Kết thúc Tuần lễ khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và vợ chồng GS Trần Thanh Vân lập bài toán lâu dài để Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) xứng tầm là “điểm hẹn khoa học” quốc tế.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh vừa kiến nghị với Chính phủ, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Giáo dục & đào tạo quan tâm hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2 cho Trung tâm ICISE xứng tầm là “điểm hẹn khoa học” quốc tế. Trong tháng này, tỉnh Bình Định sẽ có buổi làm việc với Bộ Khoa học & Công nghệ để bàn giải pháp cụ thể để phát triển ICISE.
Hàng trăm nhà khoa học quốc tế nghe các nhà Vật lý đoạt giải Nobel thuyết trình về khoa học cơ bản. Ảnh: Trí Tín. |
“Đây là công trình mang tính khoa học, giáo dục đa ngành nên cần khai thác làm thế nào mang lại hiệu quả cao nhất. Không thể để một công trình hoành tráng thế này mà mỗi năm chỉ diễn ra vài cuộc hội nghị, hội thảo là rất lãng phí”, ông Lộc trăn trở.
Giai đoạn 1, Trung tâm ICISE được hai vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc tích góp, dành dụm đầu tư 2 triệu USD. Phía tỉnh Bình Định cũng đã thêm vào 35 tỷ đồng mở đường dẫn từ quốc lộ 1A về trung tâm, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, nước, cây xanh, đền bù giải tỏa và bố trí mặt bằng 20 ha “đất vàng” ven biển ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.
Hiện tại, Trung tâm đã hoàn thành nhiều hạng mục, gồm tòa nhà hội nghị với hội trường lớn, các phòng hội thảo và văn phòng dành cho học tập và nghiên cứu, phòng chiếu thiên văn học, phòng triển lãm, thư viện. Ngoài ra, ICISE còn có bếp ăn gắn với dãy nhà ăn rộng rãi hài hòa với không gian thiên nhiên thoáng đãng có thể cùng lúc phục vụ khoảng 300 nhà khoa học.
Khu nhà khách của trung tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với kiến trúc cột thanh nhã, ngang tầm những hàng dừa, tòa nhà trung tâm nổi bật lên giữa không gian xanh thoáng đãng, bên cạnh là dòng sông hiền hòa, thơ mộng tiếp giáp với bãi biển phía trước.
Các nhà khoa học quốc tế vừa ăn trưa vừa chia sẻ ý tưởng nghiên cứu khoa học thoải mái ở Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) thoáng đãng, hài hòa với không gian sinh thái xung quanh. Ảnh: Trí Tín. |
Theo ông Lộc, để duy trì hoạt động thường xuyên cho Trung tâm, tỉnh Bình Định dự kiến kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu khách sạn 4 sao kết nối với quần thể resort nghỉ dưỡng xung quanh. Lựa chọn đơn vị chuyên nghiệp quản lý vừa tổ chức sự kiện hội nghị, hội thảo khoa học, giáo dục trong nước, quốc tế vừa thu hút khách du lịch khắp nơi đến đây tham quan để nuôi bộ máy cho ICISE phát triển lâu dài.
Trung tâm này có vai trò rất lớn trong việc nâng vị thế TP Quy Nhơn trong bản đồ khoa học và du lịch quốc tế. Thông qua giúp đỡ của vợ chồng GS Vân, các nhà khoa học kiệt xuất của thế giới đến đào tạo cán bộ cho trường Đại học Quy Nhơn hoặc hợp tác đưa sinh viên, cán bộ trẻ đào tạo ở nước ngoài. Trong tương lai gần, không chỉ Đại học Quy Nhơn được nâng lên xứng tầm là trường đại học trọng điểm khoa học cơ bản khu vực miền Trung mà mặt bằng giáo dục, khoa học Việt Nam cũng có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nhanh chóng.
Lo bài toán lâu dài cho Trung tâm, vợ chồng GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” cũng đang lên kế hoạch phát triển ICISE xứng tầm “điểm hẹn khoa học” quốc tế.
“Nhiều thành viên trong Hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” của chúng tôi đã có nhã ý tình nguyện góp vốn đầu tư cho giai đoạn 2 của ICISE. Vấn đề kêu gọi tiền đầu tư không khó mà vợ chồng tôi đang chọn những người ủng hộ vốn cho trung tâm này phải thật sự đam mê, chân thành vì nền khoa học phát triển Việt Nam”, GS Lê Kim Ngọc (phu nhân GS Vân) lạc quan.
GS Trần Thanh Vân(trái), người sáng lập ra Hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” trò chuyện cùng GS David J. Gross, nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2004. Ảnh: Trí Tín. |
Trong khi đó, GS Vân tính toán, kết thúc Tuần lễ khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9, năm 2014, ít nhất có 3 hội nghị khoa học mang tầm quốc tế sẽ được tổ chức tại ICISE với sự tham gia nhiều nhà khoa học. Ba hội nghị này sẽ kéo dài khoảng 3 tuần. Nếu nơi đây có khách sạn, resort nghỉ dưỡng thì Trung tâm sẽ trở thành địa điểm “lý tưởng” cho các hội nghị, hội thảo quốc tế. Các nhà khoa học nghỉ ngơi tại chỗ ở ICISE, sáng ra có thể tắm biển, dùng bữa điểm tâm rồi làm vào cuộc việc ngay đỡ mất thời gian di chuyển đường xa.
“Giai đoạn đầu, Trung tâm gặp không ít khó khăn nhưng tôi tin bạn bè quốc tế sẽ giúp đỡ, Chính phủ quan tâm hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2 cho ICISE thì tương lai gần nơi đây sẽ trở thành điểm hội tụ các nhà khoa học trên thế giới”, GS Vân khẳng định.
GS Vân cho rằng, ICISE ra đời có ý nghĩa phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế trình độ cao.
Nhận định về vai trò ICISE, GS Sheldon Lee Glashow, nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 1979 ví von, Trung tâm ICISE kỳ diệu này được xây dựng dành cho giáo dục, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên và nhà khoa học trẻ Châu Á.
“Những khám phá khoa học mới nhất sẽ được thông báo thường xuyên ở đây nhằm khuyến khích những nghiên cứu thông qua hợp tác và trao đổi thông tin quốc tế. Đó là cách các nước trên thế giới làm việc cùng nhau”, GS Glashow nhấn mạnh.
Trí Tín
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi webmaster viet nam