Comments Off on Nhiều doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Nhiều doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Kiểm toán phát hiện hàng loạt công ty niêm yết thiếu vốn lưu động, tồn kho lớn, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, nhiều khoản cho vay khó đòi… trong 6 tháng đầu năm.

Trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Đầu tư & phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC, mã CK: VCR), kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của doanh nghiệp.

Bất động sản là hoạt động kinh doanh chính của công ty, nhưng trong bối cảnh hiện tại, ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, dự án tạo nguồn kinh doanh chính của công ty là Khu Đô thị – Du lịch Cái Giá – Cát Bà đã triển khai chậm lại từ năm 2012 tới nay. Tại ngày 30/6, công ty đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn trả. 

Hồi đáp những nghi ngờ này, Ban tổng giám đốc Vinaconex-ITC cho biết, công ty đã có khoản cam kết tín dụng của Ngân hàng Agribank với hạn mức 400 tỷ đồng có thời hạn 5 năm kể từ lần giải ngân đầu tiên vào 19/5/2011. Đến 30/6, công ty đã rút 166,6 tỷ đồng và hạn mức tín dụng còn lại 233,4 tỷ đồng. Như vậy, công ty có thể vay với các điều khoản phù hợp để thanh toán cho các nhà thầu xây dựng dự án Khu Đô thị – Du lịch Cái Giá – Cát Bà.

batdong-san-1378201632.jpg
Nhiều công ty bất động sản bị kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục và thu hồi công nợ. Ảnh minh họa

Cũng bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, đến ngày 30/6, số dư hàng tồn kho của Công ty cổ phần bất động sản Việt Nam (Mã CK: VNI) có giá gốc là 206 tỷ đồng, chiếm 89,3% tài sản ngắn hạn. Đây chủ yếu là các dự án bất động sản đang được xây dựng để bán. Cụ thể, công trình của công ty thuộc các dự án Vinaland Tower, dự án Saigon South Center và quyền hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư khác. Như vậy, với số dư tồn kho lớn trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng, có thể dẫn đến rủi ro và mất khả năng thanh toán ngắn hạn đối với tập đoàn.

Một số doanh nghiệp niêm yết khác cũng bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục như Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG (TNG), Công ty cổ phần vận tải biển (VOS), Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR)…

Tại Tổng công ty cổ phần tài chính dầu khí Việt Nam (PVF), kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ và lưu ý liên quan đến khoản cho vay với Vinashin và Vinalines trong báo cáo soát xét hợp nhất bán niên 6 tháng đầu năm 2013.

Theo đó, ý kiến ngoại trừ được đưa ra với khoản cho vay đồng tài trợ đối với Công ty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon), đơn vị trực thuộc Vinalines trị giá 35,3 triệu USD (742,6 tỷ đồng) và lãi dự thu hơn 4 triệu USD (84 tỷ đồng). Giá trị tài sản đảm bảo còn lại là tàu biển được ngân hàng đầu mối định giá ngày 8/8/2007 là 8,95 triệu USD (188,3 tỷ đồng). Trong năm 2012, PVF đã tiếp nhận thêm tài sản đảm bảo và vẫn đang trong quá trình xử lý tàu biển trên.

Bên cạnh đó, khoản ủy thác cho vay thông qua Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tàu thủy (VFC) đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines (đơn vị được bàn giao từ Vinashin sang Vinalines) với số dư gốc vay 20,2 triệu USD (425,8 tỷ đồng) và lãi dự thu 2,1 triệu USD (44,5 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo là tàu Vinashin Liner 2 (4,2 triệu USD-89,4 tỷ đồng) và tàu Vinashin Atlantic (26,2 triệu USD-551,5 tỷ đồng). Khoản vay này được bảo lãnh cam kết trả nợ thay bởi Vinashin. 

Hiện, PVF thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước giữ nguyên trạng thái nợ đối với các khoản cho vay này và chưa trích dự phòng bổ sung. Tuy nhiên, do Falcon và Vinashinlines thuộc danh sách doanh nghiệp phá sản theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty hàng hải Việt Nam 2012-2015 nên phía kiểm toán không thể xác định được giá trị có thể thu hồi đối với các số dư tín dụng này và mức dự phòng cần trích lập.

Công ty cổ phần xây dựng công nghiệp & dân dụng dầu khí (PXI), theo lưu ý của kiểm toán, tại ngày 30/6, công nợ ngắn hạn phải trả của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền khoảng 89 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của công ty âm với số tiền khoảng 111 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn của công ty có thể gặp khó khăn. Ngoài ra, công ty vẫn chưa thực hiện trích lập dự phòng phải thu 61 tỷ đồng khi chưa đánh giá được khả năng thu hồi.

Bên cạnh đó, công ty cũng chưa trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trị giá 12 tỷ đồng khi thi công Công trình mở rộng khách sạn Đà Lạt và Chung cư 34 tầng Trung tâm tài chính dầu khí Phú Mỹ Hưng.

Ngoài những đơn vị bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, lưu ý về khoản cho vay khó đòi, công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn còn có công ty chưa dự thu và chi dòng tiền gửi trong ngân hàng như Công ty chứng khoán Phương Đông (ORS). Công ty cổ phần Lilama 7, kiểm toán viên lưu ý về chỉ tiêu “chi phí trả trước ngắn hạn” chưa rõ ràng…

Đánh giá về những ý kiến ngoại trừ trên của kiểm toán, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF) nhận xét, chuyện kiểm toán lưu ý doanh nghiệp xưa nay vẫn phổ biến, dù vậy hiện tượng này có phần gia tăng trong mùa báo cáo năm nay.

“Nhìn chung chất lượng báo cáo tài chính năm nay rất kém. Nguyên nhân lớn có thể bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp cho vay chéo nhau rồi không đòi được nợ. Ngày xưa ai cũng nghĩ chỉ có ngân hàng mới làm vậy, nay thì chính các doanh nghiệp trong ngành cũng cho vay đủ các loại, đặc biệt khối bất động sản, xây dựng, nợ khó đòi chéo nhau lung tung nhưng lại không trích lập dự phòng. Kiểm toán “sờ” đến rồi mới lộ ra những chênh lệch”, ông Đức nhận định.

Theo ông Đức, không chỉ doanh nghiệp quy mô nhỏ, hay làm giá chứng khoán mới gặp phải vấn đề này, ngay cả những công ty có cổ phiếu thuộc hàng blue-chip cũng rơi vào trường hợp tương tự. Do vậy, để đầu tư và “sống khỏe” với những doanh nghiệp như vậy, ông Đức khuyến nghị nhà đầu tư phải sử dụng nhiều biện pháp phân tích riêng và dựa thêm các kênh thông tin khác để ước lượng ngưỡng an toàn cho danh mục.

“Chẳng hạn, ngân hàng báo nợ xấu 4%, nhưng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước có khả năng mình phải nâng mức này lên gấp đôi, sau đó trừ thêm các giá trị sổ sách để ra số hợp lý. Thông tin không chính xác thì nhà đầu tư nên nhân đôi, nhân ba các số liệu xấu thì sẽ có ngưỡng khá an toàn”, ông Đức phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn – môi giới chứng khoán kiêm nhà đầu tư lâu năm ở Hà Nội nhận xét, để kiếm tiền và tồn tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không thể chỉ dựa vào mỗi báo cáo tài chính. “Những thông tin như vậy có thể chỉ hữu ích khi làm phân tích kinh tế, phân tích ngành. Còn đối với giới đầu tư hay lướt sóng như tôi, nhiều khi cứ thấy đồ thị kỹ thuật đẹp là mua cổ phiếu”, anh chia sẻ.

Theo ông Tuấn, tính minh bạch trên thị trường Việt Nam còn hạn chế, ngay cả khi kiểm toán không lưu ý, ông vẫn hoài nghi về độ trung thực của các số liệu trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, “trong một tập thể như vậy, mình vẫn phải chấp nhận và thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt mọi ngóc ngách thông tin để hiểu bản chất thật của doanh nghiệp”, anh Tuấn nói.

Hồng Châu – Tường Vi

Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net

Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi webmaster viet nam

Filed in: Tin Tức Tags: , ,

Get Updates

Share This Post

Recent Posts

Khởi nghiệp | Dạy học chơi đánh đàn guitar ở sài gòn | Trắng răng an toàn | Dạy học biểu diễn múa bụng bellydance sài gòn | Bảo hiểm sức khỏe | Chụp hình ảnh 360 độ | Ship hàng taobao hcm | Công ty dịch thuật | Máy tính tiền | Nấm linh chi | Bao da ốp lưng điện thoại | Shop mua bán bài tarot