Chính phủ xin Quốc hội thông qua việc nâng trần bội chi, nhưng đề nghị được đưa ra sau khi tiền đã chi rồi khiến không ít đại biểu băn khoăn.
Tại buổi thảo luận ở tổ về báo cáo kinh tế xã hội 5 năm của Chính phủ ngày 24/10, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhận định việc nâng trần bội chi của Chính phủ là cần thiết nếu muốn có thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên, bà đặt ra câu hỏi về kỷ luật tài chính khi mà Chính phủ tiêu tiền xong mới xin Quốc hội cho phép.
Nghị quyết của Quốc hội thông qua cuối năm ngoái quy định bội chi ngân sách năm 2013 không vượt quá 4,8%. Trong báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đầu kỳ họp này, mức bội chi năm 2013 dự toán 5,3%. “Vậy con số chênh lệch như trên ai duyệt, ai quyết, Chính phủ lấy tiền từ đâu ra, là những câu hỏi cần phải trả lời, đại biểu Nguyệt Hường nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng đáng lẽ kinh tế càng khó khăn, càng phải thắt chặt kỷ cương. Thực tế cho thấy Chính phủ chỉ đạo không khởi công các công trình mới nhưng nhiều địa phương vẫn cứ thực hiện. Việc truy thu thuế cũng hết sức lỏng lẻo. Dư nợ thuế VAT chưa bao giờ như năm nay, lên tới 14.000 tỷ đồng, trong khi thời trước cao lắm cũng chỉ 3.000 tỷ đồng.
Một số đại biểu chung quan điểm cho rằng báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ vẫn hơi “hồng” so với thực tế. Như lời đại biểu Nguyễn Đình Quyền một người chỉ khi thấy được mình mắc bệnh như thế nào mới có cách chữa căn bệnh đó.
Với quan điểm trên, cả đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường và đại biểu Nguyễn Đình Quyền đều cho rằng dường như có sự mâu thuẫn giữa con số tăng trưởng GDP và thất thu ngân sách. Trong khi GDP vẫn tăng trưởng 5,4%, chỉ kém 0,1% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra, thì ngân sách thất thu tới hơn 63.000 tỷ.
“GDP tăng trưởng như vậy, không lẽ gì thất thu lớn thế”, bà Nguyệt Hường băn khoăn. Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng cần rà soát lại các con số, vì nếu con số đưa ra mà chưa rà soát hết thì có thể làm sai lệch các nhận định, dẫn đến đưa ra giải pháp không đúng cho nền kinh tế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng không nên lạc quan với con số xuất siêu vì Việt Nam hiện nay xuất khẩu dựa chủ yếu vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu, thì xuất siêu là biểu hiện kinh tế đang trì trệ. Còn bà Nguyệt Hường cho rằng kể số liệu tồn kho giảm dù đúng hay sai cũng không chứng tỏ sức mua thị trường tăng lên, mà là quy mô sản xuất bị thu hẹp, không có nhiều hàng mới nữa.
Đại biểu Trần Du Lịch cảnh báo kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm có thể không đạt được. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Là hai đại biểu có phần phát biểu dài nhất tại phiên thảo luận sáng nay của đoàn Hà Nội, cả bà Nguyệt Hường và đại biểu Nguyễn Đình Quyền đều dành thời gian nói về sự lãng phí ngân sách trong khi đang đặt mục tiêu tiết kiệm. Theo bà Nguyệt Hường, khi theo dõi chi tiết về ngân sách, bà nhận thấy các khoản chi thường xuyên quá cao, đặc biệt là chi cho bộ máy. Trong vòng 3 năm qua, chi thường xuyên tăng từ 53,9% lên 63%. Càng cải cách thì bộ máy ăn lương Nhà nước càng phình ra, bà Nguyệt Hường nhận định.
Còn đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận định hành chính biên chế vẫn hết sức lãng phí khi mà hội thảo, hội nghị, mít tinh diễn ra liên miên, Hiệu quả hành chính ở mức thấp. “Trong một cơ quan, như ngay ở trong Quốc hội này thôi, cũng có thể cắt giảm một phần tư ở những chỗ cần giảm”, ông Quyền nói.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn chỉ ra hai thách thức lớn đối với ngân sách hiện nay, là khó khăn trong việc bố trí vốn phát triển và nợ công có nguy cơ tiệm cận giới hạn an toàn. Các giải pháp như duy trì tổng cầu xã hội, tăng bội chi ngân sách, tăng phát hành trái phiếu chỉ là những giải pháp mang tính tình huống. Theo ông, Việt Nam cần tăng tốc tái cơ cấu nền kinh tế, loại bỏ những phần cơ thế yếu kém.
Thanh Bình – Nguyễn Hưng
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi cộng đồng webmaster