Khi thông tin Microsoft mua lại bộ phận thiết bị của Nokia với giá 7,2 tỷ USD được phát đi, Stephen Elop – CEO mới thoái vị của hãng Phần Lan – trở thành cái tên được đem ra bàn luận nhiều nhất.
Việc Microsoft thâu tóm Nokia không làm cho giới phân tích bất ngờ. Có ý kiến cho rằng mọi thứ đã được sắp đặt từ trước, tuy nhiên, đó mới chỉ là suy đoán của nhiều người khi móc nối các sự kiện diễn ra trong thời gian qua chứ chưa có bằng chứng xác thực.
Stephen Elop bắt đầu gia nhập Microsoft vào tháng 10/2008 với chức vụ Phó chủ tịch phụ trách bộ phận doanh nghiệp, trong đó có “con gà đẻ trứng vàng” Office. Đến ngày 10/9/2010, Nokia thông báo Elop sẽ đến Phần Lan với vai trò tân Tổng giám đốc.
Giới công nghệ đón nhận thông tin này một cách tích cực bởi Nokia đang bắt đầu chậm lại trong cuộc chiến di động và cần cải tổ để có thể ngăn sự bành trướng của Apple. Lúc này, Nokia vẫn là hãng điện thoại di động số một thế giới nhưng phân khúc smartphone đã tỏ ra yếu kém so với các đối thủ. Nokia mạnh về phần cứng, nhưng lại không phải là hãng đi đầu về phần mềm di động. Do đó, theo đánh giá của chuyên gia Ben Wood thuộc công ty CCS Insigh, Elop với kinh nghiệm và những mối quan hệ của mình có thể biến đổi Nokia theo hướng hiệu quả hơn.
Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc Elop đến Nokia và hợp tác với Microsoft. |
Chỉ sau 4 tháng đến Nokia, Elop nhanh chóng đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt với hãng này: cắt giảm 4.000 nhân công và chính thức từ bỏ nền tảng Symbian già cỗi nhưng đang đứng đầu thị trường, trên cả Android và iOS. Ông cũng khai tử hệ điều hành Meego, vốn được Nokia tập trung phát triển để thay thế Symbian. Thay vào đó, họ hợp tác với Microsoft, đưa Windows Phone trở thành nền tảng chính trên các dòng điện thoại Nokia.
Trong e-mail gửi nhân viên, Stephen Elop giải thích rằng tình cảnh của Nokia lúc đó giống như một người đàn ông đứng trên tấm ván đang bốc cháy: “Ông ta có thể đứng nguyên trên đó và không tránh khỏi bị ngọn lửa nuốt trọn. Hoặc ông ta nhảy xuống vật lộn trong dòng nước lạnh giá và đang phủ đầy băng. Ông ta cần phải lựa chọn. Nokia, con thuyền của các bạn cũng đang bốc cháy”.
Hành động này của Elop làm dấy lên những nghi ngờ rằng liệu ông có phải là “con ngựa thành Troy” được Microsoft đưa đến. “Câu trả lời rõ ràng là không. Toàn bộ đội ngũ quản lý đều tham gia vào quá trình xem xét và đều tin đây là quyết định đúng đắn. Ban lãnh đạo đã cân nhắc kỹ tình huống và đưa ra lựa chọn cuối cùng”, Elop khẳng định ông không một mình quyết định số phận của Nokia trong cuộc phỏng vấn báo chí tại triển lãm Mobile World Congress tháng 2/2011 tại Tây Ban Nha.
Liên tiếp 5 quý sau cuộc hợp tác với Microsoft, Nokia chỉ toàn thua lỗ và làm bốc hơi 2,1 tỷ euro dự trữ. Cổ phiếu của họ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996. “Nokia nhảy khỏi tấm ván đang cháy rồi chìm nhanh như một hòn đá tảng”, hãng thông tấn SST của Phần Lan mỉa mai. Tin đồn Microsoft đang chờ đợi Nokia suy yếu để thâu tóm hãng này với giá rẻ vì thế lại xuất hiện trở lại vào cuối năm 2012. Một số nguồn tin cho hay Microsoft chưa đạt được mục đích vào thời điểm này là do chưa thỏa thuận được giá cả cũng như có sự can thiệp của chính phủ Phần Lan.
Đến tháng 6/2013, báo Wall Street Journal một lần nữa khẳng định Microsoft sắp sáp nhập thành công hãng Phần Lan. Cuối tháng 7, Steve Ballmer, Tổng giám đốc Microsoft tuyên bố sẽ cải tổ lại tập đoàn và công ty sẽ phát triển theo hướng tập trung vào thiết bị và dịch vụ thay vì phần mềm như trước.
Ngày 23/8, Ballmer bất ngờ thông báo sẽ nghỉ hưu trong 12 tháng nữa. “Ông ấy rõ ràng bị đẩy khỏi ban lãnh đạo. Họ hoặc là ép Ballmer phải đi, hoặc đặt ông vào tình huống mà ông biết rằng mình cần tự nguyện rút lui nếu muốn giữ thể diện”, Patrick Moorhead, chuyên gia phân tích của Moor Insights & Strategy, chia sẻ trên Computerworld.
Ngay khi thông tin được phát đi, hãng cá cược Ladbrokes (Anh) đặt mức cược 1 ăn 5 cho việc Stephen Elop trở lại Microsoft làm CEO. Đây là mức cược thấp nhất, tương ứng với khả năng cao nhất có thể xảy ra. Trong khi đó, phương án Bill Gates lãnh đạo Microsoft là rất khó (1 ăn 50) còn việc Tim Cook đầu quân cho hãng này là gần như bất khả thi (1 ăn 100).
Khả năng Elop quay trở lại Microsoft làm CEO được đánh giá cao nhất. |
Như vậy, chuyện Elop trở thành CEO tiếp theo của Microsoft là điều giới phân tích đã tính đến. Vì thế, họ không hề bất ngờ khi ngày 3/9, tập đoàn phần mềm Mỹ tuyên bố mua lại bộ phận thiết bị của Nokia. Trong khi đó, Elop cũng rút khỏi vị trí CEO Nokia và chuyển sang phụ trách mảng thiết bị và dịch vụ – bộ phận được đánh giá là mang tính quyết định cho số phận của Microsoft trong tương lai.
Elop quay lại hãng phần mềm Mỹ sau 2 năm chinh chiến trời Âu được báo chí Mỹ ví như “ngày trở về nhà” của ông. Trong khi đó, Microsoft vẫn im lặng trước những ồn ào rằng họ đã vẽ ra một kế hoạch thâu tóm khôn ngoan và hoàn hảo.
Châu An
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình php