Trước bức xúc của doanh nghiệp vận tải về giá 3G kéo theo chi phí của thiết bị giám sát hành trình tăng lên, nhà mạng vừa đưa ra cam kết sớm đưa ra gói cước mới cho thiết bị này với giá dự kiến khoảng 10.000 đồng mỗi tháng.
Bộ giám sát hành trình là thiết bị cần thiết giám sát an toàn giao thông của xe. Ảnh: HC |
Tại cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải ngày 30/10, ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, sau hơn 10 ngày tăng cước 3G, đã có doanh nghiệp phải nạp tiền cước phát sinh lên tới 170 triệu đồng. “Nhiều công ty cho biết nếu cố gắng hết khả năng cũng chỉ trụ được đến ngày 10/11 vì không còn tiềm lực tài chính”. Khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng các gói cước phục vụ việc giám sát hành trình đang có nguy cơ bị xử phạt vì hộp đen không hoạt động.
Giám đốc Công ty CP CH Hà Nội Nguyễn Văn Hải lo lắng, đơn vị này cung cấp khoảng 2.500 thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên ôtô của các doanh nghiệp vận tải. Trong hơn 10 ngày vừa qua, công ty đã phải nạp thêm 45 triệu đồng cước phát sinh. Đến ngày 30/10, chỉ còn 1.086 thiết bị lắp đặt hoạt động, số còn lại phải tạm ngừng vì doanh nghiệp không đủ tiền nạp.
Ông Tạ Quang Thuận, đại diện Chi hội thiết bị giám sát hành trình, cho biết, cách tính cước thay đổi, khi xe dừng lại hay bị mất sóng thì càng tốn càng nhiều dung lượng, khiến các sim nhanh chóng hết tiền. Ông Thuận đề nghị có gói cước phù hợp giá thấp khoảng 10.000 đồng mỗi tháng, tốc độ không cần cao.
“Khi chúng tôi chọn mua sim cho các thiết bị giám sát hành trình đã tham khảo các gói cước tối ưu nhất với các thiết bị. Gói chuyên biệt của Viettel không tăng trong đợt này nhưng so với các gói như Mi10, Laptop Easy ở thời điểm mua vẫn đắt hơn”, ông Thuận cho biết.
Trong số 6 nhà mạng ở Việt Nam hiện, 3 mạng lớn (Viettel, Mobifone, Vinaphone) cung cấp dịch vụ giám sát phương tiện vận tải, trong đó Viettel chiếm khoảng 70% thị phần với 8 gói cước có mức thuê bao từ 15.000 đồng mỗi tháng. Theo giải thích của đại diện nhà mạng quân đội, đơn vị đã cung cấp dịch vụ từ đầu năm 2011, hiện có hơn chục nghìn thuê bao đang sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã tự mua và dùng các sim D-com, di động thông thường thay vì các gói chuyên biệt để sử dụng nên đã chịu ảnh hưởng khi giá cước 3G được điều chỉnh.
“Trong trường hợp doanh nghiệp tự ý sử dụng các sim D-com và Mobile Internet thì chúng tôi không thể quản lý được trên hệ thống để áp dụng mức cước ưu đãi”, bà Phạm Thị Thanh Vân, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom khẳng định. Bà Vân chia sẻ thêm, sau khi có ý kiến của các doanh nghiệp vận tải và Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu xem xét ảnh hưởng khi điều chỉnh cước 3G, nhà mạng đã làm việc với các công ty cung cấp thiết bị giám sát hành trình.
“Chúng tôi sẽ tính toán các gói cước riêng cho nhiều doanh nghiệp, sớm nhất là 16/11 mới có thể áp dụng giá mới do phải phụ thuộc chu kỳ tính cước” (chia hai đợt vào ngày 1 và 16 hàng tháng), đại diện nhà mạng nói.
Cũng tại buổi làm việc sáng 30/10, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết nhà mạng có gói cước giám sát hành trình cho các doanh nghiệp vận tải. Hiện các gói này không có bắt cứ điều chỉnh nào. “Trước khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng, chúng tôi sẽ đưa simcard để dùng thử từ một đến 2 tháng”, lãnh đạo Mobifone nói.
Trao đổi với VnExpress, Viettel cho hay đã có cuộc gặp gỡ Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam để tìm hướng tháo gỡ khó khăn hiện tại. “Chúng tôi đã thảo thuận quanh việc áp dụng gói cước đặc biệt khoảng 10.000 đồng mỗi tháng, tuy nhiên điều chỉnh hay ban hành gói phải tuân thủ quy định của Bộ”, nhà mạng giải thích.
Trong khi đó, hai doanh nghiệp viễn thông lớn còn lại là Vinaphone và Mobifone cho biết sẵn sàng ngồi vào bàn thương thảo để cùng tìm giải pháp, đưa ra gói cước phù hợp cho các công ty vận tải. “Chúng tôi cũng đề xuất gói chuyên biệt khoảng từ 10.000 đồng”, đại diện một đơn vị cho hay.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cam kết sẽ tạo điều kiện, giải quyết nhanh về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh gói cước và yêu cầu, gói cước mới phải được bóc tách rõ ràng giữa yêu cầu về dịch vụ và hàng hóa.
Trước mối lo ngại khi thiết bị GPS ngừng hoạt động, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, lãnh đạo Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng dời thời hạn xử phạt các doanh nghiệp vận tải không có hộp đen hoặc thiết bị này không hoạt động từ 30/11. Do vậy, Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo Viettel sớm quyết định phương án giá cước với cơ quan quản lý để áp dụng cho các thiết bị giám sát hành trình hoạt động càng sớm càng tốt.
Đoàn Loan – Anh Quân
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi cộng đồng seo