Các doanh nghiệp viễn thông đang muốn tự mình phát triển ứng dụng hoặc bắt tay cùng phát triển với những công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin và thoại qua internet để bớt nỗi lo mất doanh thu.
Nhà mạng và công ty OTT muốn kết hợp với nhau để đảm bảo lợi ích cho đôi bên. Ảnh: Anh Quân |
Xuất hiện và phát triển mạnh tại Việt Nam trong vòng 3 năm qua, các ứng dụng thoại và nhắn tin miễn phí qua Internet (Over The Top – OTT) thường nhận được không ít phản đối của các nhà mạng. Nguyên nhân chính là các ứng dụng này đẫ khiến họ mất đi một phần đáng kể doanh thu.
Tuy nhiên, để đảm bảo được lợi ích của mình, gần đây, một số doanh nghiệp công nghệ nói chung và nhà mạng nói riêng lại bày tỏ ý định tham gia thị trường OTT bằng sản phẩm mới, hoặc kết hợp với các công ty có sẵn.
Nhận được nhiều đồn đoán sẽ tiên phong trong lĩnh vực này, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) hiện vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể. Trao đổi tại hội thảo gần đây về OTT, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ đơn vị đang đầu tư rất lớn về nhân sự cho mảng phát triển ứng dụng. Quan điểm của ông Hùng cho rằng các nhà mạng giờ nên coi việc hợp tác với công ty OTT là cơ hội kinh doanh thực sự.
Trong khi Viettel còn bỏ ngỏ câu trả lời về hướng đi thì cả Vinaphone và Mobifone đều xác nhận sẽ tham gia thị trường OTT. Tuy nhiên, thay vì tự phát triển sản phẩm riêng, 2 nhà mạng này cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với những tên tuổi đã có sẵn trên thị trường.
Không chỉ các doanh nghiệp viễn thông, những công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí trên Internet đang hoạt động tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn cùng hợp tác để chấm dứt cảnh “sống trong sợ hãi” do chưa có cơ chế quản lý rõ ràng từ cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Phong Lộc, người phụ trách mảng Ứng dụng và Game của công ty NHN Việt Nam (đơn vị cung cấp phần mềm LINE Messenger) gợi ý các bên cùng hợp tác, đưa ra thêm các dịch vụ phi thoại, giá trị gia tăng… tập trung vào nhu cầu người dùng. Việc liên kết giữa đôi bên doanh nghiệp OTT với nhà mạng sẽ tạo ra lợi ích cho người dùng và đơn vị liên quan.
Theo đại diện LINE, nhà mạng có lợi về nguồn lực hạ tầng, lượng khách hàng còn OTT lại sở hữu sự sáng tạo. “Nếu kết hợp với nhau, chắc chắn sẽ giúp người dùng có thêm nhiều dịch vụ giá trị”, ông Lộc nhận xét. Ông cũng đề xuất mô hình cụ thể khi ngồi cùng nhà mạng đàn phán để cho ra mắt sản phẩm riêng mang thương hiệu của từng đơn vị hoặc đồng thương hiệu như Viettel – Line, Vinaphone – Line…
Đồng quan điểm, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG (chủ sở hữu ứng dụng OTT tên Zalo) cho rằng để phát triển lâu dài thì các bên cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, thay vì hợp tác dừng lại ở việc để OTT chạy trên nền dịch vụ nhà mạng như hiện nay.
Việc doanh nghiệp viễn thông bước chân vào thị trường OTT không còn lạ lẫm trên thế giới. Theo các chuyên gia, các hãng viễn thông không đứng ra phát triển ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí của riêng mình mà chọn cách hợp tác với những công ty OTT mạnh, vừa để tiết kiệm đầu tư, nguồn lực phát triển, vừa có lợi về nền tảng dịch vụ.
Nhưng khi các đơn vị đang loay hoay tìm giải pháp chung với các công ty OTT thì công nghệ đã có thêm bước tiến nữa. Các nhà sản xuất phần cứng, điển hình mới nhất là Apple, đã bắt đầu tích hợp OTT lên chính thiết bị của mình mà không cần thông qua doanh nghiệp phần mềm. Táo Khuyết mới tung ra hệ điều hành iOS 7 cho phép người dùng không chỉ nhắn tin miễn phí (iMessage) mà còn có thể gọi điện trên nền dữ liệu mạng (tính năng Facetime Audio).
Anh Quân
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.1 bởi lập trình web