Cả thế giới đang lo ngại Syria bị tấn công quân sự, các thị trường mới nổi lao dốc, nguy cơ FED giảm kích thích, bầu Thủ tướng ở Đức và Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nga… đều có khả năng làm tổn hại kinh tế toàn cầu.
Theo Guardian, tháng 9 là mốc thời gian gắn liền với rất nhiều sự kiện tồi tệ. 5 năm trước, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra khi Lehman Brothers phá sản, Merrill Lynch bị Bank of America mua lại, còn đại gia bảo hiểm AIG phải nhận cứu trợ của Chính phủ Mỹ.
Một năm trước đó, Northern Rock (Anh) bị người gửi ồ ạt rút tiền vì tin đồn ngân hàng khan hiếm tiền mặt do cho vay thế chấp tràn lan. Ngày thứ Tư đen tối xảy ra vào tháng 9/1992 với việc Anh phải rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu, sau khi đồng bảng mất giá mạnh. Bảng Anh cũng phải rời chế độ bản vị vàng tháng 9/1931.
Tháng 9 năm nay cũng không phải ngoại lệ. Cả thế giới đang quay cuồng trong vấn đề của Syria, các thị trường mới nổi, nguy cơ FED giảm kích thích, bầu Thủ tướng ở Đức và Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nga. Tất cả vấn đề này đều có khả năng làm tổn hại kinh tế toàn cầu.
FED có khả năng giảm kích thích ngay trong tháng 9. Ảnh: 1800politics |
Nguy cơ Mỹ không kích Syria ngày một cao đã khiến giá dầu được đẩy lên không ngừng. Syria không phải nước sản xuất dầu mỏ quan trọng, Bloomberg cho biết. Tuy nhiên, thế giới vẫn lo ngại việc này sẽ gây bất ổn cho cả khu vực Trung Đông – nơi cung cấp tới một phần ba dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu Brent đã lên tới 120 USD một thùng tại London tuần trước. Theo Guardian, bất kỳ dấu hiệu xung đột nào tại Syria cũng có thể khiến giá dầu tăng vọt. Capital Economics ước tính nếu dầu lên 150 USD một thùng, tăng trưởng toàn cầu sẽ mất 1%.
Vấn đề này cũng có thể khiến Hội nghị thượng đỉnh G20 trở nên căng thẳng, nếu Tổng thống Nga – Vladimir Putin chỉ trích chính sách của Mỹ với Syria và được Trung Quốc ủng hộ. Trong trường hợp này, nguy cơ đổ vỡ quan hệ ngoại giao là rất lớn. Thị trường vì thế có thể tìm đến các tài sản đầu tư an toàn như vàng, franc Thụy Sĩ hay đôla Mỹ.
Động thái này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề tại các thị trường mới nổi, khi gần đây, tiền tệ các nước này giảm mạnh so với USD. Tại Ấn Độ, đồng rupee đã xuống thấp kỷ lục tuần trước. Indonesia còn phải nâng lãi suất để bảo vệ đồng rupiah. Đây là hai nước có vấn đề về cấu trúc trong nền kinh tế và bị tác động mạnh nhất bởi tuyên bố giảm kích thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nhà đầu tư đã ồ ạt rút tiền khỏi các nước mới nổi trong những tháng qua để đổ lại về Mỹ. Việc này từng làm dấy lên nỗi lo lặp lại khủng hoảng tài chính châu Á 1997.
Bầu cử ở Đức vào 22/9 cũng là mối quan tâm của thế giới. Nguy cơ euro tan vỡ đã lắng xuống và châu Âu cũng tăng trưởng lần đầu sau 6 quý liên tiếp suy thoái. Tuy nhiên, phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh và khả năng Hy Lạp cần gói cứu trợ thứ ba cho thấy khủng hoảng nợ ở đây vẫn chưa thể chấm dứt. Vì thế, nếu chính phủ mới của Berlin có biện pháp cứng rắn với các nước mắc nợ, việc này cũng sẽ chẳng thay đổi được gì.
Tháng 9 cũng là thời điểm diễn ra phiên họp chính sách của FED. Giới đầu tư cho rằng FED có thể giảm kích thích ngay trong tháng này, từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD mỗi tháng. Tuy nhiên, việc đó sẽ còn tùy thuộc vào báo cáo việc làm tháng 8 được công bố cuối tuần này. Nếu số liệu lạc quan, khả năng giảm kích thích là rất lớn.
Chủ tịch FED – Ben Bernanke đã nhiều lần trấn an những người ủng hộ nới lỏng tại Phố Wall. Tuy nhiên, ảnh hưởng của động thái này rất khó đoán trước. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tung kích thích quy mô lớn, và không ai biết chắc liệu việc này sẽ có phản ứng phụ nguy hiểm hay không.
Ngoài những vấn đề trên, thế giới cũng quan tâm đến ứng cử viên Chủ tịch FED mà Tổng thống Obama đề cử, thay ông Bernanke sẽ hết nhiệm kỳ đầu năm tới. Cuộc tranh cãi giữa ông Obama và các nghị sĩ đảng Cộng hòa về vấn đề trần nợ công cũng sẽ càng khiến giới đầu tư thấp thỏm.
Thùy Linh
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net
Hệ thống tin tự động RobotVN 1.3.0 bởi diễn đàn seo