Thu nhập của những người đứng đầu công ty hiện chỉ gấp 4 đến 5 lần lương bình quân của nhân viên nên chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người giỏi hay thu hút nhân tài về cho doanh nghiệp, theo đại diện Dragon Capital.
Phát biểu tại diễn đàn “Quản trị công ty và xây dựng cơ chế thù lao hiệu quả” tổ chức ngày 15/10, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhận định, chế độ tiền lương, đãi ngộ cho nhà quản lý tại doanh nghiệp hiện là vấn đề khá nhạy cảm nhưng cũng mang tính thời sự nóng hổi, nhận được nhiều sự quan tâm của nhà quản lý.
Đi vào cụ thể trong bài tham luận của mình, ông Vũ Hữu Điền – Giám đốc đầu tư của Dragon Capital cho rằng việc trả thù lao cho lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu tính cạnh tranh, chưa xứng đáng với công sức bỏ ra và không khuyến khích được sự đóng góp lâu dài của những cá nhân xuất sắc.
“Lương của Giám đốc điều hành nên ở trong khoảng 20 đến 30 lần lương bình quân nhân viên công ty”. Ảnh: Anh Quân |
“Ban điều hành phải chịu rất nhiều trách nhiệm trước cổ đông, khách hàng, chủ nợ, nhân viên, nhà cung cấp; đồng thời cũng phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường, phát triển công ty. Song, lương của họ hiện nay chỉ gấp vài lần (phổ biến là 4 đến 5 lần) lương bình quân của nhân viên”, vị này cho hay.
Trong khi đó, ở Mỹ năm 2013 thu nhập trung bình của các CEO doanh nghiệp tại các công ty trong S&P 500 lên tới 14,1 triệu USD, gấp 273 lần thu nhập bình quân của công nhân Mỹ.
Điều này dẫn đến hệ quả là doanh nghiệp Việt Nam bị chảy máu chất xám, cán bộ không gắn bó lâu dài và công ty bị kìm hãm sự phát triển, không gây dựng được đội ngũ kế thừa. Dù Bộ Tài chính đã có biện pháp khắc phục bằng cách ban hành Thông tư 121 ngày 26/7/2012 đề cập đến việc lập tiểu ban lương thưởng giúp HĐQT lên kế hoạch chi trả thù lao, song thực tế nhiều công ty chưa có tiểu ban này, hoặc nếu có thì tính độc lập chưa cao, ông Điền bày tỏ.
Do đó, để khuyến khích người lãnh đạo, theo đại diện của Dragon Capital, lương của Giám đốc điều hành nên ở trong khoảng 20 đến 30 lần lương bình quân nhân viên công ty.
Không chỉ vậy, thù lao cho người đại diện tại doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa cũng là vấn đề nhức nhối hiện nay. SCIC đang thực hiện quyền đại diện vốn tại 378 doanh nghiệp, trong đó có 76 doanh nghiệp đang niêm yết. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng Công ty này cũng phải thừa nhận giải quyết xung đột lợi ích trong thu nhập cho lãnh đạo vốn không dễ dàng với những công ty tư nhân, thì lại càng trở nên “nan giải” ở những doanh nghiệp Nhà nước vì những quy định chồng chéo và bất cập trong tư duy của nhà quản lý.
Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thường là thành viên do Bộ Tài chính hoặc Bộ chủ quản của đơn vị đó đề cử, nắm giữ vị trí trong HĐQT công ty. Ngoài lương được nhận tại cơ quan Nhà nước đang công tác, họ còn nhận được thù lao khi làm người đại diện vốn.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Warapatr Todhanakasem, chuyên gia tư vấn quản trị công ty của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, một bất cập hiện nay là doanh nghiệp trả thù lao cho người đại diện căn cứ trên số buổi họp tham gia, khiến những vị “quan chức” này không toàn tâm toàn ý lo cho doanh nghiệp.
“Nếu trả thù lao cho người đại diện theo các cuộc họp thì người đại diện sẽ trốn tránh trách nhiệm, tìm cách thoái thác với các dự án khó bằng cách không đưa ra ý kiến xây dựng hoặc tránh bỏ phiếu”, vị chuyên gia này nhận định. Bởi vậy, ông cho rằng cần xây dựng chế độ trả thù lao hàng tháng, xứng đáng với công sức để nâng cao trách nhiệm giải trình của người đại diện vốn trong HĐQT.
“Doanh nghiệp cần xây dựng chế độ thù lao hiệu quả để khuyến khích những nhà quản lý có năng lực, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo sự công bằng trong phân phối thu nhập”, ông Lai kết luận.
Huyền Thư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi lập trình web