Có giá vài tỷ đồng mỗi chiếc nhưng sau gần một năm cập cảng, hàng chục xe sang về nước theo đường Việt kiều hồi hương vẫn nằm im trong container khắp các cảng biển Bắc – Trung – Nam mà không có người đến nhận.
Trong công văn gửi báo chí gần đây, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đơn vị này đang lưu giữ gần chục container chứa khoảng 20 ôtô hạng sang như: Range Rover Evoque 2013, Acuna MDX 2013, Jaguar XJL 2013 (automobile), Lexus 2013 RA 350, Toyota Sienna LE (màu vàng)… Tổng giá trị các lô hàng ước khoảng 50 tỷ đồng, trong đó có 11 chiếc của các cá nhân Việt kiều nhập xe theo diện hồi hương mang tài sản theo cùng.
Lô ôtô có giá trị gần 50 tỷ đồng vẫn đang nằm tại cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) vì không ai đến nhận. Ảnh: Xuân Mai |
Tại cảng Đà Nẵng, trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Lãng – Chi cục trưởng Hải quan cho biết đơn vị cũng đang tạm giữ trên 20 chiếc xe nhập về cảng dưới dạng xe nhập khẩu và xe diện hồi hương để điều tra về hành vi nhập lậu trốn thuế. Mỗi chiếc xe có giá ngoài thị trường phổ biến từ 2 đến 3 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã thông báo đến người nhận thời hạn 30 ngày, 60 ngày, thậm chí là 90 ngày nhưng vẫn không có người đến làm thủ tục thông quan”, ông Lãng nói. Còn theo lãnh đạo hải quan Cái Mép, theo quy định hiện hành, trong thời gian 180 ngày kể từ khi thông báo, nếu lô hàng trên vẫn không có người nhận thì đơn vị sẽ thanh lý để sung vào công quỹ.
Tương tự tại cảng Hải Phòng, lãnh đạo Cục hải quan địa phương cũng cho biết ghi nhận tình trạng tương tự. Số liệu cụ thể đã được đơn vị báo cáo với Tổng cục Hải quan. Trong khi đó, theo lãnh đạo Tổng cục, cơ quan này đã nắm được tình hình và đang giao cục chức năng tổng hợp, báo cáo.
Trong số các lô hàng ôtô nhập khẩu đang ách tại các cảng, nổi lên cái tên Công ty TNHH giao nhận Phương Nam, có địa chỉ tại quận Tân Bình, TP HCM. Cụ thể, đơn vị này đứng tên nhập khẩu 9 trên 20 chiếc xe đang nằm tại cảng Cái Mép.
Trong số những xe còn lại, có trường hợp chiếc Toyota Sienna LE được ông Lương Văn Thanh (William Thanh Lương) – Việt kiều Mỹ đứng tên. Sau một thời gian bỏ bê, ông Thanh đã có giấy ủy quyền cho Công ty Phương Nam làm thủ tục tái xuất chiếc xe trên với lý do hồ sơ hồi hương không phù hợp và không đủ điều kiện, tuy nhiên không được Chi cục Hải quan chấp nhận do không đủ hồ sơ, thủ tục.
Nhiều chiếc xe khác cũng đang bị hải quan tạm giữ tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tại Đà Nẵng, Công ty Phương Nam cũng đang đứng tên nhập khẩu 5 xe khác mang hiệu Lexus (giá mỗi chiếc 5 – 7 tỷ đồng). Số xe này nhập từ cảng Oakland (Mỹ) và từ Hong Kong (Trung Quốc) về cảng Tiên Sa hồi đầu tháng 1/2013. Tuy nhiên đại diện phía công ty lại từ chối nhận lô hàng với lý do “gửi nhầm”. Hải quan cho biết đã nhiều lần mời doanh nghiệp đến làm rõ nhưng không nhận được sự hợp tác.
Theo ông Phạm Ngọc Thuần, Phó cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, theo diện Việt kiều hồi hương, mỗi gia đình được gửi một xe ô tô đã đăng ký chủ sở hữu. Tuy nhiên, quá trình thử test cho thấy nhiều xe còn mới nguyên. Như lô hàng phía người nhận là công ty TNHH Phương Nam có 3 xe gồm Lexus LX 570, một xe Lexus GX 460 F-Sport và một xe Lexus RX 350 còn mới nguyên. Ngoài việc tạm giữ số xe này, hải quan Đà Nẵng cũng yêu cầu dừng tái xuất lô hàng này.
Trước đó, liên quan đến việc xe nhập lậu trốn thuế, công an Đà Nẵng đã tạm giữ 7 xe hiệu BMW, Bentley, Lexus… trị giá khoảng 30 tỉ đồng thuộc diện tạm nhập miễn thuế (xe nhập khẩu diện ngoại giao) do không đầy đủ giấy tờ lưu thông. Thượng tá Trần Phước Hương, Chánh văn phòng công an thành phố Đà Nẵng cho biết phòng Công an kinh tế thành phố đang thụ lý nên chưa có kết luận những xe này có hành vi trốn thuế hay nhập lậu.
Theo quy định tài sản “theo chân” Việt kiều hồi hương sẽ được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu, chỉ phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo trị giá ban đầu nên các đơn vị doanh nghiệp tranh thủ lợi dụng. Ví dụ: Một ôtô đã qua sử dụng có giá trị khoảng 100.000 USD. Khi các Việt kiều mang về chỉ đóng 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với tiền thuê mướn người đứng tên khoảng 20.000 đến 30.000 USD. Như vậy, tổng chi phí tổng cộng khoảng 170.000-180.000 USD, rẻ hơn từ 70.000 – 80.000 USD nếu nhập khẩu thông thường. |
Xuân Mai – Nguyễn Đông
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi cộng đồng webmaster