Vai trò cỗ máy tăng trưởng của Châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng khi hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đang yếu đi và giới đầu tư phương Tây đang rút hàng tỷ đôla khỏi thị trường.
Người mua chen chân qua những gian hàng thực phẩm tại chợ Klong Thoei (Bang Kok, Thái Lan). Quý vừa rồi đánh dấu lần đầu tiên kinh tế Thái Lan rơi vào suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ảnh: Bloomberg |
Giá trị đồng rupee của Ấn Độ chạm đáy trong ngày 20/8, Thái Lan đang trong giai đoạn suy thoái còn thâm hụt tài khoản vãng lai tại Indonesia cũng đẩy tiền rupiah xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Những khoản nợ xấu thì gia tăng tại Trung Quốc trong khi ở Malaysia, các chuyên gia dự đoán kinh tế sẽ tăng trưởng âm 5% quý thứ 2 liên tiếp.
“Mây xám” đang dần bảo phủ kinh tế châu Á do thắt chặt thanh khoản và nhu cầu tiêu dùng đi xuống tại Trung Quốc đang khiến thị trường hàng hóa kém hấp dẫn, trong khi nhà đầu tư cũng chẳng còn mặn mà với chứng khoán tại các thị trường mới nổi. Hệ quả là dòng vốn đang có dấu hiệu bị rút khỏi khu vực này, rút ngược trở về Mỹ và châu Âu, bất chấp những nỗ lực nâng lãi suất ở hầu hết các thị trường, từ Brazil cho tới Indonesia.
“Trung tâm cơn bão 4 năm trước càn quét nước Mỹ giờ ở ngay trên đầu các thị trường mới nổi, chỉ 2 năm sau khi tấn công sang châu Âu. Điều này thực sự nghiêm trọng đối với châu Á”, Stephen Jen, đồng sáng lập quỹ đầu cơ SLJ Marco Partners LLP (London) nhận định.
Theo Viện đầu tư BlackRock, trong 7 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư đã đổ khoảng 155,6 tỷ USD vào những thị trường đã phát triển, riêng Bắc Mỹ nhận được 102,4 tỷ USD (65,8%), Nhật Bản thu hút 28 tỷ USD. Trái lại, các nền kinh tế đang lên chỉ nhận được 7,6 tỷ USD.
“Cán cân đang nghiêng về những quốc gia tiên tiến, điều mà chỉ diễn ra một lần trong khoảng một thập kỷ. Vì thế tôi cho rằng một thời kỳ đầy khó khăn đang đến cho châu Á”, chuyên gia Shane Oliver của công ty đầu tư AMP Capital Investors Ltd. nhận định. Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng năm nay của khu vực châu Á xuống 0,3%, chỉ còn 6,9%.
Trong 3 tháng qua, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã rớt 7,7%, cao hơn 6 lần so với 1,2% của Standard & Poor’s 500. Chỉ số tham chiếu chứng khoán tại Indonesia mất 10% trong 2 ngày qua, cùng kỳ Ấn Độ giảm 3% và Thái Lan tụt hơn 6%. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cùng các nhà hoạt định chính sách đang nỗ lực ngăn đồng rupee mất giá. Tiền Ấn Độ chỉ trong 2 năm đã yếu hơn 28% so với đồng đôla của Mỹ.
Theo Bloomberg, 4 năm qua có khoảng 3.900 tỷ USD được đổ vào các thị trường mới nổi, nay bắt đầu đổi chiều kể từ sau khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke bàn về chuyện gói QE3. Dự kiến, bắt đầu từ tháng tới FED sẽ làm chậm quá trình mua trái phiếu.
Phương Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi webmaster viet nam