Một phần ba bức tranh doanh nghiệp nằm trong bóng tối do không có thông tin, thông tin sai khác hoặc chưa được cập nhật.
Tại Hội thảo lấy ý kiến sửa Luật Doanh nghiệp 2005 tổ chức ngày 10/9, ông Phạm Quang Huy – Phó Trưởng phòng Thông tin và Cơ sở dữ liệu (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) cho biết, các cơ quan quản lý đang thiếu nguồn thông tin sát thực về doanh nghiệp được cung cấp bởi các bên như liên quan như chủ nợ, bạn hàng, các đối thủ cạnh tranh, các hội, hiệp hội và công luận.
Dữ liệu quốc gia cho thấy đầu năm 2012 cả nước có hơn 545.000 doanh nghiệp thành lập (không bao gồm số đã giải thể). Trong số này có hơn 360.000 doanh nghiệp được xác nhận đang hoạt động tại thời điểm 1/1/2012, còn khoảng 185.000 doanh nghiệp (chiếm 34%) nằm khoảng trống chưa có thông tin chính xác.
“Như vậy, một phần ba bức tranh doanh nghiệp cả nước vẫn nằm trong bóng tối, cơ quan quản lý thiếu thông tin chính xác về từng doanh nghiệp để quản lý, kiểm tra, giám sát”, ông Huy nhận xét.
Cơ quan quản lý hiện không biết nhiều doanh nghiệp còn hoạt động hay không. Ảnh: Shafir |
Trên hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh hiện còn gần 310.000 trường hợp thiếu thông tin, sai khác và chưa được cập nhật. Trong đó, sai về tình trạng hoạt động là 79.000 doanh nghiệp, thiếu thông tin là 82.000 doanh nghiệp, thiếu, sai thông tin và chưa được cập nhật là 149.000 doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng phản ánh sự éo le khi thiếu dữ liệu về doanh nghiệp. “Năm ngoái khi Chính phủ yêu cầu thống kê các doanh nghiệp kinh doanh vàng, chúng tôi không có số liệu mà buộc phải lên mạng ngồi tìm các doanh nghiệp có chữ Vàng”, ông bày tỏ. Thống kê hai năm gần đây cho thấy chỉ 17% doanh nghiệp có số điện thoại, dẫn tới muốn liên lạc với doanh nghiệp cũng “không có kênh”.
Ông Huy đánh giá, với một lượng lớn các doanh nghiệp còn thiếu thông tin, nhiều sai khác và chưa được đăng ký cập nhật, có thể thấy trong môi trường hiện nay, các doanh nghiệp dễ gặp rủi ro do thiếu các thông tin gốc chính xác, có tính pháp lý của đối tác tiềm năng.
Bên cạnh yếu tố chủ quan do chính doanh nghiệp không muốn minh bạch thông tin, ông Huy cũng chỉ ra những vướng mắc khách quan như tốc độ thành lập mới gia tăng nhanh chóng, đa số các Phòng Đăng ký kinh doanh còn thiếu cán bộ, chưa có cơ chế để duy trì ổn định lực lượng, chất lượng đội ngũ còn hạn chế…
Do vậy, ông đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp thời gian tới cần bổ sung quy định nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, chủ nợ và bạn hàng, các đối thủ cạnh tranh, hội, hiệp hội và công luận cùng tham gia giám sát hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
“Việc xã hội hóa giám sát hoạt động của doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận của cộng đồng đến thông tin có giá trị pháp lý của doanh nghiệp, thiết lập được một cơ chế giám sát chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa bản thân các doanh nghiệp trong nền kinh tế và giữa cộng đồng với các hoạt động của doanh nghiệp”, ông Huy nhận xét.
Bên cạnh đó, phải có quy định pháp lý để ràng buộc việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp.
Đồng thời, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng đề xuất Luật Doanh nghiệp thời gian tới cho phép tiếp cận thông tin rộng hơn với các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài, bởi hiện nay chỉ có công ty cổ phần mới nộp báo cáo tài chính cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Huyền Thư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi diễn đàn seo