Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra phương án thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Chính phủ.
Trong phiên họp Chính phủ tháng 8, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về tờ trình đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đề án có 2 phương án về mô hình quản lý DNNN.
Theo phương án 1, Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quan trọng, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Phương án 2 là bộ quản lý ngành thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích trực thuộc.
Lựa chọn phương án 1, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, phương án này có nhiều ưu điểm, khắc phục được những hạn chế của việc chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu. Song, nếu lựa chọn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị nhà nước chỉ nên quản lý các tổng công ty, tập đoàn lớn.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: N.H. |
Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng nhìn nhận phương án thành lập một cơ quan làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện đối với toàn bộ khu vực DNNN là không khả thi do quá tải nghiêm trọng trong quản lý. Lý do là số DNNN hiện còn lớn (1.284 doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và trên 1.200 doanh nghiệp khác có cổ phần, góp vốn chi phối của nhà nước), hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực và hầu hết các địa bàn trên cả nước. Phương án này chỉ có thể thực hiện khi số lượng DNNN giảm đến mức tối thiểu.
Chia sẻ quan điểm với Bộ Kế hoạch Đầu Tư, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, việc cho DNNN “ra riêng” dần là đúng hướng. Trước đây có tới 12.000 doanh nghiệp nhưng hiện chỉ còn một phần mười, tức là việc “ra đi rất êm” nhưng vẫn gắn bó với bộ quản lý.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đồng ý về mặt nguyên tắc nên tách quản lý Nhà nước và chủ sở hữu đối với DNNN. Tuy nhiên, ông Bình lưu ý cần thận trọng vì còn phụ thuộc yếu tố lịch sử, cách vận hành của nền kinh tế. Trước mắt, chỉ làm thí điểm bởi nếu chuyển nhanh quá có thể gây ra hậu quả mà thực tế là bài học từ SCIC, nhận hàng loạt rồi không quản nổi phải trả về cho địa phương.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng nêu quan điểm việc Ngân hàng Nhà nước không nằm trong diện này. Lý do là Ngân hàng Nhà nước không tham gia chủ sở hữu các ngân hàng thương mại quốc doanh là không được. Bởi, ngoài chức năng thành viên Chính phủ, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước còn là mô hình ngân hàng “mẹ” – mà lại không sở hữu “con” là không được.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ góp ý về xây dựng một chương riêng về DNNN trong Luật Doanh nghiệp thay vì xây dựng Luật DNNN để đảm bảo bình đẳng và thống nhất thể chế quản lý.
Cho ý kiến về chủ trương này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý việc tách quản lý nhà nước với quản lý của chủ sở hữu đối với DNNN. Thủ tướng yêu cầu ban soạn thảo cần tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện theo Nghị định 99 của Chính phủ, nếu điểm nào chưa ổn thì bổ sung để trước mắt tiếp tục thực hiện nhằm có thời gian nghiên cứu hoàn thiện đề án.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, đề án phải làm rõ quyền quản lý nhà nước, chủ sở hữu … “DNNN sử dụng vốn thì chủ doanh nghiệp quyền tới đâu, bộ chủ quản chỗ nào, Bộ Tài chính vai trò ra sao bởi DNNN lập ra để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao chứ không chỉ để kinh doanh có lãi. Chúng ta không bảo thủ, kiên quyết đổi mới DNNN nhưng phải làm chắc, làm cho chặt chẽ”, Thủ tướng nói.
Về thể chế, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ xây dựng quy định.
Nguyễn Hưng
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình web