Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ lãnh đạo đảng Cộng hòa trong việc can thiệp quân sự vào Syria và đang xem xét kế hoạch tấn công tối đa là 60 ngày và không có sự tham gia của bộ binh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) cùng Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner (giữa) trong cuộc họp tại Nhà Trắng bàn về kế hoạch tấn công Syria hôm qua. Ảnh: AFP |
Trong cuộc gặp với các nghị sĩ tại Nhà Trắng hôm qua, ông Obama nói ông chờ đợi cuộc bỏ phiếu “nhanh chóng” vào tuần tới sẽ thông qua việc can thiệp quân sự vào Syria. Sau cuộc họp, Chủ tịch Hạ viện John Boehner, người đấu tranh nhiều với ông Obama về các vấn đề trong nước, xác nhận ủng hộ kế hoạch của tổng thống.
“Tôi quyết định sẽ ủng hộ lời kêu gọi hành động của tổng thống”, AFP dẫn lời ông Boehner nói. “Đây là điều mà nước Mỹ nên làm”. Ông cũng kêu gọi các nghị sĩ của đảng Cộng hòa có quyết định như mình.
Một lãnh đạo quan trọng khác là lãnh đạo phe Cộng hòa trong Hạ viện Eric Cantor, nổi tiếng với quan điểm bảo thủ, cũng ủng hộ ông Obama.
“Syria của Tổng thống Assad là một quốc gia khủng bố, là hình ảnh thu nhỏ của một nhà nước lừa đảo và từ lâu đã là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ và các đối tác của chúng ta”, Cantor phát biểu.
Thượng nghị sĩ McCain chơi game trong cuộc điều trần
Trong khi Tổng thống Obama giành được sự ủng hộ ban đầu từ các nghị sĩ, Ngoại trưởng John Kerry cũng có bài phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện rằng Mỹ “cần đứng dậy và hành động” sau vụ tấn công mà nước này cho rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus làm 1.400 người chết.
“Đây không phải là lúc để cô lập bè phái. Đây không phải là lúc để giữ vai trò khán giả để theo dõi các vụ tàn sát. Đất nước cũng như lương tâm không cho phép chúng ta im lặng”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Trước mối lo ngại về sự can thiệp sâu, ông Kerry bước vào phòng họp sau khi chứng kiến cảnh một người dân hô to “không tham chiến ở Syria”. Người này cũng nói rằng “chúng tôi không thể chịu đựng thêm một cuộc chiến nữa, chúng tôi cần dịch vụ y tế”.
Hai cuộc thăm dò dư luận hôm qua cũng cho thấy công chúng Mỹ phản đối mạnh mẽ việc nước này tham dự vào cuộc khủng hoảng ở Syria. Khoảng 48% số người tham gia thăm dò của trung tâm nghiên cứu Pew cho biết họ phản đối “tiến hành can thiệp quân sự bằng không kích”, chỉ có 29% ủng hộ. Cuộc thăm dò của Washington Post-ABC cho thấy gần 60% số người phản đối không kích.
Tuy nhiên, Chủ tịch Thượng viện Mỹ, Robert Menendez, thành viên đảng Dân chủ, nói: “Có những nguy cơ khi hành động, nhưng hậu quả của việc không hành động còn lớn hơn và mối nguy hiểm vẫn tồn tại”.
Một số thành viên khác của đảng Dân chủ lại tỏ ra thận trọng hơn với đề xuất của ông Obama. Lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng bà muốn có thêm thông tin tình báo về vụ tấn công ngày 21/8, tuy nhiên bà vẫn nghiêng về phía bỏ phiếu ủng hộ ông Obama.
“Tổng thống Obama không vẽ ra ranh giới đỏ, nhân loại vẽ ra nó từ nhiều thập kỷ trước đây”, Pelosi nói.
Ông Obama nói vụ tấn công hôm 21/8 ở ngoại ô Damascus có liên quan đến chất độc sarin, cho thấy mối đe dọa lớn đối với Mỹ và các đồng minh. “Assad và chính quyền Syria cần phải chịu trách nhiệm về việc này”, tuy nhiênông khẳng định rằng Mỹ sẽ không sử dụng lực lượng mặt đất.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng khẳng định trước cuộc họp tại Thượng viện rằng không tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp. “Chúng ta chắc chắn sẽ không giải quyết cuộc xung đột tại Syria bằng biện pháp quân sự trực tiếp”.
Trong khi đó, Tổng thống Syria Assad phát biểu rằng cuộc tấn công dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ khiến Trung Đông chìm trong xung đột. “Mọi người sẽ mất kiểm soát và mọi thứ sẽ bùng nổ. Hỗn loạn và chủ nghĩa cực đoan sẽ lan rộng, dẫn đến nguy cơ của một cuộc chiến tranh khu vực”, Assad nói với báo Pháp Le Figaro.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cảnh báo một cuộc tấn công quân sự vào Syria sẽ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. “Chúng ta phải xem xét kỹ bất kỳ biện pháp hành động nào để tránh đổ máu nhiều hơn”, ông Ban cho hay.
Hơn 100.000 người thiệt mạng và 2 triệu người phải đi lánh nạn kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria tháng 3/2011. Đỉnh điểm của cuộc xung đột là vụ tấn công ở ngoại ô Damascus được cho là sử dụng vũ khí hóa học, làm hàng trăm người thiệt mạng.
Vũ Hà
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi cộng đồng seo