Vụ tấn công mới nhất của lực lượng quân đội Ai Cập nhằm vào những người biểu tình ở thủ đô Cairo đã một lần nữa phủ bóng đen lên giấc mơ về nền chính trị dân chủ và tự do ở quốc gia Bắc Phi này.
Người biểu tình dùng mọi thứ họ có thể để tránh những loạt đạn của quân đội. Ảnh: AP |
6 tuần sau ngày tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, ông Mohamed Morsi, bị lật đổ, người dân nước này lại phải tiếp tục chứng kiến một vụ thảm sát đẫm máu, theo sau hàng loạt các hành động đe dọa của chính phủ. Với thời gian kéo dài tới hơn 12 giờ, cùng sự xuất hiện của xe bọc thép, xe ủi, lính bắn tỉa và súng xịt hơi cay, mức độ tàn bạo của vụ đàn áp đã vượt xa những lời hứa hẹn của bộ nội vụ Ai Cập về một quốc gia bình yên trong tương lai.
Ít nhất một người biểu tình đã bị thiêu cháy, trong khi hàng trăm người khác, bao gồm cả các thiếu niên, bị bắn vào đầu và ngực. Ngay cả con gái của lãnh tụ tổ chức Anh em Hồi giáo, ông Mohamed el-Beltagy, cũng bị sát hại, dù mới 17 tuổi.
“Những người tử vì đạo, đường này”, một bác sĩ gào lên khi thấy sự xuất hiện của những thi thể mới trong bệnh viện. Ông cho biết, chỉ trong vòng 15 phút sau khi xảy ra vụ tấn công, số người chết được đưa vào nhà xác đã tăng từ hai lên 13. Máu từ cơ thể của những nạn nhân xấu số chảy dọc hành lang bệnh viện và nhuộm đỏ áo của các y bác sĩ.
Adli Mansour, tổng thống lâm thời của Ai Cập, do tướng Abdul-Fattah el-Sisi bổ nhiệm, hôm qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành thiết quân luật, áp đặt lệnh giới nghiêm sau 7 giờ tối, đóng cửa mọi ngân hàng và tạm dừng dịch vụ đường sắt bắc – nam.
Tổ chức Anh em Hồi giáo, tập trung ủng hộ cựu tổng thống Morsi, một mặt phản đối tình trạng bạo lực, mặt khác kêu gọi người dân trên khắp đất nước tăng cường những cuộc biểu tình, tiến về các trại tập trung và chống đối cảnh sát bằng gạch, đá và vũ khí tự chế.
Xung đột thậm chí còn nổ ra ở những địa điểm cách xa khu biểu tình, để lại đám đông dân thường sợ hãi và những con phố đổ nát không bóng người. Bức xúc trước những gì vừa xảy ra ở thành phố Cairo, người Hồi giáo đã lao vào tấn công ít nhất 10 trạm cảnh sát trên khắp đất nước và khiến hơn 40 người thiệt mạng.
Họ cũng dồn sự tức giận sang những người theo đạo Thiên chúa, đập phá và thiêu trụi 7 nhà thờ, theo thống kê của bộ nội vụ. Trong khi đó, bộ y tế nước này cho biết, đã có 235 dân thường bị sát hại và hơn 1.000 người khác bị thương sau những vụ đụng độ. Tuy nhiên, Coptic Christian và nhiều tổ chức nhân quyền khác lại cho rằng, con số thực tế thậm chí còn cao hơn rất nhiều.
Trước áp lực từ vụ tấn công và sự lên án của dư luận quốc tế, phó tổng thống Mohamed ElBaradei, người từng được trao giải Nobel Hòa bình, đã quyết định từ chức.
“Chúng ta vừa rơi vào tình huống đặc biệt nguy hiểm, trước một xã hội có nguy cơ bị phá nát, bởi bạo lực chỉ có thể mang tới bạo lực”, ông ElBaradei viết trong lá thư ngỏ gửi tới tổng thống Adli Mansour. “Đối tượng được hưởng lợi từ chuyện này là những kẻ đã kêu gọi bạo lực, chủ nghĩa khủng bố và các tổ chức cực đoan “, ông viết.
Theo giới phân tích, vụ tấn công là một minh chứng rõ ràng cho thấy thái độ cũng như tư tưởng chống đối của lực lượng quân đội Ai Cập. Họ xuất hiện với số lượng lớn và tần suất dày đặc, không màng tới lời kêu gọi của các quan chức nội các như ông ElBaradei và lờ đi lời cảnh báo từ những ngoại giao phương Tây.
“Đây là sự khởi đầu của một cuộc đàn áp có hệ thống, nhằm vào Anh em Hồi giáo, người biểu tình và những cá nhân sẵn sàng đối đầu lực lượng quân đội”, Emad Shahin, giáo sư về khoa học chính trị tại trường Đại học American, Cairo, nói.
“Cuối cùng, phương Tây sẽ lại đứng về phe chiến thắng”, ông kết luận.
Vụ tấn công diễn ra từ 7 giờ sáng hôm qua (theo giờ địa phương), khi một nhóm cảnh sát bắt đầu phun hơi cay vào người biểu tình và đưa xe ủi vào những khu lều. Bất chấp tuyên bố sẽ di chuyển chậm rãi và chừa ra một lỗi thoát cho các nạn nhân, ngay từ khi thực hiện vụ đàn áp, lực lượng quân đội đã tiến hành phong tỏa khu trại chính, được đặt ngay gần nhà thờ Hồi giáo Rabaa al-Adawiya, đồng thời bố trí hàng loạt các tay súng bắn tỉa quanh đó, sẵn sàng nã đạn vào bất cứ ai đang cố gắng chạy trốn.
“Chúng tôi không còn đường lùi”, Mohamed Abdel Azeem, 25 tuổi, người đã vượt qua làn đạn để chạy tới bệnh xá, cho biết.
Một người biểu tình ngồi khóc bên thi thể của những đồng đội. Ảnh: AFP |
Tình hình chỉ tạm lắng lại cho tới cuối buổi chiều, khi đám đông người Hồi giáo tạo được một lối thoát đủ an toàn tới bệnh viện. Khoảng vài chục mét quanh đó vẫn có sự xuất hiện của những tay súng bắn tỉa, trong khi hàng loạt người biểu tình từ khắp nơi trong thành phố bắt đầu tập hợp lại quanh khu trại.
Tuy nhiên, ngay trước khi hoàng hôn buông xuống, binh lính và cảnh sát đã kịp tăng cường lực lượng, và ép những người biểu tình cuối cùng ra khỏi nơi trú ẩn của họ.
Ba phóng viên đã thiệt mạng trong vụ tấn công, trong đó có một quay phim của Sky News – mạng tin tức có trụ sở tại Anh, một nhà báo đến từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và một phóng viên Ai Cập. Nhiều người khác đã bị tống giam trong lúc đang tác nghiệp.
Trái với thảm cảnh được báo chí phương Tây ghi lại, hãng thông tấn nhà nước Ai Cập lại cho biết, bạo lực đã được kiểm soát và cảnh sát đã dọn sạch các khu trại “theo một cách rất văn minh”. Xuất hiện trên truyền hình, bộ trưởng bộ nội vụ Mohamed Ibrahim cho hay, quân đội của ông “tập trung vào việc duy trì sự tự kiểm soát ở mức độ cao nhất”.
Cũng theo truyền thông Ai Cập, cảnh sát nước này đã phát hiện rất nhiều thành viên của lực lượng biểu tình mang theo súng ống, đạn dược, và cất giấu chúng trong những khu lán trại ngay trước vụ tấn công. Tuy nhiên, sự thật do các nhà báo quốc tế tìm thấy lại hoàn toàn trái ngược với tuyên bố này. Mặc dù đã tìm thấy ít nhất một vài người Hồi giáo đem theo súng đạn trong ngày hôm qua, nhưng các phóng viên vẫn không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy người Hồi giáo đã dự trữ một lượng lớn vũ khí bên trong trại.
Đêm xuống cũng là lúc những người Hồi giáo tạo ra một khu vực biểu tình mới bên ngoài một nhà thờ ở Cairo và trên khắp đất nước, bất chấp lệnh giới nghiêm của chính phủ và tuyên bố sẽ đập tan bất cứ tổ chức chống đối nào khác của ngài bộ trưởng nội vụ.
“Rabaa giờ chỉ còn là đống tro tàn”, Jihad Khalid, 20 tuổi, nói về thánh đường của người Hồi giáo, Rabaa al-Adawiya. “Cảnh sát để phụ nữ đi và bắt hết đàn ông”, Khalid cho biết, nói thêm rằng một cảnh sát đã bảo cô hãy chạy ngay đi khi còn có thể.
“Tôi đáp: ‘Tôi sẽ không đi đâu cả’, và anh ta trả lời, ‘Cô nên biết rằng tôi có thể giết cô ngay bây giờ’.”
Quỳnh Hoa (Theo NY Times)
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng seo