Các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng chỉ khi bỏ quy định khống chế thù lao của đại lý và doanh nghiệp có quyền tự quyết thật sự, thị trường mới minh bạch.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu vừa được công bố cho thấy nhiều điểm quan trọng về tăng giảm giá bán và minh bạch Quỹ Bình ổn giá. Tuy nhiên, cơ quan soạn dự thảo vẫn giữ nguyên quan điểm giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Điều này khác với kỳ vọng trước đó của nhiều chuyên gia khi kiến nghị trao toàn bộ quyền định giá cho doanh nghiệp. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá vẫn được giữ nguyên là 10 ngày.
Quy định nêu rõ, khi giá cơ sở giảm trong phạm vi 5% so với giá hiện hành, doanh nghiệp phải giảm giá tương ứng. Khi giá cơ sở tăng 5% so với giá bán lẻ, doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng (đồng thời gửi phương án giá, quyết định điều chỉnh giá cho cơ quan quản lý). Trường hợp giá tăng 5-8% so với giá hiện hành, doanh nghiệp phải gửi phương án giá, dự kiến mức điều chỉnh cho liên bộ Tài chính – Công thương trước thời gian điều chỉnh giá 2 ngày.
Doanh nghiệp xăng dầu cho rằng nên bỏ quy định khống chế thù lao đại lý. |
Sau 2 ngày làm việc (thay vì 3 ngày theo quy định trước đây), nếu cơ quan quản lý không có văn bản trả lời, doanh nghiệp được phép tăng giá bán thêm 40% của mức tăng trong phạm vi 5-8%. 60% còn lại sẽ được dùng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp. Nếu cơ quan quản lý có văn bản trả lời doanh nghiệp mà không đúng nguyên tắc điều hành giá bán xăng dầu, doanh nghiệp cũng được phép tăng giá bán theo cách nói trên.
Khi giá biến động trên 8% so với giá bán hiện hành, quyền định giá và áp dụng các biện pháp bình ổn giá xăng dầu thuộc về Thủ tướng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý. Trong vòng 5 ngày làm việc, cơ quan quản lý phải công bố bằng văn bản về các biện pháp bình ổn nhằm đảm bảo giá bán xăng dầu tương đương giá cơ sở. Sau 5 ngày quy định, cơ quan quản lý không có ý kiến, doanh nghiệp được phép tăng giá bán. Theo các chuyên gia, với những quy định này, sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp bị lỗ kéo dài như trước đây.
Về Quỹ Bình ổn giá, dự thảo nêu rõ, Quỹ sẽ được doanh nghiệp hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng và chỉ được sử dụng để bình ổn giá. Việc minh bạch trích lập, sử dụng quỹ cũng được quy định khá chi tiết.
Cụ thể, Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố trên trang web của cơ quan này các thông tin về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu, biện pháp và thời hạn áp dụng Bình ổn giá do Thủ tướng quy định. Hàng quý và trước mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu, Bộ Tài chính phải công bố số tiền trích lập, số tiền đã sử dụng và số dư còn lại trong quỹ. Điểm mới nữa là, bộ này cũng phải chịu trách nhiệm công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán trong năm của các doanh nghiệp đầu mối. Bản thân các doanh nghiệp đầu mối cũng phải có trách nhiệm công bố các thông tin tương tự.
Đại diện một đầu mối xăng dầu chiếm thị phần khá lớn cho rằng, dù dự thảo nghị định có nhiều điểm thay đổi nhưng ông không quan tâm nhiều do doanh nghiệp vẫn ở trong vòng kiểm soát của cơ quan quản lý. Ngay cách quy định về tăng giảm giá bán, trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá đã xác định rõ vai trò quyết định của các cơ quan quản lý. Như vậy, về cơ bản, việc quyết định giá vẫn không thuộc về doanh nghiệp.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ở phía Nam cho rằng, vấn đề lớn trong kinh doanh xăng dầu hiện nay là việc chạy đua thù lao cho đại lý. Vì vậy, cần bỏ quy định của Bộ Tài chính trong việc khống chế thù lao của đại lý. Nếu doanh nghiệp mải chạy đua thù lao mà bị lỗ thì phải chịu.
Theo các doanh nghiệp, quy định lợi nhuận 300 đồng/lít nên đổi thành chi phí sử dụng vốn. Thực tế nhiều giai đoạn doanh nghiệp lỗ nặng, nhưng vẫn bị mang tiếng có lãi 300 đồng/lít.
(Theo Tiền Phong)
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi lập trình php