Theo PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, những người bị bệnh huyết áp dễ gặp các biến chứng về tim mạch khi quan hệ tình dục. Huyết áp cao còn là nguyên nhân gây rối loạn cương dương cho nam giới.
Hàng trăm câu hỏi được độc giả VnExpress gửi tới cho PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và Đại tá, Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh trong buổi tư vấn trực tuyến về cách phòng và điều trị bệnh cao huyết áp. Rất nhiều độc giả cho biết họ là giới văn phòng thuộc độ tuổi trên 30 nhưng đã là bệnh nhân huyết áp từ nhiều năm trước. Theo các chuyên gia, căng thẳng thần kinh, lười vận động, thừa cân, béo phì hoặc uống nhiều bia rượu… là thủ phạm gây bệnh huyết áp.
– Người bị cao huyết áp có ảnh hưởng gì đến chức năng tình dục? Quan hệ tình dục nên như thế nào? Có gì khác biệt giữa nam và nữ cao huyết áp? (Trọng Nguyễn, TP HCM)
PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn. |
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội:
– Bản thân bệnh tăng huyết áp ít ảnh hưởng tới chức năng tình dục. Tuy nhiên, những nguy cơ của bệnh tăng huyết áp như thừa cân béo phì, lười vận động, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng thần kinh… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tình dục. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ tình dục. Những người bị tăng huyết áp rất nặng, huyêt áp trên 180/mmHg thì quan hệ tình dục có thể bị nguy hiểm vì huyết áp thường tăng rất cao ở thời điểm này và có thể gây ra các biến chứng tim mạch. Bệnh nhân nên điều trị huyết áp ổn định trước khi quan hệ tình dục để tránh các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra. Trong quan hệ tình dục nam giới là người chủ động do vậy nếu bị rối loạn chức năng cương dương thì không thể quan hệ tình dục. Đối với phụ nữ thì ít ảnh hưởng hơn.
– Tôi năm nay 29 tuổi làm việc văn phòng. Thỉnh thoảng làm việc nhiều với máy tính tôi có bị hoa mắt chóng mặt. Vậy tôi có nguy cơ gì về bệnh huyết áp không? Ở độ tuổi nào thì nên khám dự phòng bệnh tăng huyết áp? Chế độ ăn và việc tập luyện có trong tác dụng gì điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh tăng huyết áp? (Hải Anh, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
– Hoa mắt chóng mặt là triệu chứng của rất nhiều bệnh, vì vậy bạn cần đi khám để các bác sĩ xác định bệnh. Làm việc trong điều kiện căng thẳng nhiều áp lực cũng là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, tất nhiên người cao tuổi tỷ lệ tăng huyết áp sẽ cao hơn, vì vậy nên khám sức khỏe định kỳ và không quên kiểm tra huyết áp. Chế độ ăn và việc tập luyện đặc biệt quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa biến chứng của tăng huyết áp. Trong những trường hợp mới bị tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, làm việc nghỉ ngơi hợp lý đã có thể làm giảm huyết áp từ 5-10 mmHg, chưa cần phải dùng thuốc.
Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh. |
– Tôi 61 tuổi, bị cao huyết áp 2 năm nay, tôi cần có chế độ ăn uống và tập luyện như thế nào để có sức khỏe tốt. Cảm ơn bác sĩ! (Văn Nam, Hải Phòng)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn:
– Chế độ ăn uống và luyện tập vô cùng quan trọng đối với bệnh tăng huyết áp nói riêng cũng như bệnh tim mạch nói chung. Người bị bệnh tăng huyết áp nên ăn nhạt hơn bình thường, kiêng mỡ động vật, các nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, hạn chế rượu bia, cai thuốc lá và tập luyện thể dục đều đặn. Cách luyện tập tốt nhất là đi bộ với tốc độ nhanh khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
– Tôi năm nay 35 tuổi, huyết áp của tôi hơi cao nhưng công việc thường xuyên phải giao lưu tiếp khách, xin hỏi uống rượu bia có được không? (Phạm Hạnh, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
– Uống bia rượu nhiều và thường xuyên say sẽ làm tổn thương gan, gây xơ gan do rượu, ngoài ra nó còn là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và các biến chứng . Hiện tại huyết áp của bạn đang ở giai đoạn tiền tăng huyết áp, vì vậy bạn nên hạn chế bia rượu và thường xuyên kiểm tra huyết áp vì bạn rất dễ bị tăng huyết áp.
– Tôi năm nay 45 tuổi, cao 1m68 và nặng 78 kg. Tôi bị bệnh huyết áp thấp vậy tôi có thể giảm cân bằng phương pháp nào? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi! (Minh Trang,, Hải Dương)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn:
– Nguyên tắc giảm cân là năng lượng đưa vào cơ thể qua đường ăn uống phải thấp hơn năng lượng tiêu hao qua hoạt động hàng ngày. Có nhiều cách để giảm cân như dùng thuốc, thực phẩm chức năng… nhưng thường không đạt hiệu quả như mong muốn. Cách giảm cân đơn giản và hiệu quả nhất là giảm năng lượng ăn uống hàng ngày bằng cách tăng cường ăn rau xanh, hoa quả và thịt nạc hoặc cá; hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều chất béo như mỡ động vật kể cả dầu thực vật vì dầu thực vật không làm tăng cholesterol máu nhưng vẫn là dầu nên vẫn mang nhiều năng lượng. Rượu cung cấp nhiều năng lượng nên cũng cần hạn chế. Người muốn giảm cân cũng nên tăng cường luyện tập, đặc biệt là luyện tập tăng cường sức bền như đi bộ, chạy, bơi, xe đạp…
– Chào bác sĩ, để phòng bệnh huyết áp thấp thì cần làm những gì ạ? Xin cảm ơn bác sĩ! (Nhật Nam, Hải Dương)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Huyết áp thấp thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ trẻ. Để điều trị bệnh huyết áp thấp, ngoài việc luyện tập thể dục thường xuyên như đi bộ, bơi… thì tập yoga cũng rất hiệu quả để điều trị bệnh huyết áp thấp. Người bị bệnh huyết áp thấp nên ăn mặn hơn bình thường. Ngoài ra, hiện nay Đông y có một số thực phẩm chức năng có hiệu quả trong việc điều trị bệnh huyết áp thấp. Người bệnh huyết áp thấp cũng nên làm việc và nghỉ ngơi điều độ tránh làm việc quá sức thức khuya, nhịn ăn quá bữa, nên uống đủ nước vào mùa hè và tránh môi trường nóng ngột ngạt.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn |
– Gia đình tôi định đưa bố chồng đi chữa bệnh huyết áp cao ở bệnh viện Thu Cúc, nhưng nghe nói rất đắt đỏ. Bệnh viện hiện nay có chương trình ưu đãi gì không? (Trần Anh Thơ, TP HCM)
– PGS, TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc: Thứ nhất, chi phí khám và chữa bệnh tại bệnh viện Thu Cúc rất vừa phải, chứ không đắt đỏ như mọi người nghĩ. Mặc dù mức chi phí có cao hơn bệnh viện công nhưng vẫn nằm trong khung cua Bộ Y tế. Anh chị có thể tham khảo giá niêm yết tại bệnh viện. Bệnh viện Thu Cúc vẫn khám chữa bệnh cho bệnh nhân có Bảo hiểm y tế đúng tuyến, trái tuyến theo đúng quy định.
Thời gian tới, bệnh viện có thực hiện chương trình khám, tầm soát bệnh lý tim mạch cho tất cả mọi người. Lúc đó, bệnh viện sẽ có chương trình ưu đãi, giảm giá, tặng kèm dịch vụ, nhận thẻ ưu đãi cho những lần khám sau.
Vào thứ 4 và thứ 5 hằng tuần trong thời gian từ ngày 16/9 đến ngày 5/10, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tổ chức khám miễn phí bệnh tim mạch cho tất cả mọi người, với sự tham gia khám của các giáo sư đầu ngành. Bạn có thể đưa bố chồng đến khám và tư vấn.
– Thưa bác sỹ, huyết áp tôi cứ lúc cao lúc thấp thất thường mặc dù tôi đã uống thuốc tây để điều hòa huyết áp, người mệt mỏi, hay bị đau đầu, bây giờ tôi phải làm thế nào để huyết áp ổn định, hết mệt mỏi và đau đầu? Tôi xin cám ơn bác sỹ! (Nhật Anh, Hà Nội)
– PGS-TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Như vậy là kết quả điều trị của Bác chưa tốt, huyết áp chưa ổn định, rất có thể xẩy ra các biến chứng. Trước mắt bác cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt tránh căng thẳng và nên đi khám để bác sĩ tư vấn và chỉnh liều hoặc thay đổi thuốc cho bác.
– Quá trình chữa bệnh tim và huyết áp cần chuẩn bị và lưu ý những gì thưa bác sĩ? (Trịnh Phương Lan, Hà Nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Trong điều trị bệnh tim và huyết áp, chúng ta cần phải lưu ý thứ nhất là chế độ điều trị không dùng thuốc bao gồm chế độ ăn, sinh hoạt (học tập, làm việc, nghỉ ngơi) và chế độ điều trị dùng thuốc. Tốt nhất bạn phải được khám và điều trị, tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế.
Vì bệnh tim và huyết áp và bệnh mãn tính không điều trị khỏi hoàn toàn do vậy bạn cũng cần tuân thủ chế độ tái khám định kỳ, đúng theo hẹn của bác sĩ. Khi thấy những bất thường như khó thở, đau ngực, ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi nhiều thì nên đi khám ngay.
– Thưa bác sĩ mẹ chồng tôi bị tăng huyết áp, số đo huyết áp không được ổn định. Gần đây thỉnh thoảng bà thấy tức bên ngực trái. Bác sỹ cho tôi hỏi như vậy mẹ tôi bị bệnh gì và có nguy hiểm hay không? (Kim Thủy, TP HCM)
-Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Đau ngực trái có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bản thân tăng huyết áp cũng có thể gây đau ngực do thiếu máu dưới nội tâm mạc. Vì vậy khi bị đau ngực rất cần đưa bà đến bệnh viện để bác sĩ khám xét xem bà có bị bệnh động mạch vành không vì đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra đau ngực trái. Khi bác sĩ khẳng định hệ thống động mạch vành của bà bình thường thì cần điều trị huyết áp cho cho thật ổn định, khi huyết áp không lên xuống thất thường thì tình trạng đau ngực sẽ thuyên giảm. Nếu huyết áp ổn định mà đau ngực trái không đỡ thì nên đưa bà đến bệnh viện để các bác sĩ làm thêm một số thăm dò khác để xác định nguyên nhân đau ngực.
– Cháu nghe nói bệnh viện Thu Cúc có rất nhiều chuyên gia giỏi. Về bệnh huyết áp thì bệnh viên có bác sĩ đầu ngành không ạ? Chi phí khám chữa bệnh thế nào ạ? (Trần Mạnh Văn, 26 tuổi)
– PGS, TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc: Mặc dù mới thành lập nhưng bệnh viện Thu Cúc có nhiều chuyên gia về các chuyên ngành khác nhau, trong đó có chuyên gia về bệnh tim mạch và huyết áp nói chung. Đứng đầu là PGS, TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Quýnh với hơn 30 năm kinh nghiệm, công tác tại bệnh viên Trung ương Quân đội 108. Ngoài ra, bệnh viện có rất nhiều bác sĩ giỏi về bệnh lý tim mạch.
Còn về chi phí, cháu nên tham khảo bảng giá của bệnh viện. Chi phí nằm trong khung của Bộ Y tế cho chất lượng khám và dịch vụ tốt.
– Tôi bị cao huyết áp 3 năm nay, uống thuốc đều theo toa bác sĩ. Tuy nhiên cách đây nửa tháng, sau khi ăn cơm xong, tôi thấy khó chịu nên uống thuốc sớm. Sau đó mức khó chịu không giảm. Tôi đo huyết áp bằng nhiệt kế điện tử thì không đo được. Vào bệnh viện, bác sĩ xác nhận huyết áp có tăng, cho ngậm 1 viên thuốc dưới lưỡi. Sau 1 tiếng kiểm tra lại huyết áp xuống 13/8, kiểm soát đường chỉ 9.7. Sau đó bác sĩ cho về tôi hỏi nguyên nhân bác sĩ không trả lời chỉ dặn uống thuốc như cũ và theo dõi. Xin lý giải? (Nguyễn Quý, 58 tuổi, 105 Nguyễn Tất Thành TP HCM)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Chỉ số huyết áp có thể thay đổi theo thời gian. Đặc biệt khi thay đổi thời tiết huyết áp có thể tăng lên, và đây cũng là thời điểm xảy ra những biến chứng tim mạch. Việc điều trị bệnh tăng huyết áp phải đạt được mục tiêu là đưa huyết áp xuống dưới 140/90mmHg. Trong quá trình điều trị bệnh nhân nên tự đo huyết áp tại nhà để đảm bảo trị số huyết áp nằm trong giới hạn này. Cảm giác khó chịu có thể là do huyết áp quá cao hoặc ngược lại khi huyết áp thấp quá. Do vậy, trong quá trình điều trị nếu thấy cảm giác khó chịu bệnh nhân nên kiểm tra huyết áp trước khi khẳng định là do tăng hay giảm huyết áp gây ra cảm giác khó chịu. Trong trường hợp của bác, nhiều khả năng là do huyết áp tăng cao. Bác nên gặp lại bác sĩ điều trị để chỉnh lại đơn thuốc cho phù hợp.
– Bố tôi 70 tuổi, ông bị huyết áp cao. Xin bác sĩ tư vấn trong tủ thuốc nhà tôi cần chuẩn bị những gì để phòng ngừa những biến chứng bất ngờ. Cảm ơn bác sĩ. (Quang An, 40 tuổi, Hà Nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn:
Một trong những biến chứng của tăng huyết áp là cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Người bị tăng huyết áp lâu ngày nên duy trì chế độ điều trị không dùng thuốc như ăn nhạt, kiêng mỡ, hạn chế rượu bia, cai thuốc lá và luyện tập thể dục đều đặn cùng với sử dụng thuốc đều đặn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu điều trị và theo dõi tốt thì nguy cơ bị biến chứng như cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim ít hơn nhưng không phải là hoàn toàn loại trừ. Bạn nên mua sẵn một lọ thuốc Natisrpay 0,4mg. Thuốc được xịt dưới lưỡi khi bệnh nhân có cơn đau thắt ngực nhiều để điều trị ban đầu cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Sau đó, nên đưa bệnh nhân đến một cơ sở y tế gần nhất để được khám và xác định chẩn đoán.
– Bác sỹ có thể tư vấn giúp tôi và độc giả để đo huyết áp chính xác cần lưu ý những điều gì? Tôi dùng máy omron loại tự động. Xin cám ơn bác sỹ (Phạm Văn Hiếu, Nam Định)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Chẩn đoán tăng huyết áp chỉ cần đo huyết áp là đủ vì vậy để tránh chẩn đoán không chính xác, khi đo huyết áp cần chú ý một số điểm sau:
– Phải nghỉ ngơi ít nhất từ 5 phút trong phòng yên tĩnh trước khi đo
– Nên dùng huyết áp kế có băng quấn đo ở cánh tay, không nên dùng huyết áp kế đo ở ngón tay và cổ tay vì không thật chính xác.
– Dùng băng quấn tay đạt tiêu chuẩn tùy theo chu vi cánh tay. Bao cao su của băng quấn huyết áp kế phải ôm vòng ít nhất 80% chu vi cánh tay.
– Mỗi lần khám nên đo ít nhất 2 lần cách nhau 1-2 phút.
– Có thể đo ở tư thế ngồi, nằm hoặc đứng song băng quấn phải được đặt ngang mức tim (nhĩ phải của tim), mép băng quấn trên lằn khuỷu 3 cm
Bác dùng máy omron loại tự động có băng cuốn đo ở cánh tay là rất tốt, đây là thiết bị được phát triển dựa trên sự gắn kết thiết bị điện tử với phương pháp nghe Cột thủy ngân được thay thế bằng thang đo điện tử và huyết áp được đo dựa vào trên kỹ thuật nghe. Loại huyết áp kế này đang dần thay thế huyết áp kế thủy ngân.
Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh |
– Thưa bác sĩ,
Bà tôi năm nay 83 tuổi, cách đây 4 năm bà bị cao huyết áp, nhập viện, bác sĩ cho uống thuốc, theo dõi điều trị 3 tuần thì xuất viện. Từ đó đến nay bà ổn định: tinh thần minh mẫn, bà có thể đọc sách (mà không cần mang kính), đi lại khỏe mạnh…
Mới đây (từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9/2013), do đến ở chơi nhà con gái, bà có uống rượu, cà phê… và bắt đầu khoảng 10 ngày trở lại đây, bà có biểu hiện khó nói (giống như cứng hàm), khó cử động tay, mờ mắt. Gia đình có đưa vô bệnh viện, điều trị khoảng 3 ngày, bác sĩ bảo đã ổn định nên cho về. Tuy nhiên, chỉ cách một ngày sau, trong lúc nói chuyện, bà lại tiếp tục bị khó nói, phải mất một lúc lâu, bà mới nói được. Xin được tư vấn (P.Nguyễn, 30 tuổi, Bình Dương)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Tăng huyết áp là một bệnh mãn tính không điều trị khỏi được. Bà của bạn đã được chẩn đoán tăng huyết áp sau điều trị 3 tuần ở bệnh viện để ổn định huyết áp chứ không chữa khỏi bệnh tăng huyết áp. Sau khi ra viện, bệnh nhân nên uống thuốc theo đơn và tái khám định kỳ theo hẹn. Một trong những biến chứng quan trọng nhất của cao huyết áp là tai biến mạch máu não (cấm khẩu, liệt nửa người, hôn mê thậm chí tử vong) và thiếu máu não thoáng qua (các triệu chứng hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ). Qua các triệu chứng bạn mô tả cho thấy bà của bạn đã bị cơn thiếu máu não thoáng qua 2 lần. Bạn nên đưa bà đến một cơ sở y tế gần nhất để được khám, đo huyết áp và điều trị kịp thời.
– Tôi có tiền sử cao huyết áp, có uống thuốc hằng ngày duy trì, khoảng một tháng nay tôi thường tê các đầu ngón tay phải và cứng các ngón tay vào buổi sáng khi ngủ dậy. Vậy có phải do huyết áp cao gây ra không? Hay đó là dấu hiệu của đột quỵ? (Nguyễn Duy Ân, 50 tuổi, Quận Bình Thạnh – TP. Hồ Chí Minh)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Trước hết, bác cần xác định và đánh giá lại chỉ số huyết áp của mình là bao nhiêu. Các biểu hiện của bệnh tăng huyết áp thường là đau đầu, có thể nhức sau gáy, nóng bừng mặt. Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ có thể là tê nửa người, kèm theo giảm vận động. Vì vậy, nếu bác chỉ có cảm giác tê và cứng đầu ngón tay vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau đó trở lại bình thường thì chưa chắc đã là dấu hiệu của tăng huyết áp hoặc đột quỵ. Các dấu hiệu này có thể gặp do co các mạch máu nhỏ ở bàn và ngón tay (còn gọi là hội chứng Raynaud) khi trời lạnh. Bác cần làm siêu âm mạch để xác định bệnh. Khi đã điều trị thuốc hạ huyết áp thì huyết áp của bác cần đạt dưới 140/85 mmHg.
– Huyết áp cao có chữa khỏi được không, hay là phải uống thuốc suốt đời? (HUY KIM, 50 tuổi, sg)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Tăng huyết áp được chia thành tăng huyết áp vô căn và tăng huyết áp có nguyên nhân. Với nhóm tăng huyết áp có nguyên nhân thường gặp ở người trẻ, bệnh sẽ được điều trị triệt để khi tìm được nguyên nhân và giải quyết nguyên nhân. Với nhóm tăng huyết áp vô căn thường gặp ở người trung niên và có tuổi. Việc điều trị là khống chế con số huyết áp để đạt được con số huyết áp mục tiêu nhằm phòng tránh các biến chứng của bệnh tăng huyết áp do đó thường phải điều trị lâu dài và phải được khám bệnh và tư vấn định kỳ.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn |
– Tôi bị huyết áp 5 năm nay, lúc nào cũng phải có thuốc bên người, không biết có phải chính việc lạm dụng thuốc đó khiến bệnh ngày càng nặng không? (Phạm Hương, 60 tuổi)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Khi được chẩn đoán tăng huyết áp, ngoài các biện pháp dinh dưỡng và luyện tập, người bệnh cần dùng thuốc kéo dài. Có thể, bác cần phối hợp nhiều loại thuốc để đạt được huyết áp mục tiêu là dưới 130/85 mmHg. Ở những người cao tuổi, ngoài tăng huyết áp, các bác có thể mắc những bệnh khác, có những nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa khác như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy thận… Khi đó, bệnh nhân cần điều trị những bệnh này song song với bệnh huyết áp, nếu không sẽ rất khó kiểm soát được huyết áp, thậm chí bệnh nhân còn có cảm giác bệnh nặng lên. Bác cần đi khám lại tại bệnh viện và làm thêm các xét nghiệm máu để xác định có thêm các bệnh chuyển hóa khác kèm theo hay không ngoài tăng huyết áp. Tuyệt đối, bác không được bỏ thuốc, vì như vậy sẽ làm huyết áp càng tăng lên và có nguy cơ bị các biến chứng như đột quỵ.
– Thưa bác sỹ, để phòng bệnh cao huyết áp cần phải thực hiện theo những nguyên tắc nào ạ? Xin cám ơn bác sỹ! (Phạm Sỹ Nguyên, 38 tuổi, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Để phòng bệnh tăng huyết áp cần thực hiện theo các nguyên tắc sau:
-Thay đổi lối sống cho mọi bệnh nhân tăng huyết áp hoặc người có có huyết áp bình thường cao hoặc người có tiền sử gia đình tăng huyết áp. Đặc biệt ở người có nhiều yếu tố nguy có tim mạch như rối loạn lipid máu…
– Định kỳ kiểm tra huyết áp nhất là theo dõi sát những bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp, nên hướng dẫn cho bệnh nhân tự đo huyết áp tại nhà.
– Tôi năm nay 50 tuổi bi huyết áp cao 3 năm nay tôi đã đi khám và uống thuốc nhưng huyết áp của tôi vẫn 150/90. Tôi xin hỏi phải uống thuốc gi và ăn uống ra sao? (Phạm Hà, 50 tuổi, Hà Nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Mục tiêu quan trọng để điều trị bệnh tăng huyết áp là phòng ngừa biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Các nghiên cứu chứng minh rằng chỉ khi huyết áp nhỏ hơn 140/90mmHg mới làm giảm thiểu được nguy cơ biến chứng của bệnh. Để đạt mục tiêu điều trị của huyết áp ngoài vấn đề dùng thuốc thì việc tuân thủ chế độ điều trị không dùng thuốc cũng rất quan trọng. Bác nên ăn nhạt hơn bình thường, tăng cường rau quả tươi, hạn chế mỡ động vật, bia rượu, cai thuốc lá, năng vận động tập thể dục thể thao. Bạn nên thực hiện chế độ luyện tập ăn uống để giảm cân nếu thừa cân béo phì. Bên cạnh đó, một số thuốc điều trị bệnh khớp có thể làm giảm tác dụng của các thuốc hạ áp. Sau khi thực hiện tất cả các thay đổi trên mà huyết áp vẫn chưa đạt mục tiêu bạn nên gặp bác sĩ điều trị để điều chỉnh lại liều thuốc.
– Tôi năm nay 45 tuổi, cao 1m68 và nặng 78 kg. Tôi bị bệnh huyết áp thấp vậy tôi có thể giảm cân bằng phương pháp nào? Xin bác sỹ tư vấn giúp tôi! (Đức Tuấn, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Trước mắt Bạn nên đi viện kiểm tra toàn diện xem tình trạng huyết áp và các bệnh lý chuyển hóa nội tiết đi kèm và xác định nguyên nhân gây huyết áp thấp từ đó mới đưa ra được phác đồ điều trị đúng được.
– Có phải uống Actiso làm hạ huyết áp không thưa bác sĩ? (Mỹ Linh, 30 tuổi)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn:
Hiện tại chưa có nghiên cứu nào về tác dụng hạ huyết áp của Actiso. Actiso thường được biết đến với tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh lý gan, mật. Có thể trong tương lai sẽ có những nghiên cứu thêm về điều này, khi đó chúng tôi sẽ thông báo thêm.
– Tôi 61 tuổi, bị cao huyết áp 2 năm nay, tôi cần có chế độ ăn uống và tập luyện như thế nào để có 1 sức khỏe tốt. Cảm ơn bác sỹ! (Tiến Dũng, Gia Lâm, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Chế độ ăn uống và tập luyện cực kỳ quan trọng trong điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh
– Chế độ ăn : ăn nhạt lượng muối không quá 6 g/ngàyvì ăn mặn sẽ giữ nước gây tăng huyết áp, hạn chế các thức ăn chế biến sẵn như giò , chả … vì thường chứa nhiều muối, hạn chế tối đa chất béo, bia rượu , thuốc lá , tăng cường rau xanh tái câu nhát là các thức ăn có chứa nhiều kali,magie và các nguyện tố vi lượng. Nếu người tăng huyết áp thừa cân béo phì thì phải thực hiện chế độ ăn giảm calo, điều chỉnh cân nặng ở mức hợp lý
– Chế độ luyện tập: Cơ sở khoa học của rèn luyện sức khỏe ở bệnh nhân tăng huyết áp là điều hòa cholesterol trong máu, hạn chế vữa xơ động mạch làm giãn và tăng tính đàn hồi của mạch máu trong các cơ hoạt động và làm giảm sức cản máu ngoại biên, kết quả làm gỉam huyết áp. Chương trình tập luyện ở bệnh nhân tăng huyết áp mang tính cá nhân phụ thuộc vào mức độ tăng huyết áp và các yếu tố khác tùy theo tình trạng sức khỏe của của bạn. Trên nguyên tác là tập luyện thường xuyên đều đặn song phải tránh gắng sức, duy trì chế độ luyện tập đều đặn ít nhất 30-45 phút/ngày và hầu hết các ngày trong tuần.
– Tôi năm nay 33 tuổi, cao 1m73, cân nặng 75kg.
Do công việc nên hay uống rượu bia, hút thuốc lá. Xin hỏi bác sĩ như vậy tôi có cần theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên không? Nếu có tôi nhờ bác sĩ tư vấn loại máy huyết áp đo bắp tay hay cổ tay? Hãng nào uy tín nhất trên thị trường? Cám ơn bác sĩ nhiều. (Nguyễn Hải Hà, 33 tuổi, Củ Chi, Tp HCM)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Bạn cao 1m73 nặng 75kg như vậy bạn đang trong tình trạng thừa cân. Nguy cơ của việc thừa cân là các bệnh lý chuyển hóa trong đó có tăng huyết áp và tiểu đường. Do vậy, bạn rất cần theo dõi huyết áp tại nhà và định kỳ theo dõi lượng đường trong máu tĩnh mạch lúc đói. Theo các khuyến cáo của các hiệp hội tim mạch quốc tế máy đo huyết áp bắp tay đưa lại con số huyết áp chính xác nhất. Do vậy, bạn có thể lựa chọn bất cứ hãng cung cấp máy đo huyết áp tại bắp tay nào trên thị trường cũng được.
– Tôi vừa đi khám, bác sĩ bảo bị huyết áp cao. Tôi nghe nói người bị bệnh này dễ đột quỵ. Làm thế nào để phòng bệnh thưa bác sĩ? (Mai Lan Anh, 55 tuổi)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn:
Đột quỵ là một trong những biến chứng thường gặp ở tăng huyết áp. Ngoài ra, tăng huyết áp còn có thể gây ra những biến chứng khác như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, mờ mắt, suy thận… Để phòng những biến chứng này, người bệnh cần tuân thủ các chế độ điều trị một cách chặt chẽ. Trước hết, bệnh nhân cần đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt. Bệnh nhân cần ăn nhạt, kiêng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Người bệnh nên tập thể dục ở mức độ vừa phải như đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần, tốt nhất là tập hằng ngày. Ngoài ra, bệnh nhân cầ uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, tái khám định kỳ, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hoặc dùng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác. Bệnh nhân cần điều trị các bệnh chuyển hóa khác kèm theo (nếu có) như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Hiện tôi đang là sinh viên năm thứ 4. Chế độ sinh hoạt, học tập bình thường nhưng có lúc có dấu hiệu bị choáng sau đó bị ngất. Khi đo huyết áp bị tụt, xin hỏi bác sỹ đó là triệu chứng bệnh gì và tôi cần phải bổ sung những chất gì? (Minh Thư, TP HCM).
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Triệu chứng mà bạn mô tả là triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây nên như hạ đường máu do ăn kiêng quá mức hoặc bỏ bữa, thiếu máu, suy tim, suy tuyến giáp trạng, rối loạn nhịp tim hoặc bị strees … Bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân điều trị cho triệt để.
– Năm nay em 39 tuổi, cân nặng, chiều cao bình thường, tập yoga tuần 2-3 tuối. Gia đình có bố và mẹ đều tăng huyết áp nhưng hơn 60 tuổi mới tăng. Đầu tháng 6, huyết áp tăng 150/90, uống BS cho uống concor 2 tuần ngày 1/2 viên, sáng xuống bình thường (120/80), chiều tăng (140/90). Đầu tháng 7, sau khi ngừng thuốc 2 tuần có ngày lên đến 185/115. Kiểm tra động mạch thận, động mạch cảnh và các xét nghiệm bình thường riêng chỉ có chỉ số Adrenaline máu tăng cao (là 160). Sau 1 tuần kiểm tra ở tư thế đứng lại bình thường. Bác sĩ cho hỏi trường hợp của em có phải là đã tới tuổi tăng huyết áp chưa hay chỉ có 1 giai đoạn nhất định? Điều trị không dùng thuốc như thế nào ạ? Xin cảm ơn. (Trần Thị Phương Hoa, 35 tuổi, Hà Nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Bạn mới 39 tuổi đã bị tăng huyết áp, huyết áp cao nhất là 185/115 mmHg. Qua các thông tin bạn cung cấp, thì còn một thăm dò bạn cần thực hiện để chẩn đoán bệnh tăng huyết áp của bạn là có nguyên nhân hay không nguyên nhân. Đó là định lượng Cathecholamine trong nước tiểu và chụp cộng hưởng tử tuyến thượng thận để loại trừ u tủy thượng thận. Đây là những xét nghiệm cao cấp, chuyên khoa sâu. Bạn có thể thực hiện các thăm dò này tại các trung tâm tim mạch lớn như Viện Tim Mạch Quốc Gia – Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Vinmec… Nếu bạn bị u tủy thượng thận thì phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ chữa khỏi bệnh tăng huyết áp hoàn toàn. Nếu không rõ nguyên nhân bạn nên dùng thuốc kéo dài theo đơn của bác sĩ.
– Tôi năm nay 52 tuổi (nữ) huyết áp là 150/90 thì có phải là bị tăng huyết áp không. Ở các độ tuổi khác nhau thì các chỉ số huyết áp ở mức nào là cao thưa bác sỹ? (Thu Trang, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Chị đã bị tăng huyết áp vì theo tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp của Tổ chức Y tế thế giới là khi huyết áp tối đa (tâm thu) lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và huyết áp tối thiểu ( tâm trương) lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.Vì vậy chị nên đi khám để các bác sĩ hướng dẫn cách điều trị. Lứa tuổi nào cũng có thể bị tăng huyết áp, người trẻ tỷ lệ tăng huyết áp thấp hơn người lớn tuổi, vì vậy trước đây có quan niệm sai lầm là huyết áp bình thường bằng tuổi +100.
– Tôi làm công tác văn phòng, chiếu cao 1,65m, cân nặng 61kg, thường xuyên tập thể dục (chạy bộ 45 phút mỗi ngày), cơ quan cho khám sức khỏe bệnh viện đo 110/80, so với tuổi thì huyết áp như vậy là tốt hay xấu. Xin bác sĩ tư vấn dùm cảm ơn. (Ngô Văn Đắc, 49 tuổi, Bến Tre)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Bạn đang có một thể hình, lối sống và một con số huyết áp tối ưu. Bạn nên duy trì chế độ luyện tập và kiểm tra sức khỏe định kỳ như hiện nay. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý ở độ tuổi ngoài 40 cần có một chế độ ăn nhạt hơn bình thường, tăng rau xanh, giảm mỡ động vật, uống đủ nước và kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm các rối loạn cũng như các bệnh lý để được điều trị kịp thời.
– Theo em được biết là phần lớn tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân, nhưng có 1 số trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân. Thưa bác sỹ, những nguyên nhân đó là gì ạ? Và khắc phục nhưng nguyên nhân đó bằng cách nào ạ? (Thảo Nhi, 36 tuổi, TP HCM)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Khoảng 90-95% bệnh nhân tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, còn khoảng 5-10% bệnh nhân tăng huyết áp là có nguyên nhân, một số nguyên nguyên nhân thường gặp như sau:
-Bệnh tim mạch: hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, hở van động mạchchủ và bệnh Takayasu (hẹp nhiều động mạch)
– Bệnh thận : viêm cầu thận cấp hoặc mãn, viểm bể thận thận, sỏi thận;;..
-Bệnh Nội tiết: u tuyến thượng thận, cường chức năng tuyến giáp
-Do thuốc: Thuốc tránh thai, corticoid, cam thảo…
Để phát hiện nguyên nhân cần đến các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và làm các thăm dò như siêu âm thận, thượng thận,chụp cắt lớp vi tính,chụp cộng hưởng từ ổ bụng, và định lượng một số nội tiết tố của tuyến thượng thận, tuyến yên, tuyến giáp.. Khi tìm thấy nguyên nhân xử trí các nguyên nhân đó sẽ phần nào cải thiện tình trạng tăng huyết áp.
– Tôi được biết buổi tư vấn hôm nay có sự tham gia của bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Xin được hỏi bệnh viện Thu Cúc có những chuyên khoa gì, cơ sở vật chất ở đây và chuyên khoa nào là thế mạnh. Xin cảm ơn (HẢi Anh, 40 tuổi, Hà Nội)
– PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc phát triển trên nền tảng của Thẩm mỹ viện Thu Cúc, đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, máy móc khá đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của một bệnh viện đa khoa quốc tế với đủ các chuyên khoa.
Thế mạnh của Thu Cúc vẫn là phẫu thuật thẩm mỹ, tuy nhiên đây chỉ là một đơn vị nằm trong bệnh viện với 18 năm kinh nghiệm có sự hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Bệnh viện Thu Cúc mặc dù mới được thành lập hơn 2 năm nhưng đã phát triển với các thế mạnh của các chuyên khoa: chẩn đoán và điều trị bệnh lý gan mật, bệnh lý tim mạch, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình với các chuyên gia đầu ngành.
Song song phát triển các chuyên khoa đó, thời gian tới, mũi nhọn của Thu Cúc là chẩn đoán, sàng lọc và điều trị bệnh lý ung bướu với sự hợp tác của các chuyên gia Singapore và giáo sư đầu ngành trong nước. Để đáp ứng các yêu cầu đó, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ cùng chuyên môn luôn được Thu Cúc đầu tư và cải tiến.
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. |
– Xin hỏi bác sỹ tôi 39 tuôi, huyết ap lúc đo là 15/10., lúc 14/10, lúc 16/10 tôi có uống amlordipin 5mg khoảng 1 tháng rưởi nay, huyết áp ổn định 12/80. 115/75 tôi uống thuốc theo chỉ dẩn người thân, ko khám bác sỹ. Bác sĩ cho tôi lời khuyên có nên uống thuốc tiếp? (Lê Cường, Hà Nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Bạn bị tăng huyết áp độ 2. Sau khi điều trị huyết áp trở về bình thường. Tuy nhiên, việc đưa trị số huyết áp về mục tiêu là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Vì bên cạnh việc bạn bị tăng huyết áp thì còn có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm theo như tăng mỡ máu, đái tháo đường… Những yếu tố này cần phải làm các xét nghiệm phù hợp thì mới có thể chẩn đoán được. Bạn nên đến một cơ sở y tế để khám và kiểm tra tổng thể các yếu tố nguy cơ tim mạch có thể đi kèm với tăng huyết áp để được điều trị kịp thời. Bên cạnh việc dùng thuốc bạn nên thay đổi lối sống: ăn nhạt; tăng cường rau xanh; giảm mỡ động vật; hạn chế rượu bia, thuốc lá, tăng cường vận động, luyện tập thể thao…
– Thưa bác sỹ, bà cháu năm nay 73 tuổi bị cao huyết áp, vậy bác sỹ có thể cho cháu biết điều trị cao huyết áp ở người cao tuổi cần có những lưu ý gì ạ? Cháu xin cám ơn. (Thu Thảo, Nghệ An)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
– Số người cao tuổi ngày càng tăng, khoảng 2/3 người cao tuổi bị tăng huyết áp, phần lớn là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần, mức huyết áp tâm thu ở ngừời cao tuổi liên quan chặt chẽ đến các biến cố tim mạch hơn là mức huyết áp tâm trương
– Khi điều trị bệnh nhân cao tuổi tăng huyết áp rất dẽ bị hạ huyết áp tư thế đứng nghĩa là khi ngồi hoặc nằm huyết áp bình thường hoặc cao, nhưng khi đứng dậy thì huyết áp bị tụt đột ngột gây choáng váng, chóng mặt thậm chí ngã gục xuống vì vậy phải cân nhắc sử dụng thuốc hạ áp nên lựa chọn thuốc ít gây hạ áp tư thế.
– Liều lượng thuốc dành cho người cao tuổi thường dùng liều thuốc thấp hơn người trẻ do người cao tuổi chức năng thận kém. Tăng huyết áp nhẹ và vừa không cần dùng thuốc ngay cần điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt kiểm tra khi huyết áp > 160/90 thì phải dùng thuốc hạ áp.
– Em sinh năm 1990, bị bệnh cao huyết áp (có khi lên đến 170mmHg), kính mong bác sĩ chỉ cách phòng trị? (Phuoc Nguyen, Hà Nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Em còn trẻ mà huyết áp đã cao như vậy thì trước hết cần tìm nguyên nhân của tăng huyết áp. Em cần đi khám tại bệnh viện để làm thêm các thăm dò như siêu âm thận và tuyến thượng thận, động mạch thận; siêu âm tim để loại trừ hẹp eo động mạch chủ; làm các xét nghiệm máu và nước tiểu để loại trừ các bệnh về cầu thận, tuyến thượng thận. Các xét nghiệm này cần được tiến hành tại các trung tâm tim mạch có uy tín. Nếu tìm được nguyên nhân thì có thể điều trị triệt để được bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, có thể các bác sĩ sẽ kê thuốc cho em để hạ huyết áp cùng chế độ ăn nhạt.
– Tôi năm nay 31 tuổi làm kế toán. Gần đây tôi thường xuyên bị chóng mặt, nhức đầu, nôn nao. Có phải tôi bị bệnh huyết áp thấp không? Xin cám ơn BS, (Thanh Tú, 31 tuổi, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, nôn nao là triệu chứng của rất nhiều bệnh trong đó có bệnh huyết áp thấp vì vậy Bạn nên đi khám và đo huýêt áp để có chẩn đoán chính xác và điều trị đúng phác đồ.
– Mẹ chồng cháu năm nay 68 tuổi bị cao HA đã 8 năm, hàng ngày có uống thuốc hỗ trợ giảm HA vào buổi sáng. HA của mẹ cháu TB là 160/105 (Trước khi uống thuốc) sau khi uống còn 125/95. Hai tháng nay mẹ cháu bị tai biến vỡ 1 mạch máu và đã bác sĩ nút mạch điều trị. Hiện mẹ cháu điều trị uống thuốc tại nhà nhưng còn 2 nút đang phồng to chưa vỡ. Xin tư vấn và mẹ cháu có uống viên An Cung Ngưu Hoàng Hoàn được không? (Tran Nha Trang, Hà Nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Bệnh phình mạch máu não thường gặp là do bẩm sinh xuất hiện từ khi còn nhỏ. Đây là nguyên nhân quan trọng gây xuất huyết não ở người trẻ tuổi. Việc phát hiện sớm chỗ phình và điều trị can thiệp bít chỗ phình có thể phòng ngừa được biến chứng này. Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây vỡ túi phình. Người bị phình mạch máu não mà có tăng huyết áp thì cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ hơn. Huyết áp buổi sáng khi chưa uống thuốc là 160/105mmHg là quá cao. Hiện nay, chúng ta có nhiều thuốc hạ áp tốt, tác dụng kéo dài. Ngay cả buổi sáng khi chưa dùng thuốc huyết áp vẫn phải trong giới hạn bình thường thì mới có tác dụng bảo vệ bệnh nhân khỏi các biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Nếu bệnh nhân sử dụng các thuốc hạ huyết áp tác dụng kéo dài thì huyết áp luôn trong giới hạn bình thường, trong cả 24 giờ. Mẹ chồng của bạn không bị liệt nhưng chậm chạp vì có thể biến chưng vỡ phình mạch não vừa rồi không ảnh hưởng đến vùng vận động của não mà chỉ ảnh hưởng đến tri giác. Bạn nên đưa mẹ đến một trung tâm tim mạch để được tư vấn và khám chuyên sâu hơn.
An Cung Ngưu Hoàng Hoàn là một loại thuốc Đông Y đang được nhiều người ưa dùng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng bảo vệ tim mạch của thuốc kể cả trong tai biến mạch máu não.
– Huyết áp thường xuyên 90-100/55-65 có phải đã thấp và cần điều trị không thưa bác sĩ? (Phuong Anh, 43 tuổi, Hà nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Chỉ số tim mạch của bạn như vậy không phải là thấp vì theo Hiệp hội Tim mạch Quốc gia, chỉ số dưới 90/60mmHg mới là thấp.
– Tôi năm nay 35 tuổi, đi khám bác sỹ bị kết luận huyết áp thấp hơn 1 năm nay. Vậy bác sỹ có thể giúp tôi tư vấn chế độ ăn uống hợp lý đối với người mắc bệnh huyết áp thấp như tôi được không ạ? Xin cám ơn! (Mạnh Quân, 35 tuổi, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên trạng thái huyết áp thấp vì vậy cần đến các bác sỹ chuyên khoa khám để tím ra nguyên nhân của huyết áp thấp. Nếu do các bệnh lý thì phải điều trị tích cực các nguyên nhân đó,còn ở những người khẻo mạnh sinh hoạt bình thường thì chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống luyện tập đều đặn thường là đã có thể cải thiện được tình trạng huyết áp thấp rồi.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn |
– Tôi năm nay 50 tuổi, bị cao HA đã hơn 10 năm nay, HA của tôi thường ở mức 150/100, đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra căn nguyên, hiện tôi thường xuyen uống thuốc hạ HA loại EDNYT 5mg, Hỏi: Tôi dùng thuốc này thường xuyên có được không? có loại thuốc nào thích hợp hơn không ? (Nguyễn Văn Lương)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Để phòng các biến chứng của bệnh tăng huyết áp đòi hỏi việc điều trị phải đưa được trị số huyết áp về huyết áp mục tiêu, với trường hợp của bác nếu chỉ tăng huyết áp không có tiểu đường, chức năng thận bình thường thì huyết áp mục tiêu cần dưới 140/90mmHg như vậy việc điều trị huyết áp của bác hiện tại chưa có hiệu quả. Bệnh tăng huyết áp ở độ tuổi của bác đã đi khám nhiều nơi mà không tìm ra căn nguyên cho thấy bác mắc loại tăng huyết áp vô căn nên vấn đề đặt ra chỉ là khống chế con số huyết áp để đạt được huyết áp mục tiêu. Hiện tại bác đang điều trị EDNYT 5mg không có hiệu quả nên cần phải đến cơ sở chuyên khoa tim mạch để được khám tư vấn và thay đổi phác đồ điều trị cho phù hợp. Ngoài ra, bác cần tuân thủ chế độ điều trị không dùng thuốc những ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, tăng rau xanh, hoa quả, năng vận động, tập thể dục thể thao…
– Chào bác sỹ, để phòng bệnh huyết áp thấp thì cần làm những gì ạ? Xin cảm ơn bác sỹ! (Hồng Nhung, 28 tuổi, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Trạng thái huyết áp thấp do rất nhiều nguyên nhân gây ra như suy giáp trạng, thiếu máu, hạ đường máu, nhịp tim chậm… vì vậy để dự phòng căn bệnh này cần kiểm soát thật tốt các nguyên nhân gây huyết áp thấp. Bạn nên đến bác sỹ thăm khám , xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân, huyết áp sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề một cách thấu đáo .
Trường hợp không do các nguyên nhân trên bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
– Luyện tập thường xuyên đều đặn, phù hợp với lúa tuổi và sức khỏe, không đứng lâu, ngồi lâu một tư thế
– Ăn uống: đủ chất, không bỏ bữa không cách bữa ăn quá xa . Trong những trường hợp huyết áp thấp do giảm trương lực mạch máu, hạ glucose máu có thể dùng thêm các chất kích thích như càfe, chè, ăn thêm muối…không dùng chế độ ăn kiêng giảm quá nhanh và mạnh
– Đảm bảo giấc ngủ ,không nên dùng an thần, hạ áp
– Khi người huyết áp bị cảm cúm thì dùng thuốc nào,vì các thuốc cảm cúm đều thận trọng với người huyết áp. (le hoang dieu, ha dong)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Người bị tăng huyết áp chẳng may nhiễm cúm thì vẫn dùng thuốc điều trị huyết áp bình thường. Các thuốc thông thường điều trị cúm đều có thể sử dụng cho người bị tăng huyết áp trừ trường hợp người đó mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
– Chào bác sỹ, tôi năm nay 42 tuổi mới đi khám và bị kết luận huyết áp thấp. Bệnh này có nguy hiểm và có biến chứng gì không thưa bác sỹ? (Thanh Hương, Hà Nội).
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Huyết áp cao hay thấp đều rất nguy hiểm. Khi huyết áp thấp đồng nghĩa với tình trạng tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể, một số vùng sâu xa sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng. Tình trạng huyết áp thấp kéo dài tế bào càng khó tránh khỏi tình trạng thiếu oxy và nhiều biến chứng có thể xẩy ra như thiếu máu cơ tim,tai biến mạch máu não..nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim có huyết áp thấp ngang với đối tượng có tăng huyết áp, số trường hợp tử vong với huyết áp thấp thậm chí còn cao hơn số nạn nhân trước đó có tăng huyết áp.
Chính vì vậy bạn nên định kỳ kiểm tra huyết áp và tìm nguyên nhân huyết áp thấp để điều trị góp phần năng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
– Chào bác sĩ! Bác Sĩ cho tôi hỏi
Mợ của tôi năm nay được 60 tuổi bà thường xuyên bị cao huyết áp và có đi khám bệnh, bác sĩ điều trị nói bà bệnh: nguyên phát vô căn và có cho thuốc uống: concor 2,5mg, vashasan 20mg, nifedipin 20mg, atorvastatin 10mg, thực phẩm chức năng ích nhân. Nhưng bệnh vẫn không tiến triển nhiều, huyết áp vẫn không ổn định. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi làm thế nào để huyết áp mợ tôi được ổn định hơn?
Xin cám ơn B/S đã nhiệt tình tư vấn giúp! (Lý Thanh Thảo, 30 tuổi, 286B Kp Nguyễn Trãi, P. Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Điều trị tăng huyết áp cần phối hợp nhiều biện pháp, không chỉ là dùng các thuốc hạ huyết áp. Trước hết, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn nhạt muối, giảm cân nếu cần, kiêng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, chế độ luyện tập thể lực vừa phải như: đi bộ khoảng 30 phút một ngày. Ngoài ra, cần điều trị các bệnh kèm theo như: đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Các thuốc bác sĩ đã kê cho mợ của bạn đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, nếu huyết áp chưa ổn định, vẫn còn có lúc cao hơn bình thường, mợ của bạn cần đi khám lại tại một trung tâm tim mạch để làm thêm các xét nghiệm đánh giá các bệnh kèm theo và có thể phải chỉnh liều thuốc hạ huyết áp hoặc chuyển sang loại thuốc khác, có tác dụng mạnh hơn và thời gian tác dụng kéo dài hơn hoặc phối hợp thêm thuốc. Mợ của bạn không nên tự ý bỏ thuốc vì nghĩ rằng bệnh không điều trị được.
– Tôi bị THA mức độ HA 140/100 đang uống exforge dùng thường xuyên thuốc có hại không,loại thuốc nào tương đương và rẻ hơn không? (Đức Thuận, Hà Nội)
– Phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Quýnh:
Đây là loại thuốc hạ áp kết hợp 2 hợp chất chống tăng huyết áp gồm Amlordipine thuộc nhóm đối kháng canxi và Valsartan thuộc nhóm đối kháng angiotensin II có tác dụng hạ áp tốt, ít tác dụng phụ, thuốc của hãng dược phẩm Novartis .
Thuốc có dạng viên nén bao phim với các hàm lượng 2 hoạt chất khác nhau: 5/160 (5mg Amlordipine và 160 mg Valsartan) 10/160 và 5/80 . Huyết áp của bạn hiện tại ở mức chưa đạt mục tiêu điều trị <140>
Hiện nay trên thị trường chưa có loại nào thay thế,song Bạn có thể dùng kết hợp hai loại thuốc Amlordipin 5mg và Valsartan 160 mg một loại 1viên /ngày , giá thành sẽ giảm hơn.
– Chào bác sĩ Tôi xin bổ sung câu hỏi chưa được trả lời là: Tình trạng như của tôi cần bổ sung thêm thuốc gì để cải thiện sức khỏe sau khi uống dài thuốc hạ huyết áp như vậy? (Trần phi Hùng, 52 tuổi, Đà nẵng)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Các thuốc điều trị huyết áp không ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung. Tuy nhiên là thuốc điều trị nên cũng có thể gặp các tác dụng phụ. Bác chỉ cần sử dụng thuốc điều đặn và khám định kỳ là đủ, không cần bổ sung thuốc gì đặc biệt. Tuy nhiên, người lớn tuổi việc hấp thu vitamin và khoáng chất qua chế độ ăn uống hàng ngày kém hơn người trẻ nên bác có thể sử dụng thêm các vitamin tổng hợp.
– Em vừa đi siêu âm tim, van 2 lá hở 1/4, bá sĩ nói em bình thường. Mong bác sĩ tư vấn cho em cần uống thuốc và đi khám định kỳ hay không? (Quách Việt Long, 30 tuổi, Hà Nội)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Bạn đi siêu âm tim có kết quả hở van hai lá 1/4 có nghĩa là mức độ hở nhẹ, bạn không nói rõ hình thái van hai lá nhưng nhìn chung với kết quả siêu âm như vậy được coi là bình thường, không ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe và chức năng tim của bạn. Do vậy bạn không cần phải điều trị và siêu âm tim định kỳ.
– Mẹ tôi bị tăng huyết áp nhiều năm nay, hiện tại vẫn đang dùng thuốc hạ huyết áp (mỗi ngày một viên). Vậy ngoài việc uống thuốc ra mẹ tôi có thể dùng thực phẩm gì để thay thế việc sử dụng thuốc không? Trường hợp huyết áp đột ngột tăng cao (mặc dù vẫn uống thuốc) thì xử lý ra sao? (Thuy Vu Thu, 35 tuổi)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn:: Chế độ dinh dưỡng cũng như chế độ luyện tập là những biện pháp hạ huyết áp hữu hiệu cần áp dụng ở mọi bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp. Có nhiều thực phẩm chức năng và thuốc Đông y có tác dụng hạ huyết áp như: hoa hòe, râu ngô, bông mã đề… nhưng chỉ có tác dụng yếu và chỉ có tác dụng bổ sung. Khi các biện pháp trên không thể giúp bệnh nhân đạt đến huyết áp mục tiêu thì bác sĩ sẽ kê thuốc hạ huyết áp. Lúc này, bệnh nhân cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ một cách tuyệt đối không nên tự ý bỏ thuốc hoặc dùng theo đơn thuốc của bệnh nhân khác để tránh các biến chứng của tăng huyết áp. Các thuốc hạ huyết áp có thể có tác dụng phụ nhưng tỷ lệ rất thấp. Vì vậy, các bệnh nhân điều trị thuốc cần được theo dõi định kỳ, thường xuyên để đánh giá mức độ huyết áp cũng như các biến chứng có thể xảy ra để xử lý kịp thời. Khi huyết áp đột ngột tăng cao (trên 170/100), bệnh nhân đau đầu nhiều có thể cho ngậm một viên Captopril 25mg dưới lưỡi, sau đó phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện.
– Xin cho tôi hỏi huyết áp của tôi đo tại nhà vào lúc sáng sớm lại cao hơn buổi tối.Vào sáng sớm là 140 đến 150, vào buổi chiều tôi chơi thể thao về ăn uống bình thường có khi uống một lon bia lúc đ ngủ đo có khi còn 120 đến 125/85. Tôi chưa dùng thuốc điều trị cao huyết áp mà dùng rượu tỏi ngày hai lần sáng dậy và trước khi đi ngủvậy có anh hưởng gì không. Uống rượu tỏi có giảm huyết áp không?contact@thucuchospital.vn (Pham trung Kien, 52 tuổi, thanh pho Vung tau)
– PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn: Huyết áp của bác từ 140-150 mmHg là đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bị bệnh tăng huyết áp. Tập luyện thể dục thể thao cũng như uống rượu có tác dụng giãn mạch do vậy sau khi luyện tập thể thao và uống rượu, huyết áp thường giảm hơn bình thường. Cả luyện tập và uống rượu đều tốt cho sức khỏe nói chung và huyết áp nói riêng nhưng chỉ với mức độ vừa phải. Nếu bác uống rượu nhiều và kéo dài thì sẽ gây ra tăng huyết áp. Rượu tỏi rất tốt cho sức khỏe do làm giảm cholesterol máu và tăng sức đề kháng cơ thể, tuy nhiên chỉ với lượng nhỏ. Bác nên đến một cơ sở y tế để được khám và tư vấn sâu hơn. Chúc bác luôn khỏe mạnh!
Do thời gian chương trình có hạn nên nhiều câu trả lời của độc giả chưa được trả lời. Độc giả có thể gửi về email contact@thucuchospital.vn hoặc gọi đến số hotline 0438355555 để được tư vấn.
VnExpress
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi lập trình php