Thông điệp thận trọng tiếp tục được lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới phát đi tại hội nghị vừa kết thúc tại St. Petersburg (Nga). Kinh tế có khá hơn nhưng còn quá sớm để khẳng định khủng hoảng kết thúc.
Là tâm điểm của G20, các nước mới nổi vốn được coi là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu nhiều năm qua đang phải đối mặt với tiền tệ lao dốc và dòng vốn nóng rút ra ào ạt. Nguyên nhân do tuyên bố có thể giảm quy mô gói kích thích 85 tỷ USD mỗi tháng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trong hội nghị, các nước này tuyên bố sẽ lập quỹ dự trữ 100 tỷ USD để đề phòng ảnh hưởng tiêu cực nếu Mỹ rút kích thích.
G20 cũng nhận xét tăng trưởng tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã được cải thiện. Tuy nhiên, triển vọng toàn cầu vẫn suy giảm rõ rệt trong năm qua. Báo cáo tổng kết cuối hội nghị cho biết “sự phục hồi còn quá yếu và rủi ro vẫn hiện diện. Trong những tháng qua, thị trường tài chính toàn cầu rất biến động”.
Các nước G20 cho rằng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn rất yếu. Ảnh: CBC |
Về chính sách tiền tệ, G20 cũng nhấn mạnh mối lo ngại động thái của một số quốc gia có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực với nhiều nước khác. “Chúng tôi cam kết hợp tác để đảm bảo các chính sách được thực hiện nhằm hỗ trợ tăng trưởng nội địa, tăng trưởng toàn cầu, ổn định tài chính và kiểm soát được ảnh hưởng lên các nước khác”, báo cáo tổng kết cho biết.
Bản kế hoạch hành động đi kèm cũng trích dẫn thông báo của FED về giảm kích thích. Theo đó, cơ quan này sẽ tiếp tục mua lại tài sản và áp dụng các công cụ chính sách phù hợp đến khi triển vọng thị trường lao động cải thiện đáng kể và giá cả ổn định.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) – Mario Draghi hôm qua cũng cho biết eurozone sẽ duy trì chính sách nới lỏng chừng nào còn thấy cần. Lãi suất cơ bản cũng sẽ được giữ ở “mức hiện tại hoặc thấp hơn trong một thời gian nữa”. Còn theo Thủ tướng Đức – Angela Merkel, các ngân hàng trung ương giảm kích thích là điều “cần thiết”, nhưng phải được thực hiện “từng bước”.
Các lãnh đạo G20 cũng kỳ vọng sẽ bắt đầu chia sẻ thông tin thuế tự động vào cuối năm 2015, BBC cho biết. Hệ thống này là một phần kế hoạch chống né thuế toàn cầu. Vấn đề trên rất được quan tâm trong thời gian gần đây, sau khi hàng loạt công ty đa quốc gia lớn, như Apple hay Starbucks, bị điều tra về hoạt động trả thuế.
Các nước tuyên bố sẽ áp dụng nhiều biện pháp để bịt lỗ hổng pháp lý thường được các doanh nghiệp lớn sử dụng để trốn thuế. Họ cũng cam kết giúp các quốc gia đang phát triển theo dõi dòng vốn tại các thiên đường thuế trên thế giới.
Thùy Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng webmaster