Jimmy Sexton đã bị buộc đóng tài khoản tại Volksbank (Áo) đầu năm nay. Còn Genevieve Besser, một người Mỹ sống tại Đức, có hai tháng để đóng tài khoản giao dịch chứng khoán tại ING-Diba.
Luật Thuế tài khoản nước ngoài ra đời năm 2010, yêu cầu các tổ chức trên thế giới báo cáo toàn bộ tài sản của công dân nước Mỹ tại nơi các tổ chức đó hoạt động. Mục đích là thu hồi hàng trăm tỷ USD thất thoát mỗi năm do trốn thuế. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng khiến các ngân hàng trên thế giới quay lưng với khách Mỹ.
Gerard Laures – chuyên gia thuế tại hãng kiểm toán KPMG nhận xét: “Công dân Mỹ sống ở nước ngoài thực sự đang gặp khó khăn với ngân hàng. Cứ như thể họ cho rằng có tài khoản ở nước ngoài là đang trốn thuế vậy. Trốn có dễ như thế đâu?”, Besser cho biết.
Nhiều ngân hàng nước ngoài từ chối khách Mỹ do luật thuế của nước này. Ảnh: Telegraph |
Theo luật, các tổ chức sẽ phải báo cáo mọi khoản, từ tiền gửi tiết kiệm, quỹ hưu trí, các khoản đầu tư. Việc này có thể khiến chi phí của họ đội thêm hàng triệu USD mỗi năm. Hơn nữa, tiền phạt cũng rất nặng, lên tới 30% thu nhập có nguồn gốc từ Mỹ nếu các tổ chức này không tuân thủ đúng luật. Vì thế, thay vì tính thêm phí để bù đắp khoản chi này, các ngân hàng chỉ đơn giản yêu cầu khách đóng tài khoản.
Ross Badger – chuyên gia tư vấn thuế tại Satis Asset Management cho biết khoảng một nửa khách hàng của ông đang gặp khó khăn với ngân hàng và việc này sẽ còn kéo dài.
Theo CNN, từ giữa năm 2011, Deutsche Bank đã đóng tài khoản chứng khoán của các công dân Mỹ ở nước ngoài vì luật này. HypoVereinsbank thuộc UniCredit (Italy) cũng có động thái tương tự. HSBC, Bank of Singapore và Raiffeisen (Thụy Sĩ) cũng không còn cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho công dân Mỹ ở một số nước.
Marylouise Serrato – Giám đốc điều hành tổ chức cho người Mỹ ở nước ngoài – American Citizens Abroad cho biết đó chỉ là một vài ví dụ. Giữ được tài khoản ngân hàng đã là một thách thức với họ. Mở tài khoản mới còn khó khăn hơn. Người Mỹ đang bị từ chối các dịch vụ như thế chấp, mua bảo hiểm và lập kế hoạch hưu trí. Vấn đề này đang khiến những người làm việc tại nước ngoài đau đầu. Một số thậm chí đã từ bỏ quốc tịch để tránh phiền hà về thủ tục.
Sau khi bị ING-Diba từ chối, Besser cho biết cô cũng gặp tình trạng tương tự tại Barclays, Fidelity, Franklin Templeton và một ngân hàng Đức khác trước khi mở được tài khoản. Sexton cuối cùng cũng tìm được một nhà băng có bộ phận chuyên về tài khoản của lao động nước ngoài.
Theo Badger, các tổ chức tài chính sẵn sàng tuân thủ luật có thể tận dụng số tiền gửi của người Mỹ. “Có rất nhiều tiền nhàn rỗi xung quanh họ”, ông cho biết.
Thùy Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi lập trình php