Phiên chào bán 26.000 lượng (tương đương một tấn) sáng thứ ba tuần tới được Ngân hàng Nhà nước công bố từ chiều qua, sớm hơn so với thường lệ, như một thông điệp định hướng về nguồn cung sắp tới cho thị trường.
Theo thông báo, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc cho các bên tham gia đấu thầu vào ngày 13/8 tới là 37,55 triệu đồng mỗi lượng, đúng bằng giá mua của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cuối giờ chiều qua. Giá bán tại đơn vị này lúc đó là 37,85 triệu đồng mỗi lượng.
Khối lượng tối thiểu và tối đa mỗi thành viên được phép đăng ký mua vẫn là 1.000 và 3.000 lượng, không thay đổi suốt một tháng qua, kể từ khi các ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ tất toán trạng thái huy động vàng.
Kinh doanh vàng miếng trong nước hiện lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các phiên đấu thầu. Mỗi khi Ngân hàng Nhà nước giãn tiến độ chào bán hoặc chưa kịp có thông điệp về phiên tiếp theo, giá mua bán trên thị trường lại tăng cao và nới rộng khoảng cách so với thế giới. Thông thường Ngân hàng Nhà nước báo trước một ngày về phiên đấu thầu tiếp theo, hiếm khi cơ quan này thông báo sớm như phiên thứ 52 này. Nửa tháng qua, mỗi tuần Ngân hàng Nhà nước tổ chức 2 phiên đấu thầu, thay vì 3 phiên như thời cao điểm.
Từ cuối tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 51 phiên chào bán vàng, với số lượng bán thành công 1.374.900 lượng (52,8 tấn) trên tổng số 1.478.000 lượng chào thầu. Mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn trước 30/6 là hỗ trợ các ngân hàng có vàng trả cho dân, tất toán trạng thái. Kể từ 9/7, khi các ngân hàng đã hoàn tất nhiệm vụ này, các phiên đấu thầu được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán trên thị trường. Mãi lực thực tế của người dân được cho là không lớn như trước, song hầu hết các phiên đấu thầu đều cháy hàng, một vài phiên gần đây thừa không đáng kể. Trước đây, nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất của thị trường Việt Nam mỗi năm trên dưới 100 tấn.
Kỳ Duyên
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình web