Để bảo hộ sản xuất trong nước, đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất giữ nguyên thuế nhập khẩu ôtô ở 50% trong 3 năm (2014 – 2017), đến năm 2018 mới giảm về 0%.
Tại buổi tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp ôtô trong xu thế hội nhập” ngày 22/8, đại diện Bộ Công Thương cũng như doanh nghiệp sản xuất ôtô đều tỏ quan điểm lo ngại khi thời điểm thuế nhập khẩu ôtô giảm về 0% đã đến rất gần.
“Người tiêu dùng Việt Nam đang kỳ vọng sau năm 2018 sẽ được mua xe giá rẻ vì thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm về 0%. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lúc đó hầu hết doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước sẽ chuyển thành những nhà nhập khẩu. Vậy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đi về đâu? “, ông Phạm Văn Tài – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải phát biểu.
Trước bối cảnh này, Bộ Công Thương đã tiến hành lập lại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phù hợp hơn với điều kiện thị trường và thúc đẩy sản ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển trước “giờ G”.
Sẽ không giảm thuế theo từng năm để hỗ trợ ngành ôtô trong nước. Ảnh: Anh Quân |
Ông Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cơ quan chấp bút cho bản quy hoạch này cho biết, theo đề xuất mới thì thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc sẽ giảm về 50% vào 2014 và giữ nguyên mức này trong 3 năm liên tiếp (2014 – 2017), đến 2018 mới giảm về 0%. Trước đó, lộ trình giảm thuế sẽ theo hướng từng năm, tức đến năm 2014 giảm còn 50%, năm 2015 – 2018, lần lượt là 35%, 20%, 10% và 0%.
“Ưu điểm của việc này là bảo hộ ngành sản xuất ôtô trong nước, tuy nhiên lại tạo ra bất cập là doanh nghiệp có thể không nỗ lực do được bảo hộ cao”, vị này phát biểu.
Dự thảo cũng đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50-70% lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược dưới 9 chỗ nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng. Doanh nghiệp sản xuất dòng xe chiến lược cũng sẽ được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu 0% hoặc mức sàn đến năm 2018.
Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp sản xuất dòng xe chiến lược sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các dòng xe khác, dẫn tới một số ý kiến cho rằng sẽ tạo một cuộc “chạy đua ngầm” giữa các doanh nghiệp để được đứng vào danh sách ưu tiên. Tuy nhiên, quan điểm này không được ông Giám khi vị này nhận định mọi việc sẽ diễn ra “công khai”.
“Tiêu chí về dòng xe chiến lược rất rõ ràng, thậm chí với tỷ lệ nội địa hóa bản quy hoạch cũng sẽ đưa ra nhiều mức khác nhau, tương ứng là các ưu đãi cụ thể. Doanh nghiệp đáp ứng được mức nào sẽ hưởng ưu đãi ở mức đó”, ông phát biểu.
Song theo ông Jesus Metelo Arias – Tổng giám đốc Ford Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), nếu chọn xe dưới 9 chỗ làm dòng chiến lược, Việt Nam sẽ chịu sức ép rất lớn từ Thái Lan và Indonesia, những nước đã rất phát triển với loại xe này. “Quan điểm của chúng tôi là không nên giới hạn dòng xe nào mà để tự doanh nghiệp quyết định trên cơ sở điều tiết của thị trường”, Chủ tịch VAMA cho hay.
Trước ý kiến này, đại diện cơ quan xây dựng dự thảo vẫn bảo lưu quan điểm cần phải định hình được dòng xe chiến, nếu không sẽ khó tập trung hỗ trợ ngành sản xuất trong nước. Ông Quân nêu rõ việc chọn dòng xe chiến lược sẽ góp phần thúc ngành sản xuất ôtô phát triển, do đó cần xem xét chọn dòng xe phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, hạ tầng giao thông và điều kiện phát triển kinh tế Việt Nam, cũng như có khả năng cạnh tranh và hội nhập.
Liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa, dự thảo cũng đặt ra đến 2015 các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành ôtô phải cung ứng được 20 – 25% giá trị linh kiện, phụ tùng cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đến năm 2020, tỷ lệ này tăng lên 40- 45% và đến năm 2030 sẽ đủ khả năng cung ứng 50- 60%. Ông Giám khẳng định, việc đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 20% là rất quan trọng, nếu không sẽ “mãi không có được ngành công nghiệp ôtô.”
Dù còn rất nhiều khó khăn và việc phải làm, song đại diện Bộ Công Thương khẳng định ngành sản xuất ôtô của Việt Nam rất nhiều tiềm năng nhờ quy mô dân số đông (dự kiến vượt 100 triệu người sau năm 2020); mức sống và thu nhập cũng dần được cải thiện và nâng cao (dự kiến sau năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 2.000 USD một năm), điều kiện hạ tầng giao thông được cải thiện. Một số chuyên gia cũng nhận định sau năm 2020 sẽ là giai đoạn bùng nổ – phổ cập hoá ôtô đối với Việt Nam.
Số liệu của Bộ Công Thương cho hay, đến năm 2012 cả nước có 56 doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ôtô, tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng và đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất sản xuất lắp ráp khoảng 458.000 xe mỗi năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, các doanh nghiệp trong nước chiếm 53%.
Huyền Thư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng webmaster