Buông 6 dự án thủy điện, tách khỏi gỗ đá, bán và thanh lọc bất động sản, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức đặt cược cuộc đại phẫu năm 2013 sẽ giúp tập đoàn tiến những bước dài mạnh mẽ và có thể hóa rồng trong vài năm tới.
Tiền thân là một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại Pleiku – Gia Lai thành lập năm 1990, ông Đoàn Nguyên Đức đã cùng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã CK: HAG) trải qua 3 lần tái cấu trúc và trở thành một trong những công ty đa ngành danh tiếng hiện tại ở Việt Nam. Năm 2009, đang nổi trong lĩnh vực bất động sản, bầu Đức quyết định chuyển tập đoàn sang dạng đa ngành, trong đó bất động sản, cao su, thủy điện và khoáng sản là những con át chủ bài.
Lần tái cấu trúc quy mô lớn đầu tiên không dễ dàng, bầu Đức phải đối mặt nhiều thách thức khi kinh tế toàn cầu và trong nước bắt đầu chuyển biến xấu. Chỉ tính riêng quyết định đầu tư cao su tại Lào cũng vấp phải không ít hoài nghi, bị cho là mạo hiểm và đầy phiêu lưu. Khi đó, ông đã phải ban hành nhiều cơ chế khuyến khích cán bộ chủ chốt sang Lào làm việc, chẳng hạn cấp phó đi 2-3 năm sau về lên chức trưởng phòng để xây dựng phòng tuyến mới.
Bầu Đức lấy tư cách cá nhân bảo lãnh cho công ty xử lý nợ An Phú vay hơn 3.000 tỷ đồng để thanh toán các khoản mua công ty con và dự án bất động sản có lợi nhuận thấp làm bàn đạp cho cuộc tái cấu trúc Tập đoàn HAGL năm 2013. Ảnh: Vũ Lê |
Cuối năm 2009, HAGL đạt lãi sau thuế gần 1.287 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2008. Nhưng ngoài khoản lãi này, tập đoàn cũng phải đối mặt với trị giá hàng tồn kho tăng gần 20%, tương đương 2.213 tỷ đồng trong khi các khoản vay, nợ ngắn hạn tăng gấp 2,4 lần, lên 2.991 tỷ đồng.
Để xoay chuyển tình thế, sang năm 2010, bầu Đức quyết định cải tổ HAGL lần hai với phương án tách thành mô hình một công ty mẹ và 5 tổng công ty con. Ngành chủ lực khi đó là cao su, khoáng sản, bất động sản, thủy điện và sản xuất gỗ, trong đó mỗi lĩnh vực được chào bán cổ phiếu riêng biệt.
Theo đó, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh được chuyển thành Tổng công ty bất động sản HAGL Land và là nguồn tạo ra lợi nhuận chính cho tập đoàn trong các năm 2009, 2010 và cả 2011. Bầu Đức khi đó cũng xây 17 dự án thủy điện tại Tây Nguyên, Thanh Hóa và Lào với tổng công suất 420 MW. Ông từng ước tính, khi dự án hoàn thành, tổng sản lượng điện đạt khoảng 1,92 tỷ Kwh và tạo doanh thu trên dưới 1.344 tỷ đồng mỗi năm.
Báo cáo tài chính năm 2010 của HAGL cho thấy, lãi sau thuế 2.222 tỷ đồng, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm 2009. Doanh thu thuần là 4.525 tỷ đồng, chủ yếu đến từ bán căn hộ (2.883 tỷ đồng). Ngoài ra, tập đoàn cũng thu thêm 22,6 tỷ đồng nhờ bán điện.
Dù vậy, hàng tồn kho vẫn tiếp tục tăng 35% so với năm 2009, lên gần 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản vay và nợ ngắn hạn cũng tăng 3,3%, đạt 3.092 tỷ đồng, trong đó, riêng vay ngân hàng chiếm hơn 40%. Cũng trong năm này, thị trường bất động sản đóng băng khiến doanh thu bán căn hộ của bầu Đức giảm 16%, chỉ đạt hơn 2.800 tỷ đồng.
Khu phức hợp của HAGL tại Myanmar là dự án chủ lực hút vốn của tập đoàn trong năm 2013 bên cạnh cuộc đại phẫu toàn diện vừa công bố ngày 19/8. |
Kinh tế tiếp tục khó khăn, bài toán cân đối dòng tiền và giải quyết nợ vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Đến năm 2013, bầu Đức cho biết, HAGL mới được “lên bàn mổ” thật sự và biến tập đoàn thành công trường thanh lý tài sản kém hiệu quả.
Đây cũng là cuộc thay đổi lớn nhất trong hơn 20 năm hoạt động của doanh nghiệp, bầu Đức khẳng định. Thủy điện, gỗ đá, khoáng sản và một số dự án bất động sản ít tiềm năng tại Việt Nam đều bị bán, chia tách, sàng lọc. “Lần này tôi mạnh tay lọc nợ xấu, tinh gọn theo chiều sâu, chấp nhận cắt bỏ cả ngành truyền thống nhưng ít cơ hội (gỗ, đá, khoáng sản, bất động sản), chỉ giữ lại những dự án tiềm năng nhất”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2013, tổng nợ phải trả của HAGL đến ngày 30/6 là 19.367 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,3% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tập đoàn chỉ đạt 12.657 tỷ đồng.
Hôm 19/8, bầu Đức tuyên bố lấy tư cách cá nhân bảo lãnh cho Công ty An Phú – đóng vai trò là công ty xử lý nợ của tập đoàn – vay 3.083 tỷ đồng từ công ty mẹ (HAGL). Số tiền này được dùng vào việc thanh toán các khoản mua công ty con và các dự án bất động sản kém hiệu quả. Việc bảo lãnh này cũng đồng nghĩa ông Đức dùng chính tài sản cá nhân đặt cược vào cuộc đại phẫu năm 2013.
Chia sẻ với VnExpress.net, bầu Đức cho biết: “Lần này tôi rất tự tin với cuộc đại phẫu năm 2013 dù nhiều người cho đây là canh bạc”.
Theo giải thích của Chủ tịch HAGL, dư nợ vay sẽ giảm còn 12.339 đồng, thấp hơn 300 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu. Kế đến, khối tài sản sinh lời thấp sẽ được thanh lý để chuyển hóa thành tiền mặt. Dòng vốn này tiếp tục đưa vào các dự án có hiệu suất sinh lời cao trong bối cảnh HAGL được tiếp cận nhiều cơ hội mới hấp dẫn hơn. Mục tiêu cuối cùng là tập đoàn sẽ chỉ còn lại các công ty con khỏe mạnh, đầy tiềm năng, báo cáo tài chính sạch đẹp, bầu Đức khẳng định.
“Những chuyển biến từ tái cấu trúc cộng thêm mía đường và cao su đã cho doanh thu mẻ đầu tiên năm 2012-2013 sẽ giúp giá cổ phiếu HAG ổn định, thậm chí có cơ hội tăng trưởng mạnh. Từ đó, niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư được củng cố và cơ hội IPO các công ty con của tập đoàn cũng lớn hơn”, ông nói.
Vũ Lê – Tường Vi
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng seo