Thị trường các nước Đông Nam Á liên tiếp giảm điểm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2001. Nhà đầu tư đã bán ra khoảng 2,2 tỷ USD tại 3 thị trường Thái Lan, Indonesia và Philippines chỉ trong thời gian ngắn.
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á đang biến động vì nỗi lo FED cắt gói nới lỏng định lượng và tình hình chiến sự tại Syria. Ảnh: Bloomberg |
Theo Bloomberg, chứng khoán các nước khu vực Đông Nam Á đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 12 năm qua. Chỉ số MSCI của khu vực mất 11% trong tháng này và giảm 21% tính từ đỉnh 2013 lập ngày 8/5. Tháng 8 đánh dấu lần MSCI Đông Nam Á mất điểm tới 9,1% so với chỉ số MSCI toàn cầu (MSCI All-Country World Index), khoảng cách chênh lớn nhất kể từ tháng 4/2001.
Tại các sàn chứng khoán Thái Lan, Indonesia và Philippines, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 2,2 tỷ USD. Lần lượt các sàn bị rút 1,3 tỷ USD, 570 triệu USD và 347 triệu USD. Nhà đầu tư ồ ạt bán ra do lo ngại dấu hiệu nền kinh tế khu vực tăng trưởng chậm và hoài nghi về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sớm cắt gói nới lỏng định lượng.
Một nguyên nhân quan trọng khác là căng thẳng tại Syria đã đẩy thị trường mới nổi tới tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Tại Đông Nam Á, Philippines dẫn đầu xu hướng giảm điểm với 14% trong tháng 8, tiếp đó là chỉ số Jakarta Composite (Indonesia) rớt 13%, SET Index (Thái Lan) 10%, Straits Times Index (Singapore) 6,8%…
David Poh, trưởng bộ phận quản lý đầu tư của ngân hàng Societe Generale nói: “Các nhà đầu tư có tâm lý lấy tiền về trước, hỏi lý do sau. Trong tương lai gần sẽ ít có ai trở lại thị trường khi tình cảnh chưa ổn thỏa”. Một chuyên gia khác cũng nhận định giờ không phải là lúc tốt để mua vào. Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư Abdul Jalil Abdul Rasheed (công ty quản lý tài sản Invesco, Singapore) cho rằng, nhà đầu tư cần bình tĩnh. “Chúng tôi đang tiến hành nhiều nghiên cứu, đồng thời cố tìm xem đâu là điểm mấu chốt để phục hồi thị trường”.
Nền kinh tế của những nước Đông Nam Á nêu trên đang có biến động. GDP quý II của Thái Lan giảm 0,3% so với quý trước. Chính phủ phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2013 từ 4,2% xuống còn 3,8%. Indonesia cũng xuất hiện dấu hiệu bất ổn khi tỷ lệ lạm phát tăng nhanh nhất 4 năm qua, đồng rupiah yếu nhất từ năm 2009 và thâm hụt cán cân vãng lai cao kỷ lục. Tại Philippines, các cuộc biểu tình phản đối sử dụng ngân sách sai mục đích đã làm dấu lên lo ngại chi tiêu chính phủ sẽ sụt giảm.
Phương Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi webmaster viet nam