Mùa báo cáo tài chính bán niên năm nay lại tái diễn cảnh từ lỗ chuyển thành lãi trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán.
Công ty cổ phần Chứng khoán SBS (Mã CK: SBS) công bố khoản lãi 3,4 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Con số này không lớn nhưng thay đổi hoàn toàn kết quả kinh doanh trong báo cáo chưa kiểm toán cùng niên độ trước đó, lỗ tới 33,5 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện SBS cho biết yếu tố dẫn tới chênh lệch là do khác nhau giữa công ty và kiểm toán trong việc trích lập dự phòng rủi ro. Vì cẩn trọng, SBS đã trích lập thêm nhiều khoản, song đơn vị kiểm toán lại cho rằng không cần thiết và đề nghị hoàn nhập để không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. “Hiện tại, SBS vẫn trong diện kiểm soát đặc biệt nên mọi vấn đề về tài chính đều phải hết sức thận trọng”, đại diện công ty lý giải.
Nhiều doanh nghiệp vội vàng công bố ước tính lãi khả quan rồi sau đó lại trình lợi nhuận lỗ sau khi hợp nhất báo cáo tài chính. Ảnh: Hoàng Hà |
Một ví dụ khác là Tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam (Mã CK: GAS), lợi nhuận tạm tính chênh lệch với kết quả báo cáo chính thức tới hơn 800 tỷ đồng. Cuối tháng 7, đại gia này đã phải gửi công văn giải trình đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xung quanh vấn đề trên.
Theo giải trình, việc tính toán số liệu ước tính thường được thực hiện trước ngày 25 vào tháng cuối cùng trong quý. Khi đó doanh nghiệp chưa thể thu thập hết tất cả số liệu doanh thu, chi phí trong toàn tổng công ty để cung cấp mức lợi nhuận chính xác trong báo cáo ước tính.
Số liệu lãi ròng công ty mẹ 6 tháng đầu năm của GAS qua hai lần công bố cách nhau chỉ khoảng một tuần đã chênh lệch hụt đi 835 tỷ đồng. Trong lần đầu công bố trên website công ty, lãi ròng 6 tháng ghi nhận 6.205 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý II của công ty mẹ GAS trên Sở Giao dịch TP HCM khoảng một tuần sau đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tới 7.040 tỷ, riêng quý II là 2.883 tỷ đồng.
Sau khi thông tin giải trình trên được phát đi từ ngày 30/7, giá cổ phiếu GAS đang giảm bỗng bật tăng trở lại, từ 62.600 đồng lên 64.600 đồng (31/7) và tới 19/8, đã có giá 71.500 đồng.
Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (Mã CK: TSC) vừa qua cũng bất ngờ thoát lỗ nhờ thanh lý tài sản cố định. Cụ thể, trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt hơn 301 tỷ đồng, giảm gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp theo đó cũng giảm 10 lần, chỉ đạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí trong 6 tháng đầu năm, Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ lỗ thuần 4,67 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ lợi nhuận khác 12 tỷ đồng đã giúp công ty ghi nhận lãi ròng 6,9 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác này là do chuyển nhượng tài sản cố định, giá trị gần 57 tỷ đồng (chi phí chuyển nhượng gần 45 tỷ đồng).
Riêng quý II, công ty đạt doanh thu gần 92 tỷ đồng và lãi ròng 1,84 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán quý, tổng tài sản tính đến 30/6 là 262 tỷ đồng, trong khi công ty có hơn 135 tỷ nợ phải trả, vốn chủ sở hữu là 127 tỷ đồng.
Không bất ngờ lãi lớn, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (Mã CK: SMC) cũng may mắn thoát lỗ 6 tháng đầu năm với khoản lãi gần 18 tỷ đồng. Riêng quý II, SMC lỗ trên 27 tỷ đồng.
Trước đó, Đầu tư Chứng khoán từng dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị SMC cho biết 5 tháng đầu năm, doanh nghiệp ước đạt 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 76% kế hoạch cả năm.
Trong báo cáo giải trình biến động, SMC trần tình giá thép giảm những tháng đầu quý II đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến lãi gộp, chỉ đạt 32 tỷ đồng. Mức lãi này không đủ bù một số chi phí cơ bản như tài chính, bán hàng và các phí phát sinh khác khiến doanh nghiệp lỗ.
Ngay sau khi công bố thông tin trên, tại phiên giao dịch ngày 29/7, giá một cổ phiếu SMC giảm từ 12.500 đồng xuống còn 12.300 đồng. Còn hiện tại, SMC dao động quanh mốc 12.800 đồng một cổ phiếu. Đến ngày 30/6, công ty có 3.048 tỷ đồng tổng tài sản, vốn chủ sở hữu đạt 576 tỷ đồng trong khi nợ phải trả là 2.467 tỷ đồng.
Trước đó, hồi đầu năm, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG) cũng từng công bố “nhầm” báo cáo tài chính 2012 và khiến cổ đông bất ngờ khi đột nhiên tăng lãi từ 3 tỷ lên 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sau đó giải thích chuyện sai số liệu trên là do “nhầm lẫn” từ kế toán khi phải làm báo cáo tài chính quá gấp.
Ở chiều ngược lại, sàn chứng khoán cũng xuất hiện trường hợp công ty đang lãi bỗng nhiên hóa lỗ, dù kết quả là của nửa năm trước nhưng vẫn tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Mới đây, Công ty cổ phần Mirae (Mã CK: KMR) khiến các cổ đông và nhà đầu tư bị hẫng khi bỗng nhiên báo lỗ 21 tỷ đồng của năm 2012 vào ngày 12/8 khi điều chỉnh một số hạng mục trong báo cáo tài chính bán niên và cả năm ngoái.
Sau khi thông tin nêu trên được công bố, trong phiên giao dịch ngày 13/8, gần 1,5 triệu cổ phiếu KMR đã bị nhà đầu tư bán tháo, đẩy giá về mức sàn 2.700 đồng và duy trì đến nay (19/8). 6 tháng đầu năm nay, Mirae lãi sau thuế 2 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Hiện công ty chưa có báo cáo kiểm toán.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Sài Gòn Hà Nội (SHF) cho rằng chuyện bất ngờ lãi, lỗ như vậy rất dễ gây ảnh hưởng đến cổ đông và nhà đầu tư khi ra quyết định mua, bán cổ phiếu. “Vấn đề này không chỉ công ty quy mô vốn nhỏ mà ngay cả những blue-chip cũng vướng phải, nguyên nhân chính là do bộ máy hoạt động động công ty phức tạp khiến việc lập báo cáo rất khó khăn, nhất là đối với những doanh nghiệp nhiều đơn vị con”, ông Đức phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong trường hợp xấu, đây có thể là sơ hở giúp các doanh nghiệp có nhiều công ty con dễ dàng “lách luật” để luân chuyển chi phí, giấu lỗ cho công ty mẹ. “Ví dụ doanh nghiệp mẹ báo lãi, nhưng các khoản chi phí lại dồn xuống hết cho công ty con mới dẫn đến kết quả sau hợp nhất bị lỗ”, ông Đức đặt giả thiết.
Thông thường, ông Đức chia sẻ, ở các doanh nghiệp trên thế giới, luật và những quy định được tuân thủ rất chặt chẽ nên ít khi xảy ra trường hợp sai lệch số liệu quá lớn giữa trước, sau kiểm toán hoặc ước tính và chính thức công bố. Còn tại Việt Nam, “công ty báo nhầm kết quả kinh doanh có thể gửi công văn lên Ủy ban giải trình. Trường hợp đang lãi thành lỗ, nếu được chấp nhận hợp lý thì nhà đầu tư cũng đành chịu khi đã chót giao dịch cổ phiếu do bị ảnh hưởng bởi thông tin. Nhưng nếu không được chấp nhận, doanh nghiệp sẽ bị khép vào tội thao túng giá, mức phạt có thể lên đến một tỷ đồng”, ông Đức chia sẻ.
Đánh giá về thực trạng này, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhận định có quá nhiều nguyên nhân và cách giải thích cho trường hợp chuyển lỗ thành lãi hoặc số liệu lợi nhuận “tiền hậu bất nhất” tại doanh nghiệp. “Sự chuẩn xác của số liệu nói chung chưa cao, tính minh bạch trong kinh doanh của một số doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Cơ quan chức năng cũng đang xem xét để kết luận đúng, sai cho từng trường hợp. Tuy nhiên, sự nhập nhằng như vậy sẽ khiến doanh nghiệp tự đánh mất niềm tin ở nhà đầu tư”, vị này nhận xét.
Tường Vi – Hồng Châu
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng webmaster