VN-Index và HNX-Index có xu hướng giảm vào đầu tuần, sau đó tăng trở lại. Thứ 4 thường là thời điểm chỉ số cùng tăng trên cả 2 sàn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hoạt động được hơn 13 năm, và chỉ số Vn-Index (bắt đầu được tính từ 28/7/2000) đã trải qua khoảng 650 tuần giao dịch. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index bắt đầu được tính từ năm 2006 trở lại đây.
Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong hai ngày đầu tuần, VN-Index đa số giảm giá. Trong tổng cộng 634 phiên giao dịch diễn ra vào ngày thứ 2, có 329 phiên giảm giá, so với 305 lần tăng. Xu hướng giảm được ghi nhận rõ hơn vào ngày thứ 3 khi trong tổng số 574 phiên (do có khá nhiều ngày nghỉ lễ, tết trùng với ngày này), có tới 313 lần Vn-Index bật chỉ báo đỏ.
Ba ngày giao dịch còn lại trong tuần, chỉ số của sàn TP HCM thường lấy lại đà tăng. Trong đó, thứ 6 tăng nhiều nhất, với 360 phiên, thứ 4 có 338 phiên, còn thứ 5 là 307 phiên. Giảm giá ít nhất theo đó cũng vào ngày thứ 6 với 291 phiên.
Trên sàn Hà Nội, sau khoảng 370 tuần giao dịch tính từ năm 2006, HNX-Index cũng có xu hướng giảm vào đầu tuần khá rõ rệt. Trong đó, thứ 2 có 208 phiên giảm, còn thứ 3 với 215 phiên đi xuống.
Tuy nhiên, không giống VN-Index, trong ba ngày còn lại trong tuần, HNX-Index chỉ có thứ 4 là thường lấy lại nhịp tăng, với 197 phiên. Hai ngày thứ 5 và thứ 6, HNX-Index vẫn có mức giảm nhiều hơn tăng, dù mức chênh lệch không quá lớn.
Riêng trong năm 2013, thị trường chứng khoán đã trôi qua khoảng 30 tuần giao dịch kể từ đầu năm. Trong đó, VN-Index vẫn duy trì xu hướng giảm vào ngày đầu tuần. Cụ thể, trong 28 phiên giao dịch ngày thứ 2, VN-Index giảm hơn một nửa, với 15 phiên. Còn trong ngày thứ 3, chỉ số này cân bằng, với 14 phiên tăng và 14 phiên giảm.
Ba phiên cuối tuần, VN-Index thường tăng. Trong đó, tỷ lệ tăng mạnh nhất là vào ngày thứ tư, với 19 phiên tăng, 10 giảm. Ngày thứ 6 có 17 phiên tăng, 12 giảm. Ngày thứ 5, VN-Index tăng giảm chênh lệch không nhiều, với 16 phiên tăng, 14 giảm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có xu hướng tăng vào các ngày thứ 4 và thứ 6, lần lượt có 18 và 16 phiên tăng. Thứ 3 cũng là ngày HNX-Index có sự cân bằng giống VN-Index, với 14 phiên tăng và 14 giảm. Ngược lại, phiên thứ 5 lại có sự đối nghịch khi có 16 phiên giảm, trong khi HOSE ghi nhận 16 lần tăng.
Theo một môi giới chứng khoán có thâm niên 5 năm trong nghề, đầu tuần, nhà đầu tư thường có tâm lý chờ đợi để xem diễn biến chỉ số giá, sau đó quyết định mua hay bán sẽ được thực hiện vào giữa hoặc cuối tuần. Tuy nhiên, theo môi giới này, thống kê trên chỉ phản ánh một phần tâm lý của nhà đầu tư, chứ không đại diện chung cho cho thị trường tăng hay giảm.
“Những con số trên phần nhiều là do trùng hợp. Bản thân tôi khi tư vấn hay quyết định đầu tư thường dựa trên diễn biến thị trường thời điểm đó. Mỗi thời điểm có một quyết định mua bán khác nhau”, môi giới này nói.
Còn theo một chuyên gia phân tích chứng khoán tại Hà Nội, việc thị trường tăng, giảm liên quan chủ yếu tới vấn đề thông tin. Ông này cho rằng, thông tin tốt thường được công bố vào dịp giữa và cuối tuần, nên nhà đầu tư sẽ mua vào mạnh hơn khiến thị trường tăng điểm.
Đồng thời, theo chuyên gia này, với những người chơi theo kiểu ngắn hạn, việc biết được xu hướng tăng giảm theo ngày cũng là một gợi ý tốt. “Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là diễn biến thị trường thực tế”, vị này nhận định.
Uyển Nhi
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình php