Lãnh đạo một số ngân hàng hiện rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên” khi gần hết 8 tháng, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2%. Nhiều giải pháp đã được đưa ra với hy vọng kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp những tháng cuối năm.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM than thở, trong 7 tháng qua, dù đã cố gắng giảm lãi suất cho vay tối đa (thậm chí là 7% với các doanh nghiệp xuất khẩu) nhưng tăng trưởng tín dụng hiện tại mới ở mức 2%.
Theo ông, ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng bối cảnh hiện nay không hề dễ, nhất là vấn đề nợ xấu vẫn đang ám ảnh. Do đó, muốn cho vay, các nhà băng phải xem khách hàng đó là ai, họ thuộc lĩnh vực gì, và có nên trao vốn cho họ hay không.
Ngân hàng chạy nước rút tăng trưởng cuối năm. Ảnh: Lệ Chi. |
Theo đánh giá của vị này, những tháng tiếp theo, việc cho vay của ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là bối cảnh cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt. “Nếu cứ đều đều như hiện nay thì đến cuối năm khó lòng tăng được 6% chứ nói gì 12% như mục tiêu đề ra”, ông nói.
Ông thừa nhận, tín dụng không cho vay được thì không chỉ có doanh nghiệp “chết” mà bản thân ngân hàng cũng rất khó khăn. Bởi nguồn vốn huy động dư thừa là áp lực phải trả chi phí huy động. Do đó, các nhà băng phải “cật lực” tìm cách đẩy tín dụng những tháng cuối năm.
Vị lãnh đạo này cho biết, hiện nay cơ cấu nhân sự của nhà băng có sự thay đổi lớn. Song song với việc tăng cường bộ phận thu hồi nợ thì nhân viên phòng kinh doanh cũng được bổ sung khá hùng hậu để tung ra thị trường tìm kiếm khách hàng tốt nhằm đẩy nhanh tín dụng.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông (OCB), hiện nay không còn chuyện ngân hàng thụ động ngồi chờ doanh nghiệp tìm đến hỏi vay, mà bản thân nhà băng phải cử đội ngũ nhân viên đến tận nơi để tiếp cận doanh nghiệp, chào mời vay vốn. Phương án xét duyệt cũng phải nhanh và thuận tiện nhất cho khách hàng. “Tất cả quy trình đã có sẵn. Chỉ cần một cán bộ ngân hàng nào xử lý chậm trễ, gây phiền hà cho khách hàng sẽ bị xử lý ngay”, ông nói.
Ngoài ra, một trong những phương án để kích tín dụng truyền thống trước giờ là giảm lãi suất. Theo đó, các nhà băng đua nhau tung ra các gói cho vay dành cho doanh nghiệp với lãi suất 7-9% một năm.
Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi báo cáo cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay ở mức 7-9% mỗi năm tại các ngân hàng nhà nước. Cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5% một năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 11,5-12,8% một năm. Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7% một năm.
Lãnh đạo Eximbank bộc bạch, nhà băng đang cố gắng tiết giảm mức lãi suất tối đa để có thể tăng dư nợ. Theo ông, chưa năm nào mà biên lợi nhuận giữa huy động và cho vay tại Eximbank thấp như năm nay. Thế nhưng, tín dụng của ngân hàng 7 tháng đầu năm mới đạt mức 5,7%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư nợ đang dần tăng với tốc độ nhanh hơn và ông kỳ vọng cả năm sẽ hoàn tất mục tiêu 12% đã đề ra.
“Muốn làm được điều này, trong thời gian còn lại của năm, Eximbank sẽ đẩy mạnh vốn hỗ trợ doanh nghiệp, kể cả khách hàng cá nhân vay mua nhà”, ông nói.
Tương tự, lãnh đạo OCB nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị đang dần phục hồi. Đặc biệt, nhu cầu vốn cuối năm thường tăng cao nên ông tin rằng dư nợ trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12% cả năm thì bình quân mỗi tháng cuối năm cần tăng khoảng 1,3%. Những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng cao hơn vào những tháng cuối năm, và nếu theo quy luật này, nhiều khả năng chỉ tiêu tăng trưởng 12% theo định hướng đề ra từ đầu năm sẽ trở thành hiện thực.
Lệ Thanh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình web