Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cứ nhìn vào thu ngân sách sẽ thấy hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế và ngân sách từ nay đến năm 2015 có thể mất cân đối.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả sử dụng đồng vốn trong đầu tư. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Những lo lắng về thu chi ngân sách tiếp tục được đưa ra mổ xẻ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/10. Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP ngày một giảm dần trong khi nhu cầu chi tiêu vẫn liên tục tăng cao. Ông Hiển dẫn số liệu tỷ lệ đóng góp cho ngân sách qua GDP giai đoạn trước trên 27%, đến năm 2011 còn 26,5% và tới năm 2013 ước chỉ đạt 19% và sẽ còn thấp hơn nữa trong các năm sau.
Ông Hiển dẫn chứng thêm, 66% doanh nghiệp trong quý II không kê khai nổi thuế thu nhập doanh nghiệp. 79% kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng lại không hề phát sinh đồng thuế nào. “Rõ ràng, cả đầu ra lẫn đầu vào đều đang có vấn đề”, người đứng đầu Ủy ban Giám sát Tài chính Ngân sách nhận xét.
Những ý kiến như vậy từ ông Phùng Quốc Hiển – người có trách nhiệm giám sát, cân đong đo đếm cho túi tiền quốc gia khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo ngại. Do đó, Chủ tịch yêu cầu Chính phủ cũng như Ủy ban Kinh tế Quốc hội khi báo cáo việc thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội trong 3 năm 2011 – 2013, kế hoạch đến 2015 cần phân tích sâu hơn hiệu quả của đầu tư trong nền kinh tế. “Sờ vào đâu cũng thấy lãng phí, thất thoát, trong đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp của toàn xã hội cũng đều có chuyện”, ông nói.
Theo ông, cứ nhìn vào tình hình thu ngân sách đủ thấy những vấn đề. “Tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP đang từ 26% xuống mười mấy phần trăm. Ngân sách chỉ thu được nếu đầu tư hiệu quả”, Chủ tịch nói.
Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng đầu ra lẫn đầu vào của doanh nghiệp đang có vấn đề, gây ảnh hưởng tới thu ngân sách. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, đại diện Tổng cục Thuế cũng thừa nhận nhiệm vụ thu ngân sách hiện quá “nặng nề” do doanh nghiệp ngừng hoạt động ngày một nhiều. Tuy nhiên, theo đại diện của Ủy ban Tài chính Ngân sách, việc doanh nghiệp trì trệ như hiện nay một phần do sự thắt chặt quá mức của nền kinh tế.
Theo ông, tăng trưởng tín dụng các năm trước đang từ 37% xuống bình quân 12% một năm như hiện nay dù góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp đổ vỡ vì họ vốn phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng. “Như con người thôi, đang truyền 39 giọt một phút, nay chỉ còn 12 giọt mỗi phút thì sẽ có những câu chuyện xảy ra. Đến nay có truyền lại cho họ thì cũng không hấp thụ được nữa”, ông Hiển lấy ví dụ.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế vì cân đối ngân sách nhà nước sẽ khó khăn hơn, trong khi đầu tư từ các nguồn vốn khác dự báo cũng không tăng nhiều. Với tình hình thu chi hiện nay, Ủy ban Kinh tế nhận định sẽ khó đạt được nhiều chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% một năm hay tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hoặc bội chi ngân sách nhà nước.
Do thu chi ngân sách mất cân đối trong năm 2013, dự kiến sẽ hụt thu khoảng 21.000 tỷ đồng so với dự toán nên đến năm 2015, bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ khó đạt chỉ tiêu dưới 4,5% GDP.
Ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết đa số ý kiến tại Ủy ban tán thành đề nghị tăng bội chi nhưng nhấn mạnh phần tăng thêm cần phải tập trung cho chi đầu tư phát triển với địa chỉ cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ.
Thanh Thanh Lan
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi cộng đồng webmaster