Mặc dù sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm nhưng chỉ số PMI trong tháng 8 đã có cải thiện lên mức 49,4 điểm so với mức 48,5 điểm của tháng 7 và là kết quả tốt nhất kể từ tháng 4, theo khảo sát của HSBC.
Theo các chuyên gia HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa – một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất – trong tháng 8 có kết quả 49,4 điểm.
Tháng này đã có cải thiện so với mức 48,5 điểm của tháng 7 và là kết quả tốt nhất kể từ tháng 4, nhưng vì vẫn nằm dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm, nên đã biểu thị mức suy giảm nhẹ của các điều kiện hoạt động sản xuất.
Chỉ số PMI tháng Tám ổn định nhất 4 tháng. |
Số lượng đơn đặt hàng mới mà các nhà sản xuất Việt Nam nhận được tiếp tục giảm trong tháng 8 từ đó kéo dài thời kỳ sụt giảm thành 4 tháng. Theo các thành viên nhóm khảo sát, hoạt động thị trường vẫn chậm chạp và nhu cầu của khách hàng vẫn yếu. Tuy nhiên, vì có những báo cáo tăng nên kết quả chung là số lượng công việc mới chỉ giảm nhẹ.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục giảm. Đây là lần giảm thứ ba trong các tháng liên tiếp. Các điều kiện thị trường xuất khẩu được cho là vẫn còn khó khăn, nhưng đã có những dấu hiệu ổn định.
Sản lượng sản xuất trong tháng 8 giảm tháng thứ tư liên tiếp. Nguyên nhân là số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Tương tự như xu hướng của hoạt động bán hàng, mức độ giảm sản lượng khá ít.
Một lần nữa các nhà sản xuất đã có thể giải quyết được lượng công việc chưa hoàn thành trong kỳ khảo sát mới nhất. Lượng đơn hàng chưa hoàn thành còn tồn đọng đã giảm 17 tháng liên tiếp và vẫn với tốc độ đáng kể.
Lượng công việc tồn đọng giảm một phần phản ánh tình trạng giảm hàng tồn kho lần đầu tiên trong ba tháng. Năng lực sản xuất bổ sung cũng đã giúp các công ty kiểm soát được khối lượng công việc.
Việc làm trong tháng 8 đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 4 với tốc độ tăng mạnh và được báo cáo là mạnh nhất trong lịch sử khảo sát. Việc tuyển dụng mới phản ánh những dự báo tích cực về sản xuất và số lượng đơn đặt hàng.
Lợi nhuận đã phải chịu sức ép giảm phản ánh hai nhân tố. Thứ nhất, giá cả đầu ra chỉ thay đổi chút ít. Sức ép cạnh tranh, những nỗ lực thúc đẩy bán hàng và khách hàng yêu cầu giảm giá, tất cả đã ảnh hưởng lên giá cả trung bình.
Thứ hai, giá cả đầu vào đã tăng đáng kể và ngày càng nhanh. Lạm phát ở mức cao nhất kể từ tháng 3. Chi phí vận chuyển cao hơn, dầu và các sản phẩm phát sinh liên quan đều tăng giá được cho là những động lực chính gây lạm phát.
Bà Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế – Ngân hàng HSBC cho rằng, hoạt động sản xuất ở Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhu cầu yếu kém ở nước ngoài và các điều kiện trì trệ ở trong nước, mặc dù tốc độ giảm sút đã được giảm đáng kể.
Theo bà, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ được cải thiện vào cuối năm nhờ sự phục hồi ở Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản, và Trung Quốc. Điều này sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất. “Tuy nhiên, với giá cả đầu vào tăng và điều kiện trong nước vẫn yếu kém, chúng tôi nghĩ quá trình phục hồi ở Việt Nam sẽ vẫn còn khó khăn”, bà nói.
Lệ Chi
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng webmaster