”, hiện tôi cũng có bán hàng online và tôi muốn tìm hiểu thêm để sử dụng dịch vụ này, anh có thể giải thích rõ hơn được không? Tôi cần có những điều kiện gì để sử dụng dịch vụ, tôi có cần cam kết gì không? (Huy An, 23 tuổi, Hà Nội)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Trước đây, một trong những “nút thắt” trong thương mại điện tử là vận chuyển hàng hóa, trong đó, các website không thể tự tính toán được phí vận chuyến, tính vận chuyển sau khi khách hàng mua hàng thì không tự động gọi nhân viên vận chuyển đến chuyển hàng mà phải gọi điện cho hãng vận chuyển mình đã ký hợp đồng trước đó. Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa thường chiếm từ 5% đến 15% giá thành sản phẩm, có thể gây lỗ cho doanh nghiệp bán hàng online. 

Từ giữa năm 2012, một thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử đã ra mắt một dịch vụ giải quyết toàn bộ tình trạng này cho cả ngành. Đó là cổng vận chuyển hàng hóa và giao hàng thu tiền shipchung.vn. Khi một website bán hàng kết nối với shipchung thì sẽ tự động tính được phí vận chuyển và tự động gọi nhân viên giao hàng đến lấy hàng và chuyển đi cho người mua, dù ở bất kỳ đâu trên toàn quốc. Trong trường hợp người mua muốn trả tiền khi nhận hàng thì shipchung sẽ phối hợp với các hãng vận chuyển thu tiền và trả tiền vào ví điện tử của người bán ngay khi người mua nhận được hàng. Điều đặc biệt là các website chỉ phải ký hợp đồng và tích hợp với shipchung là có thể sử dụng dịch vụ vận chuyển của tất cả các hãng vận chuyển lớn nhất Việt Nam.

– “Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, các website thương mại điện tử phải công bố rõ ràng về thông tin chủ thể website bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, email, hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác, giấy phép đăng ký kinh doanh, số ngày cấp. Đây có thể là một cách giúp người tiêu dùng xác định về “nhân thân” của website đó”. Vậy nếu các thông tin đó bị một website khác copy về, làm thế nào để kiểm tra các thông tin này có chính xác không? (Ngọc Như, 30 tuổi, Hồ Chí Minh)

– Ông Lê Minh Loan: Trong thời gian qua, cơ quan công an đã phát hiện, điều tra làm rõ một số webisite hoạt động như sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng thực tế chưa đăng ký ở Bộ Công thương mà đã tổ chức huy động vốn theo kiểu kinh doanh đa cấp gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho khách hàng. Để ngăn chặn các tình trạng trên, Chính Phủ đã ban hành nghị định  52/2013/NĐ-CP quy định các website thương mại điện tử phải công bố rõ ràng về thông tin chủ thể website bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, email, hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác, giấy phép đăng ký kinh doanh, số ngày cấp. Để hạn chế những thiệt hại, rủi ro khi tham gia sàn thương mại điện tử, người dân nên lựa chọn các website thương mại điện tử có uy tín, kiểm tra kỹ tên miền trước khi giao dịch. 

– Thực lòng tôi mất niềm tin vào việc mua bán trên mạng, phần nhiều do chất lượng sản phẩm khi giao khác với hình ảnh quảng cáo, tôi thích đến tận nơi để mắt thấy tay sờ hơn. Vậy theo ông thì ngành thương mại điện tử có thể phát triển được không khi mà giá trị thực tế của hàng hóa thường khác xa với quảng cáo trên website? (hang, 34 tuổi, Hà Nội)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu bạn đã có lựa chọn đúng đắn về website mua hàng hay chưa. Theo điều 30 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, mọi thông tin về hàng hóa dịch vụ cần được nêu rõ trên website để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu lầm khi quyết định mua hàng. 

Ngoài ra, để an tâm hơn trong giao dịch trực tuyến, bạn hãy nhờ đến sự hiện diện của các nhãn chứng thực uy tín. Ví dụ theo quy định của nhãn SafeWeb, thương nhân phải cung cấp mọi thông tin liên quan đến sản phẩm bao gồm tên và các thông tin khác như kiểu mẫu, chất lượng, nguyên liệu, hình dáng, màu sắc, số lượng, kích cỡ, nhà sản xuất, nước sản xuất, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Điều này sẽ giúp các bạn có hình dung tốt hơn về hàng hóa mà mình đang giao dịch. Một lần nữa cho thấy nhãn chứng thực uy tín sẽ là đơn vị thẩm định những cam kết này của thương nhân nhằm giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa việc nhận hàng không như ý. 

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Với những trường hợp như bạn, theo tôi, bạn nên sử dụng hình thức trả tiền khi nhận hàng (COD). Khi đó, bạn có quyền từ chối nhận sản phẩm và không phải trả tiền nếu cảm thấy sản phẩm bạn nhận được không đúng như quảng cáo. Hiện nay, với sự hỗ trợ của cổng vận chuyển hàng hóa và giao hàng thu tiền shipchung.vn thì chức năng COD đã phổ biến tại nhiều website thương mại điện tử.

live_interview-1377246579_480x0.jpg
Bà Bùi Thanh Hằng

– Xin cho cháu hỏi, khi cháu mua hàng trực tuyến trên website, nhìn ảnh chụp của hàng hóa thì thấy rất đẹp, nhưng khi nhận hàng rồi thì không được như hình chụp trên web. Trong trường hợp này, cháu có trả hàng được không? (Hoàng My, 28 tuổi, Hà Nội)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Việc có trả lại được hàng hay không phụ thuộc vào quy định trả hàng, đổi hàng của website bạn mua có cho phép hay không. Trước khi quyết định mua hàng bạn cần đọc kỹ thông tin miêu tả sản phẩm. Tránh mua hàng trên những website mà thông tin sản phẩm, dịch vụ không được công bố một cách chi tiết, rõ ràng. 

– Tôi muốn mở 1 website kinh doanh online và 1 website dạng chia sẻ thông tin về sức khỏe. Vậy 2 website này có cần đăng ký xin phép các cơ quan chức năng gì không? Và những luật (pháp luật) gì tôi nên tham khảo khi luốn kinh doanh online và đăng thông tin online một cách hợp pháp? (NGUYEN TUAN ANH, 30 tuổi, 306, Nguyen Xi, P25, Quan BT, TPHCM)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Bạn cần thực hiện thủ tục hành chính thông báo với Bộ Công Thương cho website kinh doanh online của mình. Bạn nên tham khảo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Thông tư 12/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn quy trình thủ tục thông báo đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử. Ngoài ra bạn có thể tham khảo bộ tiêu chí của SafeWeb – hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử (www.safeweb.vn) để hoàn thiện các điều kiện, điều khoản cam kết của website mình.

– Tôi đã từng mua hàng tại website được Ví điện tử Ngân Lượng cấp chứng chỉ Ngân Lượng đảm bảo. Khi có sự cố xảy ra tôi đã được Ngân Lượng bồi hoàn 100% số tiền giao dịch. Vậy tôi muốn biết, nếu tôi thanh toán qua một ví điện tử khác thì có được bảo vệ như vậy hay không? Hay là tuỳ từng Ví điện tử khác nhau mà chính sách bảo vệ người tiêu dùng cũng khác nhau? (Thu Liên, Ha Noi)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Đúng là với mỗi ví điện tử khác nhau thì có chính sách bảo vệ người tiêu dùng khác nhau. Hiện nay chỉ có duy nhất chương trình gắn nhãn tín nhiệm cho website bán hàng (trust mark) “Ngân lượng đảm bảo” là có cam kết bồi thường  100% số tiền cho người tiêu dùng khi mua hàng tại website được ngân lượng gắn nhãn. Một phần lý do là nganluong.vn là ví điện tử chuyển dùng cho thanh toán thương mại điện tử đầu tiên và duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.

live_interview-1377246871_480x0.jpg
Ông Nguyễn Hòa Bình

– Thưa ông Bình, nếu tôi mua hàng trên website được chứng thực đảm báo mà giao dịch không thành công, thì để được hoàn tiền lại tôi có bị mất chi phí gì không? (Minh Huyền, 27 tuổi, Ha Noi)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Bạn sẽ không mất bất kỳ chi phí gì để được hoàn lại tiền khi giao dịch không thành công.

– Theo tôi nhận định, người Việt Nam thường có tâm lý ngại thanh toán online phần nhiều do:
1. Không tin tưởng vào nơi bán hàng
2. Không tin tưởng chất lượng hàng hóa.
Nên họ thường chọn cách là thanh toán khi giao hàng.
Vậy Bộ Công thương hoặc Hiệp hội TMDT có biện pháp gì để tuyên truyền hoặc tạo niềm tin cho người mua hàng online không?
(Hoàng Hưng, 36 tuổi, Hà nội)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Một trong những phương thức cơ bản nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua hàng online là nâng cao chất lượng hoạt động, thực thi cam kết, chính sách của các website thương mại điện tử. Các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử mới đây đều đặt trọng tâm về vấn đề này. Ngoài ra, việc khuyến khích người tiêu dùng nhận diện và thực hiện mua bán trên các website có nhãn chứng thực uy tín cũng giúp người tiêu dùng có định hướng tốt hơn với phương thức giao dịch mới này. Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử – SafeWeb nhằm bảo vệ lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và hướng tới sự phát triển lành mạnh của thương mại điện tử. SafeWeb cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Tổ chức nhãn uy tín thế giới (WTA).

– Cho em hỏi Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao có xây dựng hotline để người dân liên hệ khi gặp sự cố về mua sắm online? (Lan Ngọc, 34 tuổi, Bình Dương)

– Ông Lê Minh Loan: Khi gặp sự cố về mua sắm online, trước hết, người dân cần liên hệ với admin (quản trị mạng) của website, diễn đàn mua sắm đó để xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan. Nếu không giải quyết được, khách hàng có thể liên hệ với Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công thương hoặc toà án kinh tế để giải quyết. Cục Cảnh sát phòng chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao (C50) tiếp nhận, xác minh, điều tra các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong hoạt động mua bán trực tuyến. Rất tiếc hiện nay C50 chưa có số hotline dành cho người dân tuy nhiên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhanh chóng xây dựng, công bố webiste để tiếp nhận kịp thời các thông tin về tội phạm sử dụng công nghệ cao. 

live_interview-1377248234_480x0.jpg
Ông Lê Minh Loan

– Hiện nay trên mạng có một số website có ghi là đã đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử, không biết những website này có gì khác với những website chưa đăng ký không, liệu có phải bắt buộc mọi website bán hàng trực tuyến là phải đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử không? (Thanh Lan, 35 tuổi, Hà Nội)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP (ban hành 16/5/2013) về thương mại điện tử, các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bắt buộc phải tiến hành các thủ tục hành chính thông báo hoặc đăng ký đối với Bộ Công Thương. Nghị định có quy định đối với hai loại hình website, website thương mại điện tử bán hàng (website được thiết lập để bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của chính mình) thì phải tiến hành thủ tục thông báo và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (website được thiết lập cho phép người khác không phải chủ sở hữu website tiến hành bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến, website đấu giá trực tuyến) thì phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương. Bộ cũng đã ban hành Thông tư 12/2013/TT-BCT (ngày 20/6/2013) nhằm hướng dẫn quy trình thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử, doanh nghiệp nên tham khảo những văn bản pháp luật này trước khi tiến hành các thủ tục cần thiết với Bộ.

– Qua 2 trường hợp khách hàng bị mất tiền sau khi bị mất sim điện thoại gần đây, theo ông thì với một quy trình giao dịch và thanh toán mà khách hàng chỉ cần nhập số thẻ, tên chủ thẻ và ngày hiệu lực thẻ, sau đó nhận mật khẩu OTP qua số di động là đã có thể thực hiện giao dịch thì có quá đơn giản và nhiều kẽ hở? (Trần Phùng Tuấn, 29 tuổi, Vinh)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Như trong sự cố mà bạn đề cập, trước hết phải thông báo với bạn rằng: nghi phạm đã bị bắt giữ. Điều đó khẳng định rằng đối với tội phạm trên mạng, mọi dấu vết và chứng cứ đều được lưu trữ và có thể truy cứu. Vì vậy, bạn hãy yên tâm là cho dù bất kỳ sự cố nào xảy ra thì vẫn có thể được làm rõ.

Với trường hợp cụ thể mà bạn nêu, đúng là quy trình giao dịch thanh toán trực tuyến của ngân hàng mà chủ thẻ sử dụng có điểm tiện lợi hơn so với các ngân hàng khác khi bỏ qua bước nhập user name/password Internet banking. Tuy nhiên, theo tôi, sự cố này đến từ một chuỗi các nguyên nhân (từ chủ thẻ, quy trình giao dịch thanh toán, quy trình cấp lại sim của nhà mạng…), chứ không của riêng ai.

Nếu nhìn vào quy trình giao dịch thanh toán trực tuyến và thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế thì sự “tiện lợi” còn lớn hơn khi người mua chỉ cần nhập thông tin thẻ và mã bảo mật, thậm chí không có OTP. Kinh nghiệm bảo mật của các hệ thống thanh toán trực tuyến lớn trên thế giới như Paypal thì cho phép chủ thẻ liên kết thẻ nội địa và quốc tế của mình vào một ví điện tử để thanh toán. Nhờ vậy, giao dịch sẽ trở nên an toàn hơn nhiều, do người mua dùng ví điện tử để giao dịch với người bán, chứ không dùng trực tiếp thẻ.

Hiện nay tại Việt Nam, ví điện tử do người Việt Nam phát triển được Ngân hàng Nhà nước cấp phép như nganluong.vn cũng đã thực hiện được chức năng trên cho thẻ quốc tế và đang hỗ trợ cho các ngân hàng trong nước triển khai công nghệ này.

– Đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao thì chứng cứ phạm tội thường là các chứng cứ điện tử, dễ mất dấu vết và khó khôi phục, vậy việc này có gây khó khăn gì trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này không thưa ông? (Thanh Nga, 35 tuổi, Hà Nội)

– Ông Lê Minh Loan: Đúng như câu hỏi của bạn. Việc thu thập chứng cứ và dấu vết điện tử trong quá trình điều tra các vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao rất khó khăn, nhiều vấn đề chưa được bổ sung quy định trong bộ luật tố tụng hình sự. Để tháo gỡ những khó khăn trên, thông tư liên ngành số 10/2012 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin truyền thông, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao đã hướng dẫn áp dụng quy định của bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Những khó khăn vướng mắc như quy trình  thu thập chứng cứ, dấu vết điện tử, xác định người bị hại sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi bổ sung trong thời gian tới.

– Hiện nay rất nhiều website thương mại điện tử có sử dụng các chứng thực từ các tổ chức khác, liệu có thể tin tưởng vào các tổ chức này không? (Nguyễn Văn Tuấn, 40 tuổi, Đà Nẵng)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Tôi không rõ bạn đang hỏi về việc gắn nhãn tín nhiệm cho website bán hàng (trust mark) hay loại chứng thực nào khác. Đối với trust mark thì bạn chỉ nên tin vào các nhãn tín nhiệm của các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động. Vì chỉ những đơn vị đó mới hoạt động đúng theo quy định của Pháp luật, báo cáo với cơ quan Nhà nước và phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Ngược lại, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tự đề ra một cái nhãn uy tín của mình mà không có ai quản lý, giống như những sự việc bùng nổ giải thưởng hoặc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu mà các cơ quan chức năng và báo chí đã cảnh báo.

– Có một số website trong nước ghi: “Được chứng nhận giao dịch an toàn bởi SafeWeb”. Vậy SafeWeb là gì và nó là của công ty tư nhân hay tổ chức nào? (Trần Mạnh Tuấn, 35 tuổi, TP HCM)

– Bà Bùi Thanh Hằng: SafeWeb là Hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ www.safeweb.vn do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương triển khai nhằm thẩm định, đánh giá đối tượng gồm: website thương mại điện tử B2C, sàn giao dịch thương mại điện tử và nhóm mua. Như tôi đã đề cập ở trên, tất cả các website gắn nhãn SafeWeb đều được đã thẩm định đảm bảo 5 nguyên tắc sau:

1. Xây dựng niềm tin: đảm bảo các chủ thể website công bố đầy đủ thông tin trung thực và website đã hoạt động được ít nhất 12 tháng.

2. Bảo vệ thông tin cá nhân: mọi thông tin cá nhân của khách hàng khai báo trong suốt quá trình thực hiện giao dịch trực tuyến đều được bảo mật và không tiết lộ cho bên thứ 3.

3. Thực hiện giao kết hợp đồng: mọi chính sách từ quy trình mua hàng, thanh toán, giao hàng, bảo hành, đổi hàng đều phải được nêu rõ theo các quy định của SafeWeb.

4. Quảng cáo trung thực: mọi thông tin của chương trình quảng cáo, khuyến mại đều được hiển thị rõ ràng, đầy đủ như số lượng, giá cả chi tiết, giới hạn địa lý nếu có, v.v…

5. Giải quyết khiếu nại: mọi website phải có chính cách giải quyết khiếu nại, khiếu kiện cho khách hàng trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Mục tiêu cao nhất mà SafeWeb hướng tới là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trong môi trường trực tuyến và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thương mại điện tử Việt Nam.

– Ông có thể cho biết một vài thủ đoạn lừa đảo thường gặp của loại tội phạm này cũng như cách thức tấn công của chúng về mặt công nghệ trong thanh toán trực tuyến? (Đức Tuân, 40 tuổi, Hà Nội)

– Ông Lê Minh Loan: Một số thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến thường gặp là quảng áo pop-up phầm mềm virus giả mạo, gửi email giả mạo và lừa đảo, xây dựng các trang web giả mạo, đăng tin bán sản phẩm giá rẻ… 

1. Quảng cáo pop-up phần mềm diệt virus giả mạo:

Người dùng máy tính nhận được các thông điệp cảnh báo về tình trạng lây nhiễm virus hay nội dung bất hợp pháp trong máy tính. Khi người dùng click chuột vào quảng cáo này, mã độc sẽ tự động tải xuống. Tiếp đó, họ sẽ được chỉ dẫn mua một phần mềm diệt virus nào đó để phục hồi cho máy tính. Trường hợp người dùng chấp nhận, đó chính là cách họ tự chuốc họa vào thân khi tải về máy hàng tá mã độc chứa trong phần mềm.

2. Gửi email giả mạo (có email gửi là địa chỉ của nhà cung cấp tài khoản thanh toán trực tuyến) với nội dung thông báo giao dịch bị từ chối hoặc tài khoản bị khóa, qua đó yêu cầu chủ tài khoản phải cung cấp các thông tin cá nhân, trong đó có thông tin để kích hoạt hoặc mở lại tài khoản.

3. Gửi email có nội dung thông báo khách hàng trúng thưởng và yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin về tài khoản thanh toán trực tuyến để nhận tiền thưởng.

4. Tạo trang web với mục đích yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản thanh toán trực tuyến như trang web việc làm …

5. Tạo trang web có giao diện gần giống trang web của đơn vị cung cấp tài khoản thanh toán để người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp và nhập các thông tin về tài khoản.

6. Đăng tin bán sản phẩm giá rẻ: Đối tượng đăng các tin trên các trang rao vặt với nội dung bán sản phẩm với giá rẻ hơn rất nhiều giá trị thật của sản phẩm, khi khách hàng có nhu cầu mua chúng sẽ yêu cầu khách hàng thanh toán trước toàn bộ hoặc thanh toán trước 1 phần tiền sau đó sẽ chuyển hàng.

– Xin cho hỏi có nên trả tiền trực tiếp vào tài khoản của người bán hay sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán của bên thứ ba, nếu dùng nhà cung cấp dịch vụ thì người dùng có tốn chi phí hay không? (Minh Nhật, 40 tuổi, Ninh Thuận)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Sau khi bạn đã trả tiền thanh toán vào tài khoản của người bán thì rất phụ thuộc vào “lòng tốt” của họ có chuyển hàng cho bạn hay không. Và nếu họ không chuyển hàng hoặc chuyển hàng không đúng mô tả thì bạn sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian để theo đuổi vụ kiện. Nhiều khả năng, bạn là người chịu thiệt hại vì một khi tiền đã vào tài khoản của người bán thì rất khó để có thể đòi lại được.

Chính vì vậy, các hệ thống trung gian thanh toán ví điện tử được thiết kế để bảo vệ người mua với hình thức thanh toán tạm giữ và gắn nhãn tín nhiệm chứng thực uy tín website bán hàng. Người mua hàng sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào khi sử dụng các hình thức thanh toán an toàn này. Tuy nhiên, sẽ vẫn rất rủi ro nếu bạn thanh toán qua các cổng thanh toán hoặc ví điện tử chưa được nhà nước cấp phép.

live_interview-1377249331_480x0.jpg
Ông Nguyễn Hòa Bình

– Đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao thì chứng cứ phạm tội thường là các chứng cứ điện tử, dễ mất dấu vết và khó khôi phục, vậy việc này có gây khó khăn gì trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này không thưa ông? (Phước Khang, 35 tuổi, TP HCM)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Theo kinh nghiệm về việc vận hành hệ thống thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến tại Việt Nam trong gần 10 năm qua, đã phối hợp với cơ quan pháp luật giải quyết nhiều sự cố thì tôi thấy rằng: các chứng cứ điện tử trên không gian ảo đều có giá trị rất tốt trong việc tìm ra những các đầu mối và thủ phạm ở ngoài đời thực. Chính vì vậy nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm giao dịch qua mạng bởi trong trường hợp không may có sự cố thì thủ phạm trước sau gì cũng sẽ bị tìm ra và xử lý trước pháp luật.

– Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình điều tra và xử lý loại tội phạm công nghệ cao? (Nguyễn Quỳnh Anh, 30 tuổi, TP HCM)

– Ông Lê Minh Loan: Tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam diễn biến tương đối phức tạp và đa dạng về thủ đoạn, trong quá trình phát hiện, xác minh, điều tra gặp phải một số khó khăn như:

– Thu thập thông tin về người bị hại: Tội phạm sử dụng công nghệ cao thường lừa đảo  nhiều người nhưng số tiền bị mất cũng nhiều. Ngoài ra, người bị hại và tội phạm thường giao dịch trên Internet nên không biết nhau hoặc nhiều người ngại hoặc không biết đến đâu để tố giác. Do đó, việc tìm, xác định người bị hại rất khó. 

– Chứng cứ thu thập của các vụ án đối với loại tội phạm này thường là chứng cứ điện tử nên việc thu thập, phục hồi, phân tích gặp rất nhiều khó khăn, phải đảm bảo toàn vẹn dữ liệu nên việc điều tra đòi hỏi phải bí mật, tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc, quy định về pháp luật.

– Đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này thường là những người có hiểu biết, trình độ tin học. Do vậy đây cũng là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng.

– Đối tượng phạm tội hoạt động theo nhóm có sự móc nối với các đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố và các quốc gia, do đó đòi hỏi công tác điều tra phải có sự phối hợp với lực lượng chuyên trách của cảnh sát các nước…

– Làm sao để biết các thông tin về tài khoản thanh toán của mình được bảo mật khi đăng ký tại các website mua bán online? Trong trường hợp thông tin bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp bởi bên thứ 3 và gây thiệt hại cho khách hàng thì cần phải thông báo cho ai và bên nào chịu trách nhiệm giải quyết? (Phùng Anh, 35 tuổi, Hà Nội)

– Bà Bùi Thanh Hằng: Chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng mua hàng trên những website có công bố chính sách bảo vệ thông tin cá nhân một cách rõ ràng, chi tiết như sau: chủ sở hữu website có trách nhiệm thông báo về việc thu thập thông tin, cách thức thu thập và loại thông tin cũng như mục đích sử dụng. Chủ website phải có chính sách tự phòng vệ đối với toàn bộ thông tin mà khách hàng khai báo trong quá trình mua bán trực tuyến. Đồng thời chủ sở hữu website phải có trách nhiệm đảm bảo bên thứ 3 có liên quan lưu giữ thông tin trong quá trình thực hiện giao dịch trực tuyến. Ngược lại, người tiêu dùng có quyền được truy cập chỉnh sửa nguồn thông tin của mình đã lưu lại. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn việc tiết lộ thông tin của mình cho bên thứ 3.

Việc đầu tiên khi bị rò rỉ hoặc đánh cắp thông tin, bạn cần liên hệ với chủ sở hữu website đó. Ngoài ra bạn có thể gửi khiếu nại tới các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan hoặc đơn vị chứng thực uy tín mà website đó được cấp. Bảo vệ thông tin cá nhân là một trong 5 nguyên tắc hoạt động của hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử Việt Nam – SafeWeb. 

– Cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả. Xin được hỏi các chuyên gia một câu: Nếu nói một cách khái quát nhất thương mại điện tử của Việt Nam, các vị sẽ nói gì? Nếu tôi tham gia môi trường ảo, tôi cần chuẩn bị những gì để không gặp những rủi ro có thể xảy ra. Và khi gặp sự cố tôi cần tìm đến ai. Xin hỏi cả 3 vị khách mời. (Tuấn Anh, 45 tuổi, Hà Nội)

– Ông Nguyễn Hòa Bình: Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ và là một trong những thị trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Đi cùng với phát triển bao giờ cũng có mặt trái, đó là sự lạm dụng, lừa đảo. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại các website đã được gắn nhãn tín nhiệm của bên thứ 3 có uy tín và đã được Nhà nước cấp phép, chỉ thanh toán thông qua các ví điện tử trung gian để được bảo vệ trong những trường hợp bị lừa đảo hoặc thanh toán khi nhận hàng (COD).

Đối với các doanh nghiệp, chúng ta nên tự phân biệt các website của mình với các website bán hàng khác bằng cách trang bị chứng thực uy tín trust mark để tạo niềm tin cho người tiêu dùng và tăng trưởng doanh thu.

Chúc tất cả các bạn mua bán an toàn và thụ hưởng được nhiều tiện ích từ thương mại điện tử. Nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc gì, các bạn có thể liên hệ với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tại website www.vecom.vn để được trợ giúp.

– Bà Bùi Thanh Hằng: Hành lang pháp lý về thương mại điện tử của Việt Nam đang ngày được hoàn thiện để phù hợp với tốc độ phát triển thực tế của các mô hình kinh doanh trực tuyến. Tôi cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước đang hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể tham gia. Các hoạt động của tổ chức nhãn tín nhiệm ngày càng được phổ biến sẽ giúp tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng đối với phương thức kinh doanh trực tuyến. Các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng đang nỗ lực nâng cao các cam kết và chất lượng dịch vụ. Tất cả những điều này sẽ giúp thương mại điện tử Việt Nam phát triển rực rỡ trong thời gian tới.

Khi gặp sự cố, các bạn có thể tìm đến các cơ quan chức năng có liên quan, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để chia sẻ và được trợ giúp.

– Ông Lê Minh Loan: Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ngành kinh tế, giúp người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí. Để tham gia hoạt động thương mại điện tử an toàn, hiệu quả, mỗi người dân cần phải thận trọng, tìm hiểu và nâng cao cảnh giác trước khi tham gia hoạt động giao dịch thương mại điện tử. Chúc mọi người tích cực tham gia mua sắm trực tuyến, nhận được nhiều lợi ích từ loại hình giao dịch mua bán này và mua bán online an toàn.

live_interview-1377250348_480x0.jpg
Ông Lê Minh Loan

Xin ông cho biết hiện nay tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

(Thanh Hương, 28 tuổi, Hưng Yên)

– Ông Lê Minh Loan: Trong bộ luật hình sự bổ sung sửa đổi năm 2009, tội phạm sử dụng công nghệ cao được quy định tại các điều 224, 225, 226, 226a, 226b. Trong đó Điều 226 tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet có khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc từ 2 đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm. 

Điều 226 b tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”

Quy định khung phạt tù từ một năm đến năm năm; từ ba năm đến bảy năm; từ bảy năm đến mười lăm năm; từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net

Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi webmaster viet nam

Filed in: Tin Tức Tags: 

Get Updates

Share This Post

Recent Posts

Khởi nghiệp | Dạy học chơi đánh đàn guitar ở sài gòn | Trắng răng an toàn | Dạy học biểu diễn múa bụng bellydance sài gòn | Bảo hiểm sức khỏe | Chụp hình ảnh 360 độ | Ship hàng taobao hcm | Công ty dịch thuật | Máy tính tiền | Nấm linh chi | Bao da ốp lưng điện thoại | Shop mua bán bài tarot