Trần lãi suất tiết kiệm đối với VND kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay chỉ còn 7%, nhưng nhiều người vẫn chọn ngân hàng là nơi cất trữ tiền nhàn rỗi của mình.
Một ngày đầu tháng 9, chị Hương Nhàn mang một tỷ đồng đến ngân hàng cổ phần trên đường 3/2, quận 10, TP HCM. Chị theo dõi kinh tế nhiều năm đều thấy khi tăng trưởng nóng, lạm phát tăng cao thì đầu tư chứng khoán, vàng, đặc biệt là bất động sản sẽ hiệu quả. Nhưng khi kinh tế trong tình trạng suy thoái thì gửi tiết kiệm là an toàn mà vẫn có lãi, ít ra là đủ bù đắp trượt giá.
“Hiện nay tình hinh kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Do đó, tôi quyết định gửi tiết kiệm cho đến hết năm nay”, chị bộc bạch.
Nhiều người vẫn thích gửi tiết kiệm. Ảnh: P.V. |
Chị Thanh Mai, TP HCM cũng tâm sự, tuần rồi có hai tỷ đồng gửi tiết kiệm đến hạn nhưng chị không rút về mà quyết định gửi lại nhà băng hưởng lãi suất. Bởi theo chị, các kênh khác như chứng khoán, vàng hay bất động sản vẫn còn ảm đạm, trong khi kinh doanh thì chị không rành. Do đó, gửi tiền tiết kiệm theo chị vẫn có nhiều lợi thế hơn.
Tuy nhiên, vì đang trong tâm thế chờ đợi các thị trường khác khởi sắc, nên số tiền hai tỷ này chị tạm thời gửi kỳ hạn ngắn 3 tháng, lãi suất 6% một năm. “Các kỳ hạn dài, lãi suất có cao hơn đôi chút nhưng tôi vẫn muốn gửi 3 tháng cho linh hoạt”, chị cho hay.
Một lãnh đạo của NamA Bank thừa nhận, dù lãi suất có giảm thế nào thì lâu nay khách hàng rất chuộng kỳ hạn ngắn để linh hoạt nguồn vốn. Tiền gửi tiết kiệm chủ yếu là 1-3 tháng tại nhà băng thường chiếm hơn 50% trong cơ cấu vốn
Có nhiều trường hợp, một số nhà băng muốn khuyến khích khách hàng gửi dài hạn nên nhân viên ngân hàng đã tư vấn cho khách có thể gửi dài hạn để hưởng lãi suất cao. Nếu khách cần tiền gấp mà chưa đến hạn thì có thể thế chấp sổ tiết kiệm vay tiền của ngân hàng. “Thực ra mức lãi suất này rất thấp, chủ yếu là để giúp khách hàng không bị tính theo lãi suất không kỳ hạn. Do đó, khách hàng gửi kỳ hạn dài cũng có tăng lên”, nhân viên của một ngân hàng nói.
Cũng có một số người do chưa có kế hoạch sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi của mình nên đã lựa chọn gửi ở kỳ hạn dài 9-12 tháng để hưởng lãi suất cao hơn. Cụ thể như trường hợp chị Nga, quận Bình Tân, TP HCM đang gửi tại một ngân hàng cổ phần lớn có chi nhánh trên đường Tỉnh lộ 10, Bình Tân số tiền một tỷ đồng, kỳ hạn 9 tháng.
Chị Nga cho biết, hiện nay kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhà băng chị đang gửi là 6%, trong khi kỳ hạn 9 tháng tới 8%. Theo tính toán của chị, với số tiền một tỷ đồng hiện tại, gửi hạn 9 tháng thì mỗi tháng chị có khoảng 6,7 triệu đồng tiền lãi, cao hơn gần 1,7 triệu đồng so với kỳ hạn ngắn (5 triệu đồng của mức lãi 6%).
“Số tiền chênh ấy tuy không lớn lắm, nhưng trong lúc nguồn tiền nhàn rỗi chưa biết làm gì sinh lời thì thấy cũng có lợi”, chị chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cho biết, hiện nay cơ cấu huy động theo kỳ hạn của ACB đang có xu hướng chuyển dịch sang kỳ hạn dài hơn (kỳ hạn từ 6 tháng trở lên). “Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tại nhà băng đang tăng trưởng rất tốt”, ông nói.
Ông Toại cũng thông tin, từ đầu năm đến nay, tiền gửi VND tại ACB đã tăng trên 9.000 tỷ đồng và tiền gửi USD tăng trên 79 triệu USD.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước trong báo cáo 8 tháng đầu năm cho biết, đến cuối tháng 8 năm nay, huy động vốn tăng 10,49% so với cuối năm 2012 và chủ yếu tập trung từ dân cư; trong đó huy động vốn bằng VND tăng 11,04%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 7,23%.
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi cộng đồng seo