Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình báo cáo kết quả thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế trong phiên họp thường kỳ tháng 9.
Trước đó, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 19/2/2013. Trọng tâm tái cơ cấu bao gồm đầu tư công, các tổ chức tín dụng và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đến nay, dù chưa có báo cáo chi tiết về kết quả thực hiện, trong văn bản được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình lên Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 mới đây, cơ quan này cho biết một số nét về tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu trong thời gian qua.
Theo đó, tái cơ cấu đầu tư công đã bước đầu khắc phục được sự đầu tư dàn trải trong nhiều năm qua. Dự kiến, đến giai đoạn 2016 – 2020, Nhà nước sẽ kiểm soát được đầu tư công do Trung ương quản lý.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư sắp trình báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đến tháng 6/2013, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 17 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, dừng thí điểm mô hình tập đoàn với 2 đơn vị trong ngành xây dựng (Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam – HUD), trình Bộ Chính trị thông qua đề án tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Các Bộ cũng đã phê duyệt 26 đề án tái cơ cấu tổng công ty trực thuộc.
Về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, hoạt động của hệ thống đã từng bước đảm bảo an toàn, ổn định, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đẩy lùi. Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt 8 phương án tái cơ cấu với 9 ngân hàng TMCP yếu kém, tính đến nay, toàn hệ thống chỉ còn 34 ngân hàng, giảm 3 ngân hàng so với trước tái cơ cấu và sẽ giảm tiếp 2 tổ chức tín dụng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Bộ Chính trị và Thủ tướng phê duyệt đề án xử lý nợ xấu và đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm có thêm công cụ xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các kết quả của quá trình tái cơ cấu chưa thực sự được thể hiện, sức ỳ vẫn rất lớn. “Hiện nay trong 3 lĩnh vực mới có 2 đề án là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tiến độ thực hiện cũng rất chậm chạp”, vị này nói.
Chẳng hạn, tái cơ cấu doanh nghiệp mới dừng ở việc các tập đoàn, tổng công ty trình đề án để Chính phủ phê duyệt và tập trung giảm đầu tư ngoài ngành, nhưng các vấn đề doanh nghiệp sau tái cấu trúc sẽ hoạt động như thế nào, tập trung vào vấn đề gì, minh bạch hóa hoạt động ra sao thì chưa được nói tới. Trong lĩnh vực ngân hàng, đến nay cũng chưa có bằng chứng rõ ràng về tính hiệu quả của các ngân hàng sau khi sáp nhập, nợ xấu vẫn là bài toán khó. “VAMC cũng chưa phải là phép thần thông giải quyết nợ xấu của hệ thống hiện nay”, chuyên gia này nhận định.
Trong bản báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Chính phủ, cơ quan này cũng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt kế hoạch đề ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn chậm, đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.
Về tái cơ cấu đầu tư công, do trước đây phê duyệt nhiều dự án quá khả năng cân đối vốn nên hiện nay vẫn chưa xử lý xong, nhất là khu vực địa phương quản lý. Quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai như khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng chưa hoàn chỉnh, Nhà nước không đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính, sự thiếu hợp tác từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng yếu kém…
Từ đó, bà Lan cho rằng, Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, bởi tái cơ cấu thành công sẽ góp phần giúp nền kinh tế khắc phục những yếu kém nội tại, vươn lên tăng trưởng vững chắc và vượt qua những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang lại.
Sau khi trình Chính phủ xem xét vào tháng 9, báo cáo kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế sẽ được trình Quốc hội trong phiên họp sắp tới.
Huyền Thư
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi diễn đàn seo