Tại Hội nghị thượng định G20, lãnh đạo các nước mới nổi tuyên bố sẽ lập một quỹ dự trữ quy mô lớn để đối phó với khả năng Mỹ rút chương trình nới lỏng định lượng (QE3). Trung Quốc đóng góp lớn nhất với 41 tỷ USD.
Hội nghị thượng đỉnh “Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)” đang diễn ra ở St. Petersburg (Nga). Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đã bày tỏ sự lo ngại về các mối đe dọa với kinh tế toàn cầu, như cuộc xung đột tại Syria và nguy cơ Mỹ rút kích thích, Bloomberg cho biết.
Các nước mới nổi (BRICS) tuyên bố sẽ lập quỹ dự trữ 100 tỷ USD để đề phòng ảnh hưởng tiêu cực nếu Mỹ rút chương trình nới lỏng định lượng (QE3) hiện tại. Trung Quốc cam kết đóng góp 41 tỷ USD vào quỹ này. Nga, Ấn Độ, Brazil mỗi nước góp 18 tỷ USD, còn Nam Phi đóng 5 tỷ USD, theo thông báo chính thức tại hội nghị.
Các nước mới nổi sẽ lập quỹ dự trữ 100 tỷ USD. Ảnh: Ria novosti |
BRICS đã giúp kéo kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với tiền tệ lao dốc và dòng vốn nóng rút ra ào ạt sau tuyên bố có thể giảm quy mô gói kích thích 85 tỷ USD mỗi tháng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Trong một báo cáo gửi các lãnh đạo G20, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận xét các nước phát triển đang trở thành cỗ máy tăng trưởng toàn cầu, trong khi các nước mới nổi thì chững lại. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc – Zhu Guangyao nhận xét Mỹ rút kích thích sẽ là thách thức lớn với kinh tế thế giới.
Nguy cơ Mỹ tấn công Syria cũng khiến nhà đầu tư lo lắng nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn. Trong hội nghị, giới chức Trung Quốc và Italy đã lên tiếng cảnh báo can thiệp quân sự vào Syria có thể đe dọa kinh tế toàn cầu.
Trong vai trò chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20, Nga đã yêu cầu Mỹ tìm cách xoa dịu nỗi lo của các nước mới nổi. Tuy nhiên, Victor Bark – Giám đốc quản lý tài sản tại Alfa Capital (Nga) lại cho rằng: “Mỹ chẳng quan tâm đến tình hình các nước mới nổi đâu. Họ sẽ chỉ hành động trên lợi ích của mình thôi”.
Thủ tướng Đức – Angela Merkel cũng thúc giục các ngân hàng trung ương kiềm chế nới lỏng. Bà cho rằng các giảm kích thích là “cần thiết”, nhưng phải thực hiện “từng bước”. Các nước BRICS cũng đang tìm kiếm một lá chắn chống lại “hiệu ứng tiêu cực ngoài dự đoán” từ chính sách tiền tệ của các nước phát triển.
“Các rủi ro mới đang nảy sinh trong những tháng qua. Đối tác của chúng ta đã bắt đầu rút chính sách nới lỏng. Việc này có thể ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế khác”, Tổng thống Nga – Vladimir Putin cho biết đầu phiên họp hôm qua.
Tổng thống Obama đã tuyên bố trước các lãnh đạo G20 rằng việc rút kích thích sẽ được thực hiện dần dần, Bộ trưởng Tài chính Nga – Anton Siluanov cho biết trên Bloomberg. “Mỹ nói rằng việc này sẽ được thực hiện trong giới hạn hợp lý. Đó là động thái hoàn toàn đúng đắn. Phần lớn các nước đang phát triển đều cho rằng rút kích thích cần được thực hiện qua những bước đi cân bằng”.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) – Mario Draghi hôm qua cũng cho biết eurozone sẽ duy trì chính sách nới lỏng chừng nào còn thấy cần thiết. Lãi suất cơ bản cũng sẽ được giữ ở “mức hiện tại hoặc thấp hơn trong một thời gian nữa”.
Thùy Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi diễn đàn seo